PrEP góp phần ngăn chặn, hạn chế lây truyền HIV

16-09-2023 13:10 | Y tế
google news

SKĐS - Hình thái dịch HIV chuyển sang lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và nhóm quan hệ tình dục đồng giới được coi là nhóm nguy cơ chính hiện nay. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là 'vũ khí' tối ưu góp phần hạn chế lây nhiễm HIV.

Tại Thanh Hóa, tính từ ca phát hiện đầu tiên ở huyện Đông Sơn vào tháng 11/1995 đến hết ngày 31/8/2023, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS là 9.073 người, trong đó gần 3.000 người đã tử vong. Hiện tỉnh có 4.111 bệnh nhân HIV đang điều trị. 

Về xu hướng lây nhiễm, hiện nay chủ yếu là qua con đường tình dục không an toàn và tập trung vào nhóm đối tượng nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).

Hiệu quả của chương trình triển khai PrEP

Trước thực trạng trên, năm 2020 được sự tài trợ của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét (QTC), với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa, sự hỗ trợ tài chính và chuyên môn của dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/ AIDS Trung ương, cùng với sự chỉ đạo trọng tâm, đúng hướng của Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 3 năm triển khai hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã thu về được một số kết quả đáng ghi nhận.

PrEP – góp phần ngăn chặn, hạn chế lây truyền HIV - Ảnh 1.

Truyền thông về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) cho nhóm học sinh, sinh viên.

Vào tháng 3 năm 2020, với khởi đầu bằng sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể Khoa Phòng, chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, các bộ phận liên quan cùng 25 đồng đẳng viên nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng), phối hợp cùng 3 phòng khám tư nhân trên địa bàn TP. Thanh Hóa, triển khai đồng bộ các hoạt động như: Tiếp cận, truyền thông nhóm, xét nghiệm, giới thiệu và thu dung khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV đăng ký tham gia chương trình điều trị PrEP.

Chương trình điều trị PrEP được triển khai tại Thanh Hóa đáp ứng tính cấp thiết của tình hình dịch HIV/AIDS trong những năm gần đây, khi hình thái lây nhiễm HIV thay đổi mạnh từ lây nhiễm HIV qua đường máu, sang lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt số ca nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm gia tăng nhanh trong nhóm đối tượng MSM: Tỷ lệ lây truyền HIV trong nhóm MSM năm 2019 chiếm 7,3% (13/177 ca nhiễm HIV mới); năm 2020: 21,4% (46/214 ca nhiễm HIV mới); năm 2021: 26% (48/185 ca nhiễm HIV mới) và năm 2022 là 35% (65/186 ca nhiễm HIV mới).

Sau hơn 03 năm triển khai điều trị PrEP, tính đến ngày 15/9/2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 7 phòng khám và điều trị PrEP, trong đó có 03 cơ sở y tế nhà nước, 04 cơ sở y tế tư nhân. Số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần là: 1.989 người; trong đó số khách hàng thuộc nhóm MSM chiếm đến: 88,4%. Điều này đã góp phần không nhỏ kiểm soát sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Thanh Hóa trong thời gian qua.

Tỷ lệ khách hàng tiếp tục điều trị duy trì sau 3 tháng trở lên luôn đạt trên 80% (Tỷ lệ duy trì toàn quốc hơn 70%). Số khách hàng điều trị PrEP tăng dần qua các năm, năm 2020 (193 khách hàng), năm 2021 (516 khách hàng), năm 2022 (1.251 khách hàng) và đến tháng 9/2023 (1.989 khách hàng) cho thấy chương trình điều trị PrEP tại Thanh Hóa thực sự có hiệu quả.

PrEP – góp phần ngăn chặn, hạn chế lây truyền HIV - Ảnh 2.

Hoạt động truyền thông nhóm nhỏ về PrEP.

Giải pháp khắc phục khó khăn

Tuy nhiên, việc triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại Thanh Hóa cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Do địa bàn tỉnh rộng, đi lại, tiếp cận, truyền thông còn khó khăn đặc biệt là tại một số huyện miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó sự kỳ thị phân biệt đối xử với nhóm MSM cũng là những trở ngại khi tiếp cận chương trình.

Để khắc phục các khó khăn trên, các hoạt động can thiệp dự phòng đã được đồng bộ triển khai trong nhóm đồng đẳng viên: Tăng số lượng đồng đẳng viên, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi thông qua mạng xã hội, truyền thông nhóm qua các ứng dụng hẹn hò (Blued), truyền thông nhóm nhỏ; xây dựng kế hoạch mở rộng (tăng thêm cơ sở) đa dạng đơn vị cung cấp dịch vụ điều trị PrEP (Phòng khám công lập và các phòng khám tư nhân) đảm bảo phù hợp với các nhóm khách hàng, nhằm thu hút ngày càng nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng

ThS. Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Thanh Hóa đã tạo ra những chuyển biến, sắc thái mới trên mặt trận phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung, đáp ứng được sự mong đợi và niềm tin của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng MSM.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Thanh Hóa đang quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV/ AIDS, tiếp cận cộng đồng, xét nghiệm HIV; chăm sóc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và điều trị PrEP - đây sẽ là những giải pháp để góp phần giúpThanh Hóa có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu 95-95-95 hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

PrEP được viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzim) là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới. PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng virus là tenoforvir disoproxil fumarate (TDF) 300 và emtricitabine (FTC) 200 mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên.

PrEP được chứng minh rất hiệu quả với các nhóm đối tượng sau: Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); người chuyển giới nữ (TGW); phụ nữ bán dâm; người sử dụng ma túy; các cặp dị nhiễm, tức có 1 người nhiễm và một người không nhiễm HIV trong đó người nhiễm HIV chưa điều trị bằng thuốc ARV hoặc điều trị ARV chưa đủ 6 tháng, hoặc đã điều trị ARV trên 6 tháng nhưng vì lý do nào đó mà tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml...

Methadone - cơ hội cho người nghiện ma túy làm lại cuộc đờiMethadone - cơ hội cho người nghiện ma túy làm lại cuộc đời

SKĐS - Phương pháp điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone giúp cho người nghiện điều trị thành công và tìm lại cho mình con đường mới. Phương pháp này hướng đến việc phục hồi sức khỏe người nghiện dần dần và lâu dài.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn