Hà Nội

"Quả bóng" trách nhiệm và đích đến cuối cùng

TS.BS Lê Tuấn Thành

TS.BS Lê Tuấn Thành

29-10-2013 17:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Anh Tường được học tập, đào tạo và làm việc trong ngành Y, như vậy hiển nhiên trách nhiệm của ngành Y tế là rõ ràng. Chúng tôi, những người đồng nghiệp của anh đều có trách nhiệm chung vì còn hạn chế trong công tác chuyên môn mà chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả nhất với sốc phản vệ hay tai biến phẫu thuật.

(tiếp theo)…

Anh Tường được học tập, đào tạo và làm việc trong ngành Y, như vậy hiển nhiên trách nhiệm của ngành Y tế là rõ ràng. Chúng tôi, những người đồng nghiệp của anh đều có trách nhiệm chung vì còn hạn chế trong công tác chuyên môn mà chưa thể tìm ra cách đối phó hiệu quả nhất với sốc phản vệ hay tai biến phẫu thuật.

Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm vì mỗi khi được học về sốc phản vệ hay tai biến phẫu thuật thì ai cũng chỉ ngán ngẩm nhìn nhau mà cầu rằng trong Y nghiệp của mình không gặp phải. Đáng lẽ thay vì như thế, chúng tôi nên dừng tất cả các hoạt động chuyên môn có nguy cơ tai biến cho người bệnh dù xác suất là một phần vài triệu. Hoặc chúng tôi phải quyết tâm mà nghiên cứu ra giải pháp tuyệt đối không có nguy cơ.

Nhưng rất tiếc, các đồng nghiệp của chúng tôi bên Mỹ, bên Pháp cũng không sáng sủa hơn gì. Sốc và các tai biến phẫu thuật vẫn hiện hữu trong Y khoa dù với một tỷ lệ rất rất nhỏ, bởi một lẽ, ngành Y là ngành “không bao giờ là 100%”. Và cũng chính vì lo sợ điều gở nên chúng tôi đã không bảo nhau phải cư xử ra sao khi hồn vía đã lên mây còn người bệnh thì đã mất. Vậy thì chúng ta có thể quy trách nhiệm cho 344.876 cán bộ Y tế. Rõ ràng ngành Y tế đã không biết bảo ban nhau cho tốt, không biết chia sẻ kinh nghiệm với nhau về kỹ năng xử lý tình huống “khủng hoảng”, để cho sự việc đáng tiếc xảy ra.

Một xã hội phát triển luôn phải có những con tàu định hướng văn hóa và lối sống cho người dân. Ngành Y chắc chắn không phải là nơi anh Tường nghĩ ra cách thủ tiêu chứng cứ của một hoạt động hành nghề phi pháp. Ở thời điểm đó, ai là người đã mách nước cho anh Tường làm như vậy? Không phải ai khác, chính là định hướng hành xử xã hội của chúng ta đã mách bảo anh ta làm vậy.

Nói một cách cụ thể hơn, một đất nước có được sự định hình về văn hóa và lối sống là một đất nước có truyền thông phát triển và chuẩn mực, và công cụ chính của truyền thông, không may, lại là báo giấy, báo mạng, báo tiếng và báo hình. Chúng ta hàng ngày đang sống trong một thế giới mà có thể ngồi một chỗ để biết được xung quanh ta diễn ra thế nào.

Chính vì niềm tin và hành xử xã hội được hình thành ở mỗi con người xuất phát từ những thông tin ghi nhận được mà vai trò của báo chí trong một xã hội là rất quan trọng. Bây giờ chúng ta có thể làm một cuộc thăm dò niềm tin, xem rằng có bao nhiêu người đã mất niềm tin vào báo chí, khi mà có đến 80-90% lượng tin bài thiếu chất lượng, sử dụng từ ngữ mang tính phóng đại, suy diễn, khi mà ấn tượng để lại của các trang báo là “cướp, giết, hiếp”, thì ai còn tin vào cái xã hội chúng ta đang sống?

Nếu như các bậc cha mẹ, tức các nhà quản lý cấp nhà nước, muốn dạy dỗ các con mình, tức người dân, theo đúng mong muốn, thì xin hãy đi thay ngay cái băng đài vẫn ngày ngày ra rả “cướp, giết, hiếp” vào tai các con, để rồi một ngày kia, người ta hành động theo những gì mà định hướng hành xử xã hội mách bảo chứ không theo niềm tin vào pháp luật. Mặc dù vẫn còn những nhà báo giỏi, có tâm, có tầm, song hình như đây mới là ngành đáng báo động về tỷ lệ “sâu/người nông dân”.

Vậy thì trách nhiệm của việc đưa ra sự gợi ý về hành động phi tang của anh Tường thuộcvề chính chúng ta, xã hội Việt Nam đương đại cùng với những định hướng hành xử xã hội mơ hồ, phóng đại, cực đoan, thiếu tính chân thực, khoa học và trí tuệ,mà trong đó, vai trò của báo chí rất quan trọng.

Cuối cùng, trách nhiệm thuộc về tất cả những ai đang bất chấp mọi thứ để thực hiện giấc mơ làm giàu, mà quên đi rằng, đối với mỗi ngành nghề đều cần phải giữ được đạo đức của nó. Với mỗi con người, chúng ta hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân, chúng ta sẽ chạy theo sự giàu có trong bất ổn, trong nỗi lo lắng và những cái án treo lơ lửng, hay chúng ta sống với một tư thế đàng hoàng của tâm hồn và tuân thủ luật pháp? Tất cả đừng đẩy xã hội chạy theo những giá trị ảo nữa, hãy quay về thực tại và làm tốt mỗi việc mình làm bằng cả tâm huyết và trái tim. Có như vậy mới mong tránh khỏi những bi kịch như ngày hôm nay.

Mong rằng sẽ không bao giờ còn nữa, một sự việc tương tự trong ngành Y nói riêng và trong xã hội nói chung. Mong rằng những đồng nghiệp hãy giữ vững tâm huyết với ngành và tiếp tục cống hiến. Mong rằng các bạn sinh viên Y hãy giữ vững niềm tin để tiếp tục rèn rũa “trái tim nóng và cái đầu lạnh”.


BS. Thanh Huyền
Ý kiến của bạn