Nó còn làm giảm sự lắng đọng tiểu cầu, ngăn ngừa kết dính giữa các tiểu cầu lại với nhau gây nên tắc nghẽn mạch. bưởi còn có tác dụng kháng viêm, chống co giật.
Vĩnh Long có bưởi Năm Roi, Biên Hòa có bưởi Tân Triều. Bưởi Năm Roi và bưởi Tân Triều là 2 loại bưởi có tiếng của miền Nam Việt Nam, ngoài cảm giác ngọt chua, giải khát, bưởi còn có rất nhiều tác dụng trị bệnh.
Bưởi còn gọi là bòng, tên khoa học: Citrus Grandis Osbeck. Họ Cam (Rutaceae).
Bưởi vị chua, tính lạnh, ăn vào làm người thư thái, trị thai nghén, kém ăn, đau bụng, người bị tích rượu, ăn không tiêu.
Bưởi ruột hồng có chứa một lượng lớn vitamin A và beta carotene, giúp sáng và khỏe mắt. Ngoài ra, mỗi quả bưởi còn có chứa 325mg kali, 25 microgam folate, 40mg canxi, 1mg sắt.
Đông y cho rằng mỗi bộ phận của quả bưởi đều có tác dụng riêng.
Lá bưởi
Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.
Trị bong gân, sưng khớp do lạnh, chấn thương: lá bưởi không kể liều lượng, nướng chín chườm vào vùng đau, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm tại chỗ.
Vỏ bưởi
Vị đắng cay, tính độc; tác dụng thông lợi, trừ đờm, táo thấp, hòa huyết, giảm đau, trị trường phong, đau ruột, tiêu phù thũng các loại.
Vỏ ngoài của bưởi chứa nhiều tinh dầu, vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm, trị ho, giảm đau, thường được dùng trong liệu pháp nấu nồi xông giải cảm.
Vỏ bưởi còn chứa nhiều flavonoid như naringosid, hesperidin, diosmin, diosmetin, hesperitin… có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thẩm thấu, giúp cho mao mạch đàn hồi và bền vững hơn, giúp ngăn ngừa tai biến do vỡ các mao mạch, gián tiếp giúp hạ huyết áp.
Trị tức ngực, đau sườn do khí bốc lên, chán ăn do tức giận ảnh hưởng đến gan: vỏ của một quả bưởi còn tươi, hành 2 củ. Vỏ bưởi nướng cháy lớp vỏ ngoài rồi cạo bỏ vỏ, ngâm trong nước sạch 1 ngày để vị đắng trong vỏ tan ra. Vớt vỏ cắt thành miếng cho vào nồi đun với nước, khi gần chín, cắt nhỏ 2 củ hành cho vào, thêm gia vị, ăn kèm vào cácc bữa ăn. Ngày 1 thang. Món ăn này có tác dụng giải can khí uất kết, hạ khí, tiêu đờm.
Trị phù thũng và phù thũng sau khi sinh: vỏ bưởi khô và cao ích mẫu (hay cây ích mẫu) lượng bằng nhau, đem tán nhỏ trộn đều, uống mỗi lần 8g với rượu vào lúc đói. Hoặc dùng mỗi vị 20 - 30g sắc uống trong ngày.
Cùi bưởi
Đông y dùng cùi trắng bưởi để làm thông kinh hoạt lạc, vì vậy thường được dùng để trị nhức mỏi (do khí huyết bị uất trệ gây ra).
Phân tích thành phần hóa học, cùi trắng bưởi có chứa pectin, tinh dầu và 2 flavonoid chính là hesperidin và natringin.
Pectin là chất sợi hòa tan, nó ngoại hấp cholesterol trong thức ăn và muối mật, khiến cho cholesterol và chất béo đều ở lại ruột và bài xuất theo phân, vì vậy, nó góp phần làm giảm chất cholesterol trong máu, gián tiếp ngăn ngừa đái tháo đường, béo phì và xơ cứng mạch máu.
Pectin cũng có tác dụng nhuận trường. Sản phụ và người lớn tuổi, những người mới khỏi bệnh nặng… thường bị âm huyết suy kiệt, cho nên phân bị khô cứng, khó đại tiện (táo bón). Dùng cùi nước bưởi nấu cho đến khi nước đặc sền sệt, nấu thêm với mè đen sẽ thành bài thuốc “tuyệt vời” để nhuận trường.
Pectin cũng không bị chuyển hóa, không ngấm vào máu, vì vậy nó trở thành thức ăn giả, rất thuận lợi cho thực đơn của những người cần giảm thân trọng (béo phì). Vì vậy, một số đầu bếp đã tận dụng cùi trắng của bưởi trộn với thịt làm thành món chả đùm vừa thơm ngon vừa tránh được chất béo gây nê bụng khi ăn món này. Các bà bán chè cũng tận dụng vùi bưởi nấu chè vừa thơm ngon vừa đỡ ngán.
Hesperidin và naringin có tính chất giống như rutin, giúp bảo vệ tính đàn hồi của mạch máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, gián tiếp chống cao huyết áp và tai biến mạch máu não.
Trị ho lâu ngày ở người lớn tuổi: lấy 50 - 100g cùi bưởi (tức bóc bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài). Đường phèn 20g, chưng chín, uống nước cốt thuốc đó.
Trị ho khan, nhiều đờm, ăn uống không tiêu: phần vỏ xanh ngoài cùi bưởi 10 - 20g sắc lấy nước uống.
Nước bưởi
Nước bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, nhuận trường, chống táo bón, giải nhiệt, chống háo khát, giải độc rượu, trị ho… Nước quả bưởi có khả năng sinh nhiệt thấp vì chỉ có 9% glucid, kể cả chất sợi hòa tan,
Nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như các loại đường trái cây, đạm, béo, axít tannic, beta-caroten và các chất khoáng như phospho, sắt, canxi, magiê, các vitamin B1, B2, C.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy dịch quả bưởi có nhiều kali, là hoạt chất giúp giảm tai biến do nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, nước bưởi có thành phần giống như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân đái tháo đường, cao huyết áp. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được đái tháo đường.
Trị ho nhiều, đờm khí nghịch:
Cơm nước bưởi 100g, rượu gạo 15ml, mật ong 30ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, mỗi ngày ăn 1 lần.
Cơm bưởi cắt nhuyễn cho vào bình, ngâm rượu, đậy kín 1 đêm, nấu nhừ, dùng mật ong trộn đều, ngậm nuốt thường xuyên.
Trị rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt, nước dãi trào ngược:
Cơm bưởi 60g, ăn hết 1 lần, mỗi ngày ăn 3 lần.
Nước bưởi, mỗi lần dùng 50g, ngày 3 lần, dùng liền 5 ngày.
Bưởi 5 - 8 quả ép lấy nước, nấu đặc, thêm 500g mật ong, 100g đường phèn, 10ml nước gừng tươi, cùng nấu thành dạng cao, để nguội, đựng trong lọ. Mỗi lần dùng 15ml, ngày 2 lần, dùng hết 5 ngày.
Trị hôi miệng giải rượu:
Cơm bưởi 100g, nhai nuốt dần dần.
Bưởi 1 quả lấy nước, vỏ quýt 10g, gừng tươi 6g, thêm 10g đường phèn, nấu chung, mỗi ngày dùng 1 liều, dùng liên tục trong 5 ngày.
Trị say tàu xe hay rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt buồn nôn do cảm: múi bưởi 30 - 60g, nhai nuốt dần.
Hạt bưởi
Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn, sa đì, đau dạ dày.
Cách chế pectein từ hạt bưởi: hạt bưởi chọn bỏ hết hạt lép. Nếu lượng hạt nhiều thì lấy khoảng 20 hạt (để chế nước pectin dùng trong 1 ngày). Cho hạt bưởi vào cốc, rót nước sôi (còn nóng khoảng 70 - 800C) ngập hạt, dùng đũa quấy liên tục chừng 5 - 6 phút rồi gạn hết nước nhầy cho vào 1 cốc riêng. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi lấy hết nước nhầy (sờ tay vào vỏ hạt thấy hết nhầy). Tùy theo từng giống bưởi, quả bưởi, có loại nhiều pectin phải đánh hạt với nước 5 - 6 lần mới hết nhầy. Loại ít pectin chỉ cần làm 3 lần là được.
Chống táo bón, rối loạn lipid máu, chống béo, bệnh tim mạch: cho 20 hạt bưởi vào cốc, rót nước sôi (còn nóng khoảng 70 - 800C) ngập hạt, dùng dĩa nhiều răng quấy liên tục chừng 5 - 6 phút rồi gạn hết nước nhầy vào một cốc riêng. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi lấy hết nước nhầy (sờ tay vào vỏ hạt thấy hết nhầy), uống 50ml sau khi ăn bữa chính 60 phút.
Chống chảy máu (răng, máu cam, rong kinh, kinh nguyệt ra nhiều): chế biến giống như trên, mỗi lần dùng 20ml cách nhau 20 phút/ lần trong giờ đầu.
Làm đẹp da
Một loại cocktail chế biến từ bưởi, chanh, cam, húng tây, hương thảo, dầu hạt bí ngô… giúp tăng vẻ tươi mịn cho da, chống lại sự tấn công của các yếu tố ô nhiễm môi trường.
Ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân
Một số tác dụng khác của bưởi
Các nhà khoa học đã minh chứng rằng bưởi có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, do có chứa một lượng lớn lycopene (chất chống oxy hóa). Thử nghiệm trên những người tình nguyện, áp dụng một chế độ ăn uống với 10 phần thực phẩm giàu lycopene hàng tuần. Kết quả thu được đã khiến các nhà khoa học không khỏi ngỡ ngàng, vì trong 50% trong số họ khó hoặc hầu như không có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy trong bưởi có chứa axít phenolic, chất này có thể ngăn chặn một số bệnh mãn tính như bệnh viêm khớp, bệnh luput.
Theo các chuyên gia, bưởi được coi như một loại “thần dược”, nhất là đối với bệnh nhân bị đái tháo đường. Thêm vào đó, các bệnh nhân đái tháo đường cũng được khuyến khích nên ăn 3 phần bưởi mỗi ngày để cải thiện tình hình. Và người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường cũng nên áp dụng lời khuyên trên.