Polyp mũi có nguy hiểm?

17-12-2017 14:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Polyp mũi là một tổn thương giống u, lành tính tại niêm mạc mũi xoang, có dạng hình giọt nước hay chùm nho. Polyp mũi chiếm khoảng 1-4% dân số.

Tỷ lệ polyp mũi với viêm mũi dị ứng là khoảng 1,5-1,7% . Tỷ lệ mắc polyp mũi tăng lên theo tuổi và cao nhất ở tuổi từ 40-60, liên quan phổ biến nhất với viêm mũi xoang mạn tính.

Những ai có thể mắc bệnh này?

Polyp mũi có thể hình thành ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở những người trưởng thành trẻ và trung niên. Các polyp mũi có thể hình thành bất cứ nơi nào trong xoang hoặc mũi, nhưng chúng xuất hiện thường xuyên nhất trong vùng phức hợp lỗ ngách là nơi mà các dẫn lưu của các xoang vào mũi. Polyp mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng diễn biến kéo dài dai dẳng, tác động nhiều tới chức năng thở của người bệnh, làm cho bệnh nhân mệt mỏi ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như khả năng lao động và học tập của người bệnh. Đồng thời làm giảm chức năng ngửi ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Mặc dù, trên thế giới đã có rất nhiều giả thuyết nghiên cứu về nguyên nhân của polyp mũi nhưng hầu hết các tác giả đều thống nhất rằng polyp mũi là kết quả của sự viêm nhiễm phù nề kéo dài dẫn đến hiện tượng thoái hóa đa ổ của niêm mạc mũi xoang. Polyp mũi tái phát sau phẫu thuật chiếm tỷ lệ rất cao, đặc biệt cao hơn nhiều trên những người có cơ địa dị ứng, hen và không dung nạp aspirin, do vậy vấn đề điều trị gặp nhiều khó khăn.

Polyp mũi có nguy hiểm?Vị trí polyp mũi làm ảnh hưởng đến đường thở.

Ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới có độ ẩm cao, nóng và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, bệnh về mũi - xoang ngày càng gia tăng và polyp mũi ngày càng nhiều. Trong những năm gần đây, sự ứng dụng rộng rãi kỹ thuật nội soi trong khám và phẫu thật nội soi chức năng mũi - xoang cho phép phát hiện và điều trị sớm polyp mũi. Đồng thời việc chăm sóc người bệnh trước, trong và đặc biệt sau mổ tốt hơn, cùng với việc sử dụng corticoid tại chỗ, đã làm giảm đáng kể tỉ lệ tái phát của polyp mũi.

Triệu chứng của bệnh?

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm xoang mạn tính có polyp mũi gồm có: Chảy nước mũi, ngạt tắc mũi liên tục, chảy dịch mũi sau xuống họng, giảm hoặc mất ngửi, mất cảm giác vị giác, đau nhức mặt hoặc nhức đầu, đau ở vùng răng hàm trên, cảm giác đè nặng trên trán và mặt, ngáy.

Tìm  kiếm dịch vụ chăm sóc y tế ngay nếu có các triệu chứng sau: Khó thở nghiêm trọng, các triệu chứng trầm trọng hơn, tầm nhìn hoặc khả năng chuyển động mắt kém, sưng nề quanh mắt, nhức đầu dữ dội ngày càng tăng cùng với sốt cao.

Yếu tố nguy cơ và biến chứng của bệnh?

Bất kỳ tình trạng nào gây viêm mạn tính trong các mũi hoặc xoang, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc dị ứng, có thể làm tăng nguy cơ phát triển polyp mũi. Bên cạnh đó, tiền sử gia đình cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.

Về biến chứng, polyp mũi có thể làm cản trở luồng không khí và dẫn lưu dịch bình thường, cũng như do viêm mạn tính dẫn đến sự phát triển của chúng nên có thể gặp:

Khó thở khi ngủ: Trong tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn này, có thể gây ra ngừng thở trong khi ngủ.

Bùng phát cơn hen phế quản: Viêm mũi xoang mạn tính có thể làm trầm trọng thêm c hen phế quản.

Nhiễm trùng xoang: Polyp mũi có thể làm cho dễ bị nhiễm trùng xoang tái phát thường xuyên hoặc trở nên mạn tính.

Phòng ngừa bệnh ra sao?

Có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát polyp mũi bằng các chiến lược sau:

Quản lý dị ứng và hen: Làm theo khuyến cáo điều trị của bác sĩ để kiểm soát hen phế quản và dị ứng. Nếu các triệu chứng không được kiểm soát tốt, hãy trình bày với bác sĩ về việc thay đổi kế hoạch điều trị.

Tránh các chất kích thích mũi: Tránh hít thở các chất có trong không khí có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như chất gây dị ứng, khói thuốc lá, khói hóa học, bụi…

Thực hiện vệ sinh tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Đây là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virut có thể gây viêm mũi và xoang.

Làm ẩm nhà của bạn: Sử dụng máy làm ẩm nếu không khí trong nhà của bạn có xu hướng khô. Điều này có thể giúp làm ẩm đường thở của bạn, cải thiện dẫn lưu chất nhầy từ xoang, và giúp ngăn ngừa ngạt tắc mũi và viêm mũi xoang.

Làm sách mũi: Rửa mũi Bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi chuyên dụng hàng ngày giúp thuận lợi cho dẫn lưu chất nhầy và loại bỏ các chất gây dị ứng và các chất kích thích khác ra khỏi mũi xoang.


TS. Nguyễn Thị Khánh Vân
Ý kiến của bạn