Ponseti - Phương pháp tốt điều trị bàn chân khoèo ở trẻ

23-05-2014 07:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các loại dị tật ở hệ vận động. Tỷ lệ trẻ mắc dị tật này khá cao.

Bàn chân khoèo là một dị tật bẩm sinh thường gặp nhất trong các loại dị tật ở hệ vận động. Tỷ lệ trẻ mắc dị tật này khá cao. Theo thống kê trên thế giới, cứ mỗi 1.000 trẻ em được sinh ra thì có từ 1-3 trẻ em mắc dị tật này. Nếu trẻ không được điều trị thì lớn lên sẽ dẫn đến tàn tật vận động, khó khăn trong lao động, sinh hoạt và mặc cảm nặng nề về tâm lý do bất thường về thẩm mỹ... Nhưng với  phương pháp bó bột Ponseti, đeo nẹp Dennis-Brown và đôi khi cần chích nhỏ vùng sau gót đã mang lại thành công trong điều trị cho hàng trăm nghìn trẻ em bàn chân khoèo trên thế giới.

Ponseti là gì?

Đây là một phương pháp điều trị rất hiệu quả dị tật bàn chân khoèo do bác sĩ Ponseti nghiên cứu  và áp dụng thành công. Phương pháp này khá đơn giản, chỉ cần bó bột chỉnh hình, đeo nẹp Dennis-Brown và làm thủ thuật chích gân gót. Trẻ cần đeo nẹp giày chỉnh hình cho tới khi trẻ 36 tháng tuổi. Bắt đầu phương pháp này, các bác sĩ nắn chỉnh cổ chân, bàn chân của trẻ một cách nhẹ nhàng và bó bột. Mỗi tuần thay bột 1 lần, trẻ cần bó bột khoảng 6 - 8 lần, bác sĩ sẽ kiểm tra và chỉ định nẹp chỉnh hình sau khi hoàn thành giai đoạn nắn chỉnh. Nẹp chỉnh hình Dennis- Brown là một dụng cụ đơn giản gồm hai chiếc giầy ôm vừa chân trẻ được liên kết bởi thanh ngang giữ cho bàn chân trẻ mũi bàn chân xoay ngoài và cạnh ngoài bàn chân cao hơn cạnh trong. Với nhưng trẻ sau bó bột chỉnh hình và đeo nẹp mà gân gót vẫn còn căng chắc làm cho bàn chân hạn chế gấp về phía mu chân cần tiến hành thủ thuật chích gân gót. Đây là thủ thuật đơn giản và an toàn, chỉ với một dao phẫu tích nhỏ, bác sĩ sẽ tiến hành chích một vết nhỏ ở gân gót rồi tiến hành bó bột trong khoảng 12 - 14 ngày. Sau đó vẫn tiến hành đeo nẹp cho trẻ đến khi trẻ 36 tháng tuổi.

BSCKII Trịnh Quang Dũng đang khám cho một bệnh nhi bị dị tật bàn chân khoèo.

Theo BSCKII. Trịnh Quang Dũng - Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh Viện Nhi Trung ương, từ năm 2005, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các bạn bè đồng nghiệp trong lĩnh vực phục hồi chức năng và chấn thương chỉnh hình Thụy Sĩ đã chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ và kỹ thuật viên tại Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Nhi Trung ương. BS. Trịnh Quang Dũng và các đồng nghiệp đã áp dụng phương pháp này vào điều trị và mang lại hiệu quả cao, tránh được các can thiệp phẫu thuật và giảm được chi phí điều trị.

Điều trị càng sớm - hiệu quả càng cao

Cùng chơi bóng, chạy nhảy với con, chị K.T.H - mẹ của cháu Đ.T.Đ, 2 tuổi cho biết, gia đình phát hiện cả hai bàn chân của cháu Đ. bị gập vào trong ngay sau khi sinh. Một ngày sau, gia đình đưa cháu đến BV. Nhi Trung ương để được điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - BV Nhi TW. Khi Đ. được 12 tháng tuổi, cháu bắt đầu tập đi, đến nay cháu có thể chạy nhảy, vui chơi gần như bình thường.

Theo BS.Trịnh Quang Dũng, có tới 80% dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh là không rõ nguyên nhân. 20% còn lại là do các bệnh lý khác đi kèm như cứng đa khớp bẩm sinh; các bệnh ở hệ thần kinh như não úng thủy, nứt đốt sống... Tuy nhiên, nếu bệnh nhi được phát hiện sớm, điều trị sớm thì trẻ sẽ phát triển một cách bình thường như những trẻ khác.

BS.Dũng cũng cho biết, phương pháp Ponseti có nhiều lợi thế hơn so với các phương pháp mổ kinh điển khác bởi có thể được tiến hành từ sớm, ngay từ khi trẻ mới sinh khoảng từ 2 - 3 ngày tuổi. Lúc này các tổ chức như xương chưa bị cốt hóa; gân, dây chằng chưa bị co kéo, biến dạng... vì vậy chỉ cần bó bột chỉnh hình và đôi khi chỉ với một vết chích nhỏ ở gân gót đã giúp hoàn thiện cho trẻ cả về thẩm mỹ và chức năng vận động mà không xâm lấn và làm tổn hại các tổ chức xung quanh như cơ, dây chằng... Do đó phương pháp này vừa mang lại hiệu quả cao, chi phí không tốn kém.

Bà Phạm Thúy Hồng - Điều phối viên Chương trình POF (Protheties Ontreach Foundation - Tổ chức từ thiện phi Chính phủ phi lợi nhuận của Mỹ) tại Việt Nam cho biết: Từ năm 2007 đến nay, POF đã tiến hành đào tạo cho các bác sĩ ở 26 bệnh viện trên toàn quốc và tiến hành can thiệp miễn phí cho hàng ngàn trẻ em với tỷ lệ thành công là 75%. Con số 25% chưa thành công ở Việt Nam là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó việc quan trọng là tuân thủ điều trị còn kém, duy trì đeo nẹp cho trẻ sau giai đoạn bó bột không được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, số trẻ mắc các bệnh lý khác kèm theo như: cứng đa khớp bẩm sinh, não úng thủy, nứt đốt sống bẩm sinh... cũng là nguyên nhân hạn chế kết quả điều trị.

Thu Hà

Những lưu ý trong quá trình điều trị

Trong khi điều trị:

Ðưa trẻ đến bó bột sớm, đều đặn, đúng chỉ định của bác sĩ. Ðây là điều vô cùng quan trọng. Giữ chân bó bột thật sạch và khô thoáng. Ðảm bảo trẻ không đi vệ sinh vào chân bó bột. Ði nẹp giày cho bé hằng ngày để giữ thẳng bàn chân. Ðảm bảo thực hiện thành công điều trị bàn chân khoèo cho trẻ theo đúng quy trình. Vẫn nên chơi với trẻ bình thường khi trẻ đang trong thời gian bó bột hoặc đi giày nẹp.

Nếu phát hiện các điều dưới đây, phải liên hệ ngay với bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện:

Các ngón chân của trẻ sưng phồng hoặc rất lạnh. Vùng da nơi bó bột nổi mụn hoặc phát ban. Bó bột bị mềm, ướt hoặc vỡ. Các ngón chân bị bột bó che lấp. Bên trong phần bó bột có mùi không bình thường.

 


Ý kiến của bạn