“Quả bom hạt nhân” Iran đang lớn dần

11-07-2019 14:27 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay sau khi Iran tuyên bố chính thức “loại khỏi tầm nhìn” thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký với các cường quốc , Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận với các quốc gia thành viên, đất nước Hồi giáo này đang làm giàu uranium với độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% - mức Iran đã ký với nhóm P5+1, đã khiến nỗi lo lắng lan ra toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và các nước đã đặt bút ký trong thỏa thuận năm 2015.

Iran đã “quay lưng” với thỏa thuận hạt nhân thế nào?

Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ và EU, Iran cam kết trong vòng 15 năm không làm giàu urani vượt mức 3,67% - mức đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và duy trì lượng urani  làm giàu dự trữ dưới 300 kg cũng như không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.

Iran cáo buộc các cường quốc trên thế giới không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân

Để sản xuất vũ khí hạt nhân – điều mà các cường quốc phương Tây lo ngại- Iran phải làm giàu uranium ở mức 20%, đây là vấn đề quan trọng và mấu chốt nhất.  Nên việc Iran tăng lên mức làm giàu 4,5%  giống như  việc “rung cây dọa khỉ”.   Bởi mức này  vẫn còn quá xa so với mức đủ để Iran sản xuất ra một quả bom hạt nhân.   Và hiện nay, kho dự trữ urani được làm giàu của Iran mới dừng ở 213,5kg, cao hơn mức quy định là 202,8kg  trong JCPOA.

Biện pháp tăng mức làm giàu urani hiện nay của  Iran chỉ giúp nước này có thêm “vũ khí” nhằm gây sức ép với châu Âu,  chống lại “gọng kìm”  mà Mỹ đang siết vào Iran.   Phải thừa nhận rằng, Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015  đã giúp hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài hàng chục năm ở Trung Đông, nhưng chỉ trong “chớp mắt”, từ Mỹ đến Iran, các bên quan trọng nhất trong thỏa thuận đã phá bỏ thành quả của hàng chục năm đàm phán, nguy cơ thỏa thuận không còn.

Giải pháp mang tên EU

Ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho hay, Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này. Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, tuy nhiên các bên cần bảo vệ các quyền của Iran. Ông nhấn mạnh, Tehran không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước châu Âu nên giải quyết "nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này" nếu họ thực sự muốn xoa dịu tình hình. Các chính sách của Mỹ đối với Iran là nguyên nhân chính gây rắc rối đằng sau vấn đề hạt nhân này.

EU đứng vào thế khó trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran

Liên minh châu Âu (EU) đang được coi là “nhân tố” hóa giải xung đột, tháo “ngòi nổ chiến tranh” hiện hữu giữa Mỹ và Iran. Pháp, Anh và Đức, 3 quốc gia châu Âu vẫn ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Nga và Trung Quốc, cho biết họ đã lên kế hoạch để khởi động một cuộc họp với các bên tham gia thỏa thuận trong bối cảnh “Iran không tuân thủ một số cam kết của thỏa thuận”.

Châu Âu dường như cũng lâm  vào “ thế kẹt” khi phải chịu  một lúc 2 sức ép, Mỹ tăng áp lực buộc  châu Âu phải rút khỏi thỏa thuận như Mỹ đã làm, mặt khác Iran phát đi tín hiệu cho thấy, nếu EU không đền bù cho Tehran những thiệt hại do Mỹ gây ra, Iran sẽ gia tăng sức mạnh hạt nhân theo cách của mình.  Thêm vào đó,  ngày 10/7, Tổng thống Mỹ cảnh báo các chế tài với Iran sẽ được tăng cường.

Dù Mỹ tuyên bố muốn đàm phán một thỏa thuận mới với Iran, nhưng nhìn những gì mà Mỹ đang làm như gia tăng các biện pháp trừng phạt, đưa quân tới khu vực  sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực diện với Iran, khả năng có một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran là rất mong manh. Châu Âu đang trở thành một lựa chọn duy nhất còn lại để giải quyết  vấn đề hạt nhân của Iran. Ít nhất những gì châu Âu đang tiến hành  sẽ cho các bên thêm thời gian để ra quyết định. Bởi các động thái hiện tại của Iran vẫn nằm trong khuôn khổ, cho phép tạo  thêm  cơ hội để EU  hành động nhằm cứu vãn thỏa thuận.

Thỏa thuận hạt nhân JCPOA bị vi phạm thế nào:

-Ngày 8/5/2018: Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran.

-Ngày 8/5/2019: Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố dừng cam kết về thỏa thuận hạt nhân.

- Ngày 7/7/2019: Iran bắt đầu làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% trong thỏa thuận.

Hải Yến
Ý kiến của bạn