Polyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

14-10-2024 10:03 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Polyp ống tiêu hóa thường là một phát hiện tình cờ khi bệnh nhân có những rối loạn về đường tiêu hóa và được chỉ định nội soi. Polyp gồm nhiều loại nhưng đều có một điểm chung là không biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh hoang mang, lo lắng, không biết mình mắc bệnh gì.

Polyp ống tiêu hóa là tình trạng xuất hiện polyp trải dọc rải rác lòng ống tiêu hóa, từ thực quản, dạ dày, tá tràng đến đại trực tràng. Đây là một bệnh lý di truyền trội theo nhiễm sắc thể thường có tên gọi hội chứng Peutz – Jeghers (PJS).

Polyp xuất hiện tập trung chủ yếu ở ruột non (60-90%) và đại tràng (50-64%). Bệnh nhân bị polyp ống tiêu hóa thường kèm với sự hiện diện những chấm hắc sắc tố ở niêm mạc miệng, môi. Polyp ống tiêu hóa còn xuất hiện ở những cơ quan khác trong cơ thể như bàng quang, niệu quản, phế quản và túi mật.

Chẩn đoán dựa vào nội soi tiêu hóa và xét nghiệm máu phát hiện đột biến gen. Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi là phương pháp điều trị phổ biến nhất.

1. Polyp ống tiêu hóa là gì?

Polyp được định nghĩa là tổ chức tăng sinh từ lớp niêm mạc và đẩy lồi vào trong lòng của ống tiêu hóa. Polyp có bản chất là lớp biểu mô hoặc lớp dưới biểu mô. Do đó, polyp còn được gọi là u dưới niêm mạc.

Polyp ống tiêu hóa là các u nhú niêm mạc xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên ống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Vị trí thường hay gặp polyp nhất là ở dạ dày và đại tràng, ít gặp tại ruột non và thực quản.

Polyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Đa số các polyp ống tiêu hóa là lành tính, tức là không gây ung thư. Ảnh: TL

2. Phân loại polyp ống tiêu hóa

Có các cách phân loại polyp như: phân chia theo kích thước (polyp nhỏ khi đường kính <5mm, polyp trung bình từ 6 - 10 mm và polyp lớn >10 mm), phân chia theo hình thể (polyp có cuống và polyp không cuống), phân loại theo mô bệnh học.

Phân loại polyp ống tiêu hóa theo mô bệnh học bao gồm:

2.1 Polyp bắt nguồn từ lớp biểu mô

Gồm các loại:

  • U nhú thực quản (polyp thực quản): Kích thước từ 0.2- 2 cm, không có cuống, giống màu niêm mạc thực quản bình thường, mặt nhẵn hoặc ráp.
  • Polyp dạ dày: Gồm các loại polyp tuyến đáy vị, polyp tăng sản, polyp tuyến dạ dày. Polyp ruột non: Ít gặp chủ yếu ở tá tràng.
  • Polyp đại tràng: Gồm polyp tăng sản và polyp tuyến.
  • U mô thừa: Bản chất là tăng sinh các tế bào biểu mô kèm theo những bó cơ trơn, thường lành tính khi kích thước < 1cm, gặp ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa.

2.2 Polyp bắt nguồn dưới biểu mô

Gồm các loại sau:

  • U tế bào đệm GIST: Bề mặt giống niêm mạc xung quanh, kích thước thay đổi, 70% trương hợp gặp ở dạ dày, 20% trường hợp gặp ở ruột non, 10% trường hợp gặp tại thực quản.
  • U thần kinh: Cũng thuộc nhóm GIST.
  • U mỡ: Gặp ở bất cứ vị trí nào, vị trí u dưới niêm mạc, màu vàng nhạt, mềm, thường có một u đơn độc.
  • U carcinoid: Thường gặp tại ruột thừa, hồi tràng và trực tràng. Hình ảnh nội soi là u dưới niêm mạc, màu vàng.
  • U máu: Ít gặp ở ống tiêu hóa, u dưới niêm mạc màu đỏ hoặc màu xanh.
  • U bạch mạch: Ít gặp ở ống tiêu hóa, có thể gặp ở tá tràng hoặc đại tràng.
  • Tụy lạc chỗ: Thường gặp tại dạ dày, hành tá tràng hoặc đoạn đầu của hỗng tràng.

2.3 Hội chứng polyp

Một số hội chứng polyp ống tiêu hóa thường gặp là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình, hội chứng Peutz- Jegher và hội chứng polyp tuổi thiếu niên.

Polyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Polyp ống tiêu hóa thường xuất hiện trong đại tràng và dạ dày do sự tăng sinh bất thường của các mô niêm mạc. Ảnh: TL

  • Hội chứng đa polyp có tính chất gia đình: Có di truyền gen trội, do đột biến gen APC. Cứ 10.000 đến 15.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc hội chứng này. Triệu chứng gồm: ỉa máu, ỉa chảy, gầy sút khi có ung thư hóa, có thể tiến triển thành ung thư đại tràng.
  • Hội chứng Peutz- Jegher: Bệnh di truyền trên gen trội, do đột biến gen STK11/LKB1. Cứ 25.000 – 300.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc. Triệu chứng gồm: có chấm sắc tố đen tại vùng môi, niêm mạc miệng, gan bàn tay, lòng bàn chân, ỉa máu, tắc ruột. Người mắc hội chứng này có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa, tụy, phổi, tinh hoàn ở nam và ung thư tử cung, buồng trứng, vú ở nữ.
  • Hội chứng polyp tuổi thiếu niên: Bệnh di truyền ở gen trội, do đột biến gen BMPR1A và SMAD4. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 4 – 14 tuổi.

3. Triệu chứng của polyp ống tiêu hóa

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân bị polyp ống tiêu hóa phát hiện bệnh tình cờ qua nội soi, triệu chứng lâm sàng khá nghèo nàn. Triệu chứng của polyp là do biến chứng của polyp gây ra như chảy máu khi đại tiện hay tiêu phân đen, tắc ruột, táo bón và hóa ác.

Polyp ống tiêu hóa: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Polyp ống tiêu hóa được chia làm 2 dạng chính là polyp ở lớp biểu mô và polyp dưới biểu mô. Ảnh: TL

Nếu polyp xuất hiện ở bệnh nhi, nhất là khi mắc các hội chứng polyp di truyền, trẻ thường bị lồng ruột với các triệu chứng đau bụng dữ dội khiến trẻ khóc thét, ưỡn người, xoắn vặn cho bớt đau. Mỗi cơn đau kéo dài từ 5-15 phút, luôn khởi phát và biến mất một cách đột ngột. Sau cơn đau, trẻ có thể hoàn toàn bình thường, bú được, ngủ được và chơi đùa nhưng sau đó cơn đau sẽ lặp lại.

Ngoài ra, trẻ có thể có nôn ói nhiều, đại tiện ra máu hay bị bí trung - đại tiện, bụng chướng. Nếu thành bụng mỏng và nhất là khi đã ra ngoài cơn đau, có thể sờ thấy khối lồng là một khối dài, không cố định, mật độ chắc và sẽ khiến trẻ đau nhói khi ấn vào.

4. Các biện pháp chẩn đoán bệnh polyp ống tiêu hóa

Chẩn đoán polyp ống tiêu hóa chủ yếu dựa vào phương pháp nội soi ống tiêu hóa phát hiện hình ảnh nhiều polyp rải rác trong đường tiêu hóa. Các triệu chứng lâm sàng như đau bụng, nôn mửa, đi cầu ra máu kết hợp với tiền sử gia đình có người mắc bệnh đóng vai trong gợi ý bệnh. Số lượng polyp quan sát được qua nội soi tiêu hóa có thể lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cái.

Biện pháp giúp chẩn đoán xác định bệnh là lấy máu xét nghiệm tìm đột biến gen STK11.

5. Điều trị bệnh polyp ống tiêu hóa

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi là phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến nhất, giúp loại bỏ polyp và phòng tránh biến chứng ung thư hóa polyp. Điều trị bệnh lý polyp ống nội soi chủ yếu là điều tị phẫu thuật. Bệnh nhân thường được tiến hành phẫu thuật nhiều lần, có thể là mổ mở hoặc nội soi cắt polyp.

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi

Đây là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất trong điều trị polyp ống tiêu hóa mà nhiều cơ sở y tế trên cả nước có cơ hội thực hiện. Khi tiến hành, bác sĩ luồn một ống nội soi mềm qua đường mũi và đường miệng vào ống tiêu hóa nếu là cắt polyp dạ dày, hoặc luồn ống nội soi qua hậu môn nếu là cắt polyp đại tràng.

Polyp được cắt rời hoàn toàn khỏi niêm mạc ống tiêu hóa bằng điện nên giảm thiểu được biến chứng chảy máu. Không được bỏ sót các tổ chức polyp, đặc biệt là polyp đại tràng vì có khả năng ung thư hóa cao nhất. Nội soi tiêu hóa có thể cắt được cả polyp có cuống và polyp không cuống.

Cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi có nhiều ưu điểm hơn phương pháp mổ mở cổ điển:

  • Thời gian phẫu thuật nhanh, trung bình khoảng 50-90 phút/bệnh nhân.
  • Nằm viện ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn. Đôi khi bệnh nhân không cần phải nhập viện, cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi có thể thực hiện ở những cơ sở y tế ngoại trú. Bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống thường nhật ngay ngày hôm sau.
  • Tránh được một phẫu thuật lớn ở những bệnh nhân chỉ có 1 polyp ống tiêu hóa.
  • Phát hiện sớm các tổn thương nghi ngờ để điều trị dứt điểm. Ung thư đại tràng được dự phòng hiệu quả khi tiến hành nội soi định kỳ.

Tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân bị polyp ống tiêu hóa đều được chỉ định điều trị nội soi. Các chống chỉ định bao gồm:

  • Viêm phúc mạc cho thủng ruột
  • Nhiễm trùng máu
  • Các rối loạn về đông cầm máu
  • Bệnh lý mạn tính liên quan đến hô hấp tim mạch
  • Biến chứng của cắt polyp ống tiêu hóa qua nội soi:
  • Chảy máu: xử trí bằng đốt điện cầm máu, hồi sức đảm bảo tổng trạng cho bệnh nhân. Nếu không thành công phải tiến hành mổ mở cầm máu
  • Thủng: nếu thủng lỗ lớn phải tiến hành mổ mở cầm máu.

Mổ mở điều trị polyp ống tiêu hóa

  • Mổ mở được áp dụng để cắt các polyp lớn, hoặc trong các trường hợp cần cắt bỏ một đoạn ruột. Phẫu thuật cắt một đoạn ruột thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh có biến chứng như lồng ruột hoại tử gây viêm phúc mạc, xuất huyết tiêu hóa không đáp ứng với can thiệp qua nội soi, hay khi polyp ung thư hóa.
  • Phẫu thuật còn được áp dụng để điều trị các ung thư ngoài đường tiêu hóa đi kèm như ung thư vú ở nữ giới và ung thư tinh hoàn ở nam giới. Các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật bao gồm dính ruột, ngắn ruột, gây ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và sức khỏe của người bệnh.
Polyp dạ dày có nguy cơ ung thư không?Polyp dạ dày có nguy cơ ung thư không?

SKĐS - Polyp dạ dày là khối u của các tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày. Hầu hết các polyp dạ dày thực sự không trở thành ung thư. Tuy nhiên, một số loại có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong tương lai.


BSCKI Phạm Lam
Phó Giám đốc TTYT Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn