Lê Đặng Hải Anh (Hà Nội)
Polyp túi mật mọc nhô ra từ lớp niêm mạc bên trong của túi mật. Đa số các polyp túi mật là vô hại, chúng chỉ là các khối cholesterol được tích tụ chứ không phải là các tế bào ung thư. Tuy nhiên, polyp túi mật cũng có thể là các khối u nhỏ, một số có thể là ung thư trong khi những khối khác là u lành tính. Về cơ bản, bạn có 2 lựa chọn: Theo dõi tình trạng của các polyp túi mật hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên, kích thước của polyp túi mật có thể giúp chẩn đoán tương đối chính xác đó là u lành hay u ác tính. Theo nghiên cứu, polyp có kích thước nhỏ hơn 10mm, không thay đổi sau nhiều năm thường là lành tính. Bạn có thể không cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật, thay vào đó, theo dõi thường xuyên bằng cách khám, siêu âm định kỳ 3-6 tháng trong ít nhất 2 năm để tái đánh giá bất kỳ sự thay đổi nào có thể cho thấy nguy cơ ung thư túi mật. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý tới chế độ ăn uống và lối sống. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả giàu chất xơ giúp dễ tiêu, giảm hấp thu cholesterol trong thức ăn. Hạn chế chất béo bão hòa (bơ, pho-mát, thịt, bánh ngọt, bánh quy...), thay thế bằng chất béo không bão hòa có trong dầu thực vật (hướng dương, dầu hạt cải, dầu oliu, bơ và các loại hạt). Nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm làm cho các triệu chứng polyp túi mật nặng hơn như: chocolate, cà phê, sữa béo, rượu. Năng vận động, tránh béo phì và uống nhiều nước.