Polyp mũi là các khối mềm, không đau (không phải ung thư), phát triển ở vùng niêm mạc mũi xoang với lớp lót bên trong hốc mũi hoặc lòng xoang. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 tuổi và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn tính, sổ mũi và viêm phế quản mạn tính.
Polyp mũi do đâu?
Polyp mũi là hậu quả của các phản ứng viêm tiếp diễn do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm. Việc bị viêm mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi hoặc xoang tăng tính thấm, qua đó tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các mô. Theo thời gian, các mô ứ nước này sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới, dồn lại, hình thành các polyp.
Dựa trên nguyên tắc cơ bản trên, các yếu tố nguy cơ gây nên sự hình thành polyp mũi bao gồm:
- Do hen suyễn: Đây là nguyên nhân khiến đường hô hấp bị viêm và tắc nghẽn.
- Do viêm xoang dị ứng do vi nấm: Tình trạng dị ứng nặng với nấm trong môi trường.
- Do viêm xoang mạn tính.
- Do nhạy cảm với Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không Steroid (Non-Steroidal Anti- Inflammatory drugs - NSAIDs).
- Do xơ nang, rối loạn di truyền dẫn tới sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường, đặc biệt là chất nhầy từ màng mũi và xoang.
Ngoài ra, polyp mũi còn do hội chứng Churg-Strauss, đây là căn bệnh hiếm gặp gây ra tình trạng viêm mạch máu (vasculitis). Yếu tố di truyền cũng có thể đóng góp vào việc hình thành polyp mũi.
Polyp mũi dễ nhầm lẫn với viêm mũi, xoang mạn tính
Khi có polyp mũi, người bệnh thường có các triệu chứng giống như viêm mũi, viêm xoang như: Nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi liên tục, rối loạn về khứu giác...
Polyp phát triển một cách từ từ, gây nghẹt mũi 1 bên hoặc 2 bên. Lúc đầu người bệnh ít chú ý, nhưng khi polyp lớn dần thì sẽ có cảm giác rất khó chịu, nhất là khi phải thở bằng miệng. Những dấu hiệu kèm theo là cảm giác nặng đầu, chảy nước mũi trong, xanh hay vàng, đôi khi có mùi hôi. Thỉnh thoảng có sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác cũng giảm dần và có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.
Polyp mũi nhỏ và đơn độc không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, ít khi gây biến chứng, nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp nhỏ sẽ lớn dần có thể gây những biến chứng như: Viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn lúc ngủ, biến đổi cấu trúc của mặt gây song thị hoặc 2 mắt xa nhau bất thường, viêm họng mạn tính.
Như vậy, có thể nói polyp mũi nếu không điều trị có thể gây ra các biến chứng như:
- Viêm xoang cấp hoặc mạn tính.
- Nghẹt mũi, mất mùi.
- Ngưng thở lúc ngủ hoặc khó thở trong lúc ngủ.
- Biến dạng khuôn mặt.
Điều trị polyp mũi thế nào?
Vì polyp mũi có các triệu chứng gần giống như viêm mũi, viêm xoang hoặc cảm cúm... nên người bệnh thường không nhận biết được. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần, trong khi các triệu chứng của polyp không giảm đi. Khi đó người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và có chỉ định điều trị thích hợp.
Điều trị bệnh polyp mũi có 2 phương pháp chính là dùng thuốc và phẫu thuật. Nếu polyp mũi nhỏ, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc. Đối với những polyp lớn gây khó thở, giảm hoặc mất khứu giác, ù tai... hoặc biến chứng thì cần phải phẫu thuật nội soi để cắt polyp và mổ xoang, tạo thông thoáng trong mũi xoang và giảm khả năng tái phát polyp.
Tóm lại: Polyp mũi là vấn đề thường gặp, trong thời gian điều trị nếu muốn sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng ngoài y lệnh cần phải xin ý kiến của bác sĩ.
Để giảm sự hình thành polyp mũi là điều trị triệt để các bệnh viêm mũi, viêm xoang, tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên và các chất gây ô nhiễm, đeo khẩu trang trong môi trường có nhiều bụi. Khi có tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị.