1. Vì sao bị polyp mũi?
Các polyp mũi được hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang. Các phản ứng viêm xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm sẽ gây nên hậu quả là polyp mũi.
Khi bị viêm mãn tính ở mũi hoặc xoang sẽ khiến các mạch máu tăng tính thấm gây nên việc nước tích tụ trong các mô. Các mô ứ nước này theo thời gian sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới, dồn lại và hình thành polyp.
Ai cũng có thể bị bệnh polyp mũi, nhưng bệnh xảy ra chủ yếu ở người trên 40 tuổi và ở trẻ em bị các bệnh như hen phế quản, viêm xoang mãn, sổ mũi…
2. Các yếu tố nguy cơ
- Mắc bệnh hen suyễn khiến đường hô hấp bị viêm và tắc nghẽn lâu dần hình thành polyp mũi.
- Bị viêm xoang dị ứng do vi nấm; Viêm xoang mãn tính.
- Cơ thể nhạy cảm với aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid.
- Bị xơ nang, rối loạn di truyền dẫn tới sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường.
- Bị hội chứng Churg-Strauss gây ra tình trạng viêm mạch máu.
- Yếu tố di truyền.
3. Triệu chứng bệnh polyp mũi
Polyp mũi thông thường có kích thước nhỏ nên không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên khi bị polyp mũi có kích thước lớn hoặc nhiều polyp nhỏ sẽ gây tắc và khó thở và phải thở bằng miệng.
Khi bị polyp mũi sẽ có các triệu chứng:
- Bị nghẹt mũi kéo dài. Sổ mũi thường xuyên.
- Hay bị chảy máu cam.
- Có thể bị giảm hoặc mất khứu giác.
- Vị giác có thể bị ảnh hưởng.
- Cảm thấy đau nhức mặt hoặc nhức đầu.
- Đau lan cả sang vùng răng hàm trên.
- Có cảm giác đè nặng trên mặt và trán.
- Ngáy to, ngáy nhiều khi ngủ.
- Cảm giác nhức đầu âm ỉ.
- Bị viêm đa xoang mãn tính.
4. Bệnh có nguy hiểm?
Cần thận trọng khi thấy xuất hiện nhiều polyp nhỏ hoặc polyp lớn. Điều này sẽ có khả năng gây ra biến chứng sức khỏe nguy hiểm:
- Khó thở tắc nghẽn khi ngủ làm bệnh nhân bị mất ngủ liên tục.
- Có thể bị viêm xoang cấp hoặc mãn tính
- Gây cấu trúc mặt bất thường, dẫn tới 2 mắt xa bất thường và chứng song thị.
5. Điều trị polyp mũi hiệu quả
Bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất dựa trên mức độ polyp và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Với mục tiêu điều trị là làm teo polyp mũi hoặc loại bỏ hoàn toàn để tránh ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp cũng như biến chứng nguy hiểm.
Điều trị polyp mũi bằng thuốc: Thường áp dụng với polyp mũi nhỏ.
Thuốc Steroid có tác dụng tốt trong việc thu nhỏ kích thước polyp cũng như cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi.
- Steroid dạng xịt được dùng trong điều trị polyp mũi. Thuốc tác dụng trực tiếp đến polyp và niêm mạc mũi, giúp xoa dịu cơn khó chịu, giảm sổ mũi và tắc nghẽn mũi. Dù tác dụng khá nhanh song nếu ngưng dùng thuốc, polyp mũi có thể gây triệu chứng trở lại do không được loại bỏ hoàn toàn.
- Steroid dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch sẽ tác dụng toàn thân, thường chỉ định nhất là prednisone, có thể sử dụng khi steroid dạng xịt không đem lại tác dụng tốt. sử dụng steroid lâu dài không được khuyến cáo vì nguy cơ gây tác dụng phụ như tăng nhãn áp, tích nước, huyết áp cao,…
- Uống hoặc tiêm steroid lâu dài còn gây giảm sức đề kháng, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng kết hợp với polyp mũi dẫn đến nhiễm trùng xoang rất khó điều trị. Do đó, khi dùng steroid điều trị bác sĩ thường kê uống cùng thuốc kháng histamin hoặc thuốc kháng sinh.
6. Khi nào phải phẫu thuật polyp mũi?
Chỉ định phẫu thuật polyp mũi sẽ được bác sĩ cân nhắc khi kích thước polyp quá lớn và khi thuốc men không hiệu quả.
Đối với bệnh nhân bị xơ nang phổi có polyp mũi phẫu thuật polyp mũi là lựa chọn duy nhất. Cách phẫu thuật còn tùy vào số lượng và vị trí của polyp:
- Đối với các polyp nhỏ và đơn độc, bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ dễ dàng bằng một dụng cụ cơ học nhỏ để hút hoặc một máy vi cắt lọc. Sau khi phẫu thuật phải điều trị tình trạng viêm kèm theo, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid và thuốc kháng sinh và cả thuốc corticosteroid đường uống để hỗ trợ điều trị.
- Nội soi xoang là một kỹ thuật rộng hơn, không chỉ cắt polyp mà còn giúp mở cả phần xoang, nơi các polyp mũi hình thành. Phẫu thuật nội soi chỉ là những vết rạch rất nhỏ nên vết mổ sẽ nhanh chóng lành và ít gây đau đớn. Việc phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật polyp mũi cũng phải mất đến vài tuần.
Polyp mũi ngay cả khi đã được điều trị phẫu thuật triệt để vẫn có nguy cơ tái phát, nên người bệnh cần phải đi tái khám định kỳ bệnh.
7. Phòng ngừa bệnh polyp mũi
Có thể phòng ngừa polyp mũi và giảm thiểu nguy cơ phát triển hoặc tái phát bệnh bằng cách:
- Tránh xa môi trường khói bụi gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang
- Vệ sinh tay thường xuyên nhằm tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm mũi và xoang.
- Vệ sinh mũi và xoang hằng ngày bằng nước muối sinh lý nhằm giảm viêm trong mũi cũng như làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi
- Tăng cường hệ miễn dịch: Ngủ đủ giấc, áp dụng chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Mời xem video được nhiều người quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng