“Putin - người hùng nước Nga đang cùng lúc thách thức ba trong số các lực lượng hùng mạnh nhất trên hành tinh này”...
Nhà báo Thomas L. Friedman của tờ New York Times vừa có một bài viết đánh giá về những việc mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo ông Friedman, Tổng thống Nga sẽ còn có nhiều chuyện phải cân nhắc trong thời gian tới. Để độc giả có thêm một góc nhìn tham khảo, VnEconomy xin giới thiệu tới các bạn bản lược dịch.
“Một điều mà tôi từng vỡ ra khi theo dõi tình hình Trung Đông trong nhiều năm là, có “buổi sáng hôm sau”, và có “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”. Các bạn đừng bao giờ nhầm lẫn hai khái niệm này.
“Buổi sáng hôm sau” của một sự kiện lớn là khi có tuyên bố chiến thắng hoặc thất bại của một ai đó trong trận đấu được cho là “đã thay đổi mọi thứ vĩnh viễn”.
Tuy nhiên, vào “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”, định luật vạn vật hấp dẫn bắt đầu phát huy hiệu lực của nó, và mọi thứ trở nên không tốt hay xấu như mọi người vẫn nghĩ trước đó.
Điều này khiến tôi liên tưởng tới trường hợp Crimea gia nhập Nga.
Trong “buổi sáng hôm sau”, Putin - người hùng nước Nga. Một số nhà bình luận ở Mỹ thậm chí còn bày tỏ mơ ước có được một nhà lãnh đạo “quyết đoán” như vậy.
Nhưng hãy thử xem ông sẽ được nhìn nhận thế nào ở “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”, chẳng hạn sau 6 tháng nữa. Tôi không đưa ra bất kỳ dự báo nào, nhưng tôi sẽ chỉ ra điều này.
Putin đang cùng lúc thách thức ba trong số các lực lượng hùng mạnh nhất trên hành tinh này: tính nhân bản, mẹ thiên nhiên, và đạo luật Moore. Xin chúc ông may mắn với sự thách thức đó.
Việc ông Putin đưa Crimea về Nga một lần nữa khẳng định quyền lực bền vững của yếu tố địa lý trong địa chính trị. Nga là một quốc gia đại lục, trải rộng trên những miền đất lớn, và hầu như không có biên giới tự nhiên nào để bảo vệ mảnh đất của mình. Tất cả những người đứng đầu điện Kremlin, từ các sa hoàng cho tới các nhà lãnh đạo của thời hiện đại về sau, đều bị ám ảnh bởi vấn đề bảo vệ biên giới của đất nước trước các nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài. Nga có những lợi ích an ninh hợp pháp, nhưng có lẽ câu chuyện Crimea không nằm trong số này.
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine không bắt đầu từ vấn đề địa lý, không hề có chuyện một cường quốc bên ngoài tìm cách xâm lấn Nga. Câu chuyện này bắt đầu từ việc những người nằm trong quỹ đạo của nước Nga muốn thoát ra khỏi quỹ đạo đó.
Nhiều người Ukraine muốn đưa tương lai kinh tế của nước họ theo hướng Liên minh Châu Âu (EU). Phần cốt lõi của câu chuyện này phát sinh từ và được thúc đẩy bởi tính nhân bản - đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của con người nhằm đem tới một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cháu - chứ không phải yếu tố địa chính trị hay chủ nghĩa dân tộc. Đây không phải là một câu chuyện “xâm lược”. Đây là một câu chuyện về hành trình của người dân đi tìm hạnh phúc.
Và không có gì phải băn khoăn về điều này. Một bài báo gần đây đăng trên tờ Bloomberg Businessweek cho biết, vào năm 2012, GDP bình quân đầu người của Ukraine là 6.394 USD, thấp hơn khoảng 25% so với mức của thời điểm cách đây gần 1/4 thế kỷ.
Trong khi đó, 4 nước láng giềng ở phía Tây của Ukraine, đều đã gia nhập EU - là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania - đều đạt mức thu nhập bình quân đầu người 17.000 USD.
Với so sánh như vậy, liệu có thể phê phán người Ukraine nếu họ muốn tham gia vào một “câu lạc bộ” khác?
Ngoài ra, dầu thô và khí đốt đang chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga, đóng góp gần một nửa nguồn thu của nước này. (Lần cuối cùng bạn mua một mặt hàng dán nhãn “Sản xuất tại Nga” là khi nào?).
Về cơ bản, Putin đã đặt cược hiện tại và tương lai kinh tế của nước Nga vào hydrocarbon ở vào thời điểm mà chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố rằng, “khoảng 2/3 trong tổng trữ lượng đã được phát hiện của dầu, khí đốt và than sẽ phải được để yên trong các mỏ nếu thế giới muốn đạt mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C” kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Theo các nhà khoa học về khí hậu, nếu Trái đất vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ 2 độ C đó, khả năng tan băng ở Bắc Cực sẽ tăng cao, kéo theo mực nước biển dâng tới mức nguy hiểm, những trận siêu bão lớn hơn, và sự biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cựu Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, Sheik Ahmed Zaki Yamani từng cảnh báo các thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) một điều: “Thời kỳ đồ đá không hề chấm dứt vì con người hết đá”. Thời kỳ đồ đá đã khép lại vì con người phát minh ra các công cụ lao động bằng đồng, giúp đem lại năng suất lao động cao hơn đồ đá.
Kỷ nguyên hydrocarbon cũng sẽ phải kết thúc khi mà còn rất nhiều dầu lửa, than và khí đốt còn nằm trong lòng đất. Những nhiên liệu đó sẽ được thay thế bằng những dạng thức phát năng lượng khác sạch hơn, nếu không mẹ thiên nhiên sẽ có cách để “xử lý” con người. Nhưng Putin lại đặt cược vào điều ngược lại.
Còn về định luật Moore, đây là một định luật được đưa ra bởi Gordon Moore, một nhà đồng sáng lập của tập đoàn công nghệ Intel. Theo định luật này, năng lực xử lý của microchip sẽ tăng gấp đôi trong thời gian khoảng hai năm.
Bất kỳ ai theo dõi ngành công nghiệp năng lượng sạch hiện nay đều có thể nói về sự áp dụng của định luật Moore trong lĩnh vực điện mặt trời. Giá năng lượng mặt trời giảm nhanh đến nỗi, ngày càng có nhiều gia đình, thậm chí là các công ty dịch vụ công cộng, nhận thấy lắp một hệ thống năng lượng mặt trời cũng rẻ như lắp hệ thống khí đốt.
Năng lượng gió cũng đang đi theo xu hướng đó và rất hiệu quả. Riêng Trung Quốc đang trên đà đạt tỷ lệ 15% tổng sản lượng điện là năng lượng tái sinh vào năm 2020, và nước này sẽ không dừng ở đó. Nếu Trung Quốc không làm vậy, người dân nước này sẽ không thể thở được vì không khí ô nhiễm.
Nếu Mỹ và châu Âu có chính sách đẩy mạnh hơn việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, giảm nguồn thu nhập từ dầu lửa của nước Nga, thì những hành động đó sẽ đem lại lợi ích sớm hơn và lớn hơn những gì mà mọi người có thể hình dung hiện nay.
Uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay phụ thuộc một phần vào khả năng của họ đưa hệ thống năng lượng của nước này trở nên xanh hơn, sạch hơn để người dân có thể hít thở không khí trong lành.
Trong khi đó, uy tín của ông Putin đang phụ thuộc vào việc nước Nga và thế giới tiếp tục phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt. Các bạn sẽ đặt cược vào ai?
Bởi thế, trước khi ông Putin có thể được tạp chí Time chọn là “Nhân vật của năm” thêm lần nữa, hãy chờ xem “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau” sẽ như thế nào?”.
Theo VnEconomy