Polyp túi mật là gì?
Hầu hết polyp túi mật lành tính, ít gây ra viêm nhiễm hay biến chứng đáng lo ngại. Polyp túi mật được phát hiện ở khoảng 4-7% người trưởng thành. Trong đó, 60-90% là hiện tượng giả polyp do sự lắng đọng của cholesterol bám vào thành túi mật. Khoảng 5-10% là polyp viêm (một loại mô sẹo do viêm mạn tính). Khoảng 5% polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư.
Kích thước polyp túi mật là yếu tố quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh lý. Đa phần các trường hợp polyp lớn hơn 1,5 cm, cấu trúc không cuống, đơn độc đều liên quan đến nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, đường kính polyp không phải là tiêu chí duy nhất để loại trừ ung thư, các yếu tố khác cần theo dõi như hình dạng, số lượng polyp, sự xuất hiện của sỏi mật... Do đó, polyp nhỏ hơn 1 cm, không triệu chứng đi kèm cũng cần được theo dõi định kỳ 6-12 tháng một lần, bằng siêu âm để tầm soát.
Polyp túi mật có thể to lên, gây tắc nghẽn đường mật hoặc ống dẫn mật, viêm tụy cấp tính, vàng da tắc mật. Các biến chứng này đều tương đối ít gặp.
Khi nào cần điều trị polyp túi mật?
Hầu hết các polyp túi mật không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Do đó người bệnh thường được phát hiện bị polyp túi mật khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám bệnh vì một nguyên nhân y tế khác.
Một số trường hợp hiếm gặp, chúng có thể gây triệu chứng viêm và đau nếu nằm ở vị trí gây tắc nghẽn một trong các ống dẫn từ túi mật.
Các triệu chứng có thể gặp là:
- Đau bụng.
- Sốt.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Khó tiêu.
- Vàng da
Bất kỳ polyp túi mật nào xuất hiện với triệu chứng bất thường đều nên được cắt bỏ, nhất là khi có kích thước từ 0,6 cm trở lên. Polyp túi mật chưa có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ cần được theo dõi định kỳ bằng siêu âm.
Bác sĩ thường dựa vào kích thước, số lượng, hình thái của polyp, sự tăng trưởng kích thước qua theo dõi định kỳ, có kèm sỏi túi mật hoặc dày thành túi mật để chẩn đoán tương đối chính xác đây là u lành tính hay u ác tính. Thông thường, polyp túi mật có kích thước dưới 10mm, không thay đổi sau nhiều năm sẽ là lành tính. Trong trường hợp này, người bệnh chỉ cần tái khám theo dõi định kỳ.
Một số trường hợp polyp túi mật có thể phát triển nhanh về số lượng và kích thước, chân lan rộng, người bệnh xuất hiện những triệu chứng như đau thường xuyên, sốt tái phát nhiều lần… Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể nghi ngờ polyp ác tính. Bệnh nhân sẽ được khuyến khích phẫu thuật cắt túi mật để hạn chế rủi ro cho sức khỏe.
Những lưu ý phòng ngừa polyp túi mật
Đa phần polyp túi mật là lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ sẽ nguy cơ phát triển thành ung thư hóa. Vì vậy khi thấy các dấu hiệu của polyp túi mật người bệnh cần đến khám và điều trị ngay.
Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa cũng rất quan trọng, đó là:
- Nên ăn hoa quả giàu vitamin (B, C, D, E), chất khoáng giúp tăng cường sức khỏe gan mật, hạn chế nguy cơ hình thành và phát triển polyp.
- Bổ sung rau xanh, củ quả giàu chất xơ giúp hạn chế sự hấp thu chất béo ở ruột, ngăn ngừa các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu.
- Tránh các chất béo bão hòa như mỡ động vật, thức ăn chiên xào, rán, thức ăn nhanh…
- Tránh để cơ thể nhịn đói quá lâu, đặc biệt tránh nhịn ăn sáng.
- Hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật, pho mai… Thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, tinh bột tinh chế tăng cường bổ sung axit béo Omega-3.
- Người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi diễn biến của polyp. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau hạ sườn phải thường xuyên, nôn, sốt… thì nên sớm tái khám và báo ngay với bác sĩ điều trị.
Xem thêm video được quan tâm:
Rối loạn xuất tinh có thể giảm khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh | SKĐS