Hà Nội

Putin thăm Trung Quốc: Đồng minh hay đối thủ?

21-05-2014 15:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đây không phải lần đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc, nhưng chuyến thăm hôm 20/5 hết sức đặc biệt.

SKĐS - Đây không phải lần đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc, nhưng chuyến thăm hôm 20/5 hết sức đặc biệt. Trước khi lên đường, ông Putin tuyên bố: “Hợp tác Nga-Trung đã đạt tầm cao nhất trong cả lịch sử hàng thế kỷ nay”, coi thiết lập quan hệ với Trung Quốc “là ưu tiên chính sách ngoại giao vô điều kiện của Nga”.

Lễ đón chính thức Tổng thống Putin diễn ra tại Thượng Hải vào hôm qua.

Lễ đón chính thức Tổng thống Putin diễn ra tại Thượng Hải vào hôm qua.

Liệu NgaTrung Quốc có thiết lập mối quan hệ đồng minh chiến lược, cùng liên thủ phá vỡ thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát, để rồi trở thành “cơn ác mộng địa chính trị” như một số học giả Mỹ lo ngại?

Bất chấp cuộc tập trận chung cũng như hàng chục hợp đồng, dự án hợp tác trị giá nhiều tỷ đô la được ký kết trong chuyến thăm lần này, Nga và Trung Quốc vẫn là đối thủ tiềm tàng của nhau hơn là những đồng minh chiến lược.Theo các nhà quan sát, ông Putin đã hoạch định một phiên bản “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương kiểu Nga, thông qua chiến lược hướng đông bằng tài nguyên, năng lượng và vũ khí. Trong chiến lược đầy tham vọng này, Trung Quốc không phải tay chơi duy nhất mà còn có Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN, Hàn Quốc…

Bản chất của mối bang giao giữa Liên Xô với Trung Quốc trước đây hay Nga-Trung hiện nay hoặc phản ánh cạnh tranh nước lớn gay gắt, hoặc thuần túy là quan hệ lợi ích. Quan hệ này hoàn toàn thiếu vắng niềm tin chiến lược và những giá trị chung.

Tị hiềm giữa hai cường quốc bắt nguồn sâu xa trong lịch sử hình thành lãnh thổ, gần nhất là việc Liên Xô giúp hình thành quốc gia Mông Cổ khi triều đại Mãn Thanh sụp đổ, những rạn nứt, ấm ức của kẻ chiếu dưới dưới thời Stalin cho tới chiến dịch phê phán kịch liệt chủ nghĩa xét lại của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông đối với Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev.

Đỉnh điểm của hiềm khích, bất hòa giữa hai nước Xô-Trung đã bộc phát thành xung đột biên giới đẫm máu năm 1969 là tại Trân Bảo Đảo/Damanskii trên Hắc Long Giang.

Quan hệ Nga-Trung gần đây tương đối nồng ấm. Trung Quốc phát triển nóng, luôn đói khát nguyên liệu thô, năng lượng và cả vũ khí công nghệ cao vốn là những mặt hàng Nga có thế mạnh truyền thống.

Tuy nhiên, Nga biết rõ thời điểm nguy hiểm khi Trung Quốc phát triển đến độ không còn cần gì ở Nga nữa (đặc biệt khi đủ tự tin về sức mạnh công nghệ và quân sự). Trung Quốc đang chiếm dần thị phần vũ khí Nga bằng cách mua về rồi sao chép hàng loạt, bán rẻ khắp thế giới.

Nga cũng hết sức lo lắng bởi vùng Viễn đông giàu tài nguyên dân cư thưa thớt, trong lúc bên kia biên giới chen chúc hơn tỷ dân Trung Quốc với cỗ máy kinh tế háu đói đang chạy hết tốc lực…

Ở Nga thời gian qua, liên tục xuất hiện những cảnh báo nguy cơ tham vọng lãnh thổ từ người láng giềng khổng lồ mới giàu. Mới năm ngoái Nga “nhắc nhở” Trung Quốc bằng một cuộc tập trận quy mô lớn nhất kể từ thời Liên Xô ở khu vực Viễn đông và phía Mông Cổ. Gần đây, Nga tích cực cải thiện quan hệ băng giá với Nhật Bản, tranh chấp quần đảo Kurin hứa hẹn được giải quyết, cùng với việc mở cửa cho Nhật Bản đầu tư, khai phá vùng Viễn đông.

Trung Quốc và Nga có trở thành đồng minh thật sự hay không tùy thuộc vào… Mỹ. Thực tế cho thấy tam giác quyền lực Mỹ-Nga-Trung luôn là biến số khó lường phản ánh lợi ích chiến lược trong từng giai đoạn. Mao Trạch Đông với lý luận “kẻ thù của kẻ thù là bạn” đã không ngần ngại gặp Richard Nixon trong cú bắt tay lịch sử Mỹ-Trung 1972 khiến Liên Xô, Việt Nam ngậm đắng. Nay sai lầm của chính quyền Barack Obama tại Ukraine lại vô tình đẩy Nga xích gần Trung Quốc.

Mối duyên tình Nga-Trung đi xa tới đâu phải xem Mỹ chơi bài thế nào. Vốn “đồng sàng dị mộng”, dù cần nhau song họ chỉ là đồng minh tình thế khi phương Tây và Nga chưa thỏa hiệp xong cuộc đấu Ukraine.

Đặng Vương Hạnh

 

 


Ý kiến của bạn