Hà Nội

Polyp đại tràng có nguy cơ biến thành ung thư

04-10-2022 13:39 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Polyp đại tràng là khối các tế bào hình thành bất thường trên bề mặt, trong lòng hoặc thành ruột già. Thông thường các polyp đại tràng đều lành tính. Tuy nhiên nếu không được kịp thời can thiệp và điều trị polyp đại tràng có nguy cơ biến thành ung thư.

1. Nguyên nhân gây polyp đại tràng

Polyp đại tràng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào nếu người bệnh có lối sống và sinh hoạt không điều độ và hợp lý. Hơn nữa, độ tuổi và gen di truyền cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Chế độ sinh hoạt không khoa học
  • Ăn uống không hợp lý, ăn quá nhiều dầu mỡ, các loại thực phẩm không hợp vệ sinh,
  • Thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.
  • Thừa cân, béo phì, có cân nặng tăng đột biến trong thời gian ngắn.
  • Ít vận động, nằm hoặc ngồi nhiều.
  • Luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Thường xuyên thức khuya,
Tuổi tác

Có khoảng 90% các trường hợp mắc polyp đại tràng ở độ tuổi 50 và rất ít trường hợp mắc ở độ tuổi ít hơn 40. Do vậy, người từ 50 tuổi trở lên nên kiểm tra định kỳ đại tràng để tầm soát polyp đại tràng và ung thư đại tràng sớm.

Tiền sử gia đình

Những người có cha, mẹ, anh, chị, em mắc polyp đại tràng thì cũng có khả năng bị mắc bệnh

2. Các dạng polyp đại tràng thường gặp

Có 4 loại polyp đại tràng thường gặp:

  • Polyp tuyến: Chiếm khoảng 2/3 trong số các polyp đại tràng. 90% polyp tuyến có kích thước < 1,5 cm. Nguy cơ mắc ung thư đại tràng sẽ phụ thuộc vào kích thước của polyp (> 2 cm) và thành phần nhung mao. Cần lưu ý là gần như tất cả các polyp ác tính là polyp tuyến.
photo-1664702833369

Polyp đại tràng cần được cắt bỏ trước khi phát triển to quá mức

  • Polyp răng cưa: Nguy cơ polyp răng cưa trở thành ung thư tùy thuộc vào kích thước và vị trí của nó ở đại tràng. Nếu polyp răng cưa nhỏ, không cuống, tròn và kích thước < 5 mm, nằm ở đoạn cuối của đại tràng và trực tràng ( polyp tăng sản) thì hiếm khi trở thành u ác tính; Nếu là polyp răng cưa lớn, thường là phẳng (không cuống), khó phát hiện và nằm ở đoạn đầu của đại tràng sẽ có nguy cơ cao trở thành ung thư.
  • Polyp viêm: xuất hiện sau khi bệnh nhân bị viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.
  • Polyp di truyền: thường xuất hiện ở những bệnh nhân có người thân trong gia đình có tiền sử bị polyp đại tràng. Những bệnh nhân này thường có biểu hiện bệnh lý kèm theo ở bộ phận khác trong cơ thể. bệnh nhân có gen đột biến di truyền, nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng cao hơn.

3. Các triệu chứng của polyp đại tràng

Polyp đại tràng hầu như không có triệu chứng, bác sĩ chỉ có thể phát hiện bệnh khi bệnh nhân kiểm tra định kỳ hoặc đang đi khám vì bệnh khác. Các triệu chứng bao gồm:

  • Chảy máu trực tràng: Xuất hiện máu trên đồ lót hoặc trên giấy vệ sinh sau khi đi cầu.
  • Thay đổi thói quen đại tiện: Có thể táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài cũng có thể triệu chứng của polyp to ở đại tràng.
  • Thay đổi màu phân: Chảy máu làm cho phân có màu đen.
  • Đau, buồn nôn hoặc nôn: polyp đại tràng có thể gây quặn bụng, đau bụng, buồn nôn và ói mửa (là dấu hiệu của tắc ruột).
  • Thiếu máu: Chảy máu từ polyp gây thiếu sắt làm cho bệnh nhân thấy mệt mỏi và khó thở.

Polyp thường được phát hiện khi kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư, hoặc sau khi xét nghiệm phân thấy có máu ẩn. Polyp đại tràng cũng có thể được phát hiện bằng phương pháp chụp đại tràng cản quang; Nội soi là phương pháp tốt nhất để kiểm tra đại tràng; Một số kỹ thuật mới để tầm soát và phát hiện polyp bao gồm: xét nghiệm phân tử gen ( molecular genetic tests), nội soi đại tràng ảo (virtual colonoscopy) sử dụng công nghệ MSCT  hoặc MRI .

photo-1664702837062

Thay đổi thói quen đại tiện là một triệu chứng của polyp đại tràng

4. Polyp đại tràng được điều trị như thế nào?

Các phương pháp bao gồm:

  • Cắt bỏ polyp khi phát hiện: Hầu hết các polyp có thể được loại bỏ bằng cách sinh thiết hoặc bằng một vòng thắt cắt polyp.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Nếu polyp quá lớn hoặc không thể cắt an toàn trong khi tầm soát thường được cắt bỏ bằng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (qua nội soi, cắt qua ngã hậu môn TEO).
  • Cắt đại và trực tràng: Nếu có một hội chứng di truyền hiếm gặp, có thể cần phải phẫu thuật để loại bỏ đại trực tràng

Cắt polyp trong quá trình nội soi là một tiến trình ngoại trú thường quy. Biến chứng cũng có thể xảy ra nhưng không phổ biến: chảy máu từ vị trí cắt và thủng đại tràng với tỉ lệ 0,1%. Chảy máu từ chỗ cắt có thể gặp ngay trong lúc cắt hoặc vài ngày sau nhưng chảy máu dai dẳng hầu như luôn luôn được cầm trong tiến trình cắt. Thủng thường cần phải phẫu thuật.

Nếu có polyp tuyến hoặc một polyp răng cưa, có thể có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng. Mức độ nguy cơ sẽ phụ thuộc vào kích thước, số lượng và đặc điểm của các polyp tuyến đã được cắt bỏ.

Bệnh nhân đã bị polyp tuyến thường có nguy cơ tái phát cao. Sau 3 năm kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu, khả năng tái phát polyp từ 25-30%. Một số polyp có thể đã hiện diện trong lần nội soi trước nhưng bị bỏ sót vì quá nhỏ. Một số khác mới vừa hình thành sau này. Do đó sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 đến 5 năm.

5. Cách phòng tránh polyp đại tràng

  • Cần có thói quen ăn uống lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế những món ăn nhiều dầu, mỡ, đồ nướng
  • Không uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Tránh lo âu, trầm cảm
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe
  • Nếu trong gia đình có người mắc polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng hoặc những người từ 40 tuổi trở lên nên tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Phòng ngừa polyp đại tràng tái phátPhòng ngừa polyp đại tràng tái phát

SKĐS - Polyp đại tràng là một tổn thương nhỏ lành tính có hình dạng giống như khối u, có cuống hoặc không có cuống, do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Thiệt Hại Ban Đầu Do Lũ Nghệ An: 2 Người Thiệt Mạng, 1 Người Mất Tích, Nước Ngập Trắng Xóa | SKĐS

BS. Nguyễn Thị Phương Anh
Ý kiến của bạn