Hà Nội

Polyp dây thanh quản có nguy hiểm?

15-01-2019 17:48 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Polyp dây thanh quản có thể gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là người trưởng thành.

Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói, nếu không điều trị dứt điểm có thể dẫn đến khàn tiếng kéo dài. Nhiều người khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh polyp dây thanh quản thường lo lắng không biết bệnh có tiến triển ung thư hay không? Bài viết dưới đây sẽ  giúp độc giả hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

Thanh quản nằm ở giữa đáy của lưỡi và khí quản. Thanh quản có thể gọi là hộp thanh vì nó có chứa các dây thanh. Các cơ của thanh quản căng và duỗi dây thanh khi thở khiến chúng tạo thành một hình chữ V để cho không khí đi qua.

Polyp dây thanh quản là những u nhỏ ở dây thanh nằm mặt trên bờ trong lòng thanh quản. Polyp thường to bằng hạt tấm hoặc có khi kích thước bằng hạt đậu xanh, thường gặp  nằm ở vị trí 1/3 giữa dây thanh quản, hình dáng nhẵn bóng, mọng, màu trắng hồng.  Tác hại của polyp dây thanh quản là làm cho giọng nói khàn hoặc giọng đổi (khi polyp có kích thước lớn). Hầu hết bệnh là lành tính, chủ yếu làm ảnh hưởng đến giọng nói.

Vị trí, cấu tạo dây thanh.

Vị trí, cấu tạo dây thanh.

Nguyên nhân do đâu?

Hầu hết do phù nề với nhiều nguyên nhân khác nhau (viêm nhiễm, nói nhiều, nói to, kéo dài, lạm dụng giọng nói hoặc do nghề nghiệp như giáo viên, phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch...). Hoặc do quá sản tổ chức biểu mô hay tổ chức liên kết hoặc quá sản niêm mạc thanh quản.

Một yếu tố thuận lợi được đề cập đến là do có sự kích thích cơ học bởi sự tác động (nói nhiều, liên tục, kéo dài...) làm dây thanh căng quá mức, từ đó, các mạch máu nhỏ trên dây thanh bị vỡ gây chảy máu, hậu quả là polyp dây thanh xuất hiện. Ngoài ra, polyp dây thanh quản có thể do viêm thanh quản mạn tính kéo dài.

Bản chất của polyp dây thanh gồm một nhân xơ, ngoài là biểu mô quá sản. Có thể polyp một bên dây thanh hoặc hai bên dây thanh đối xứng nhau. Nếu là polyp dây thanh âm hai bên, khi phát âm, chúng va chạm vào nhau nên còn gọi là hạt hôn nhau (kiss nodule).

Dấu hiệu nhận biết

Khàn tiếng, nói mất hơi do thanh môn hở rộng khi nói là 2 triệu chứng chủ yếu. Khàn tiếng là triệu chứng xuất hiện đầu tiên, lý do bởi hai dây thanh âm không khép kín được, dây thanh rung động không đều dẫn đến hiện tượng tiếng nói bị khàn.

Mức độ khàn tiếng hoàn toàn phụ thuộc vào kích thước của polyp, khi polyp càng to càng làm cho khoảng hở thanh môn càng rộng. Do đó, khi nói, giọng khàn càng nhiều. Lúc này, càng nói càng mất hơi nhiều nên người bệnh rất mệt và không nói được lâu. Khàn tiếng lúc đầu chỉ xảy ra từng đợt, nếu được điều trị và hạn chế nói, có thể giọng nói trở lại bình thường. Dần dần, khàn tiếng xảy ra liên tục. Mức độ nặng, nhẹ của khàn tiếng tùy thuộc hạt xơ dây thanh to hay nhỏ và mức độ nhược cơ của dây thanh.

Với loại polyp có chân, khi nói, polyp có thể di động khi thanh môn đóng, mở, do đó, người bệnh có cảm giác vướng ở họng như có sợi tóc hay vật gì cản trở nên khạc nhiều càng làm cho polyp phù nề, giọng càng khàn. Ngoài khàn tiếng, người bệnh có thể có hụt hơi (nói mất hơi), ho khan. Tuy vậy, ít khi thấy người bệnh mất hẳn tiếng và khó thở thanh quản do polyp.

Ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe?

Chủ yếu ảnh hưởng tới giọng nói của người bệnh, đặc biệt, người bệnh làm nghề giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch, phát thanh viên, bán hàng... Bệnh không trở thành ác tính (ung thư), không gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng bệnh không tự khỏi.

Để chẩn đoán polyp dây thanh quản, cần nội soi để biết được tình trạng của dây thanh quản, kích thước, vị trí của polyp để có hướng điều trị đúng.

Nguyên tắc điều trị

Nếu tình cờ phát hiện polyp dây thanh quản nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng gì, không nên điều trị, chỉ nên vệ sinh họng miệng bằng cách súc họng, đánh răng hàng ngày, trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy và sau khi ăn càng tốt và bắt đầu hạn chế nói.

Nếu đã có hiện tượng khàn tiếng nhẹ, không liên tục, trước tiên, cần điều trị nội khoa, tạm ngưng hoặc hạn chế nói đến mức tối đa là điều cần thiết nhất cho người bệnh bị khàn tiếng giúp cải thiện triệu chứng này.

Kết hợp điều trị bằng cách khí dung có thuốc chống viêm, chống phù nề, kết hợp kháng sinh (theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh). Nếu bệnh ổn định và khỏi khàn tiếng, người bệnh cần khám bệnh định kỳ chuyên khoa tai mũi họng.

Điều trị ngoại khoa được thực hiện khi điều trị nội khoa không có kết quả, đó là phẫu thuật cắt bỏ polyp. Cắt bỏ polyp dây thanh quản có nhiều phương pháp: Kỹ thuật soi thanh quản gián tiếp cắt polyp bằng kìm Frankel đối với polyp có cuống nhỏ (hiện nay, phương pháp này ít được sử dụng) hoặc soi thanh quản trực tiếp cắt bỏ polyp bằng dụng cụ vi phẫu thanh quản hoặc cắt bỏ polyp dưới kính hiển vi phẫu thuật (vi phẫu) hay cắt bỏ polyp bằng laser CO2. Áp dụng phương pháp gì tùy thuộc vào từng khoa phòng, bệnh viện, người bệnh sẽ tự lựa chọn sau khi được bác sĩ tư vấn.

Sau phẫu thuật thường được bác sĩ cho dùng kháng sinh kết hợp khí dung thuốc chống viêm, chống phù nề.


BS. Trần Thị Mai
Ý kiến của bạn