Hà Nội

Polyp đại tràng và các yếu tố nguy cơ gây bệnh

30-10-2022 09:41 | Ung thư
google news

SKĐS - Polyp đại tràng là tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có loại có cuống hoặc không cuống. Đa phần polyp là lành tính nhưng một số có khả năng tiến triển thành ác tính - ung thư.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ polyp đại tràng

Có nhiều nguyên nhân gây ra polyp đại tràng. Người ta ghi nhận thấy đột biến ở một số gen có thể làm cho tế bào tiếp tục phân chia ngay cả không cần những tế bào mới. Sự tăng trưởng bất thường này ở đại trực tràng có thể hình thành polyp. Vì lẽ đó nên polyp có thể phát triển bất cứ nơi nào trong đại tràng.

Những yếu góp phần vào sự hình thành polyp đại tràng thường thấy có sự liên quan đến lối sống, tuổi tác, yếu tố gia đình và di truyền.

Trong đó, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì… dễ có polyp đại tràng.

Ung thư đại tràng rất hiếm gặp trước tuổi 40 và có khoảng 90% các trường hợp xảy ra sau tuổi 50, vì vậy, khuyến cáo được đưa ra là nên khám tầm soát ung thư đại tràng khi đến tuổi 50.

Một số quan điểm cho rằng, polyp và ung thư đại tràng có tính chất gia đình - là một trong những nguyên nhân quan trọng. Nhiều người mắc polyp đại tràng hoặc ung thư có tiền sử có cha mẹ, anh chị em hoặc con bị bệnh này, vì lẽ đó nên nhiều thành viên trong gia đình bị bệnh, nguy cơ sẽ có thể cao hơn rất nhiều.

Những bệnh rối loạn di truyền gây ra polyp tiến triển thành ung thư đại trực tràng sớm với tần suất cao. Một trong những bệnh này là đa polyp tuyến gia đình với rất nhiều polyp trong đại tràng.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra, có một bệnh khác là ung thư đại tràng di truyền thường khởi phát ở tuổi 20 - 30 nhưng lại không thấy có nhiều polyp. Xét nghiệm về gen chỉ cần làm ở các gia đình có tần suất cao về ung thư đại trực tràng.

Các yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng và người bệnh cần làm gì? - Ảnh 2.

Polyp và ung thư đại tràng được cho là có tính chất gia đình.

2. Biểu hiện polyp đại tràng

Nhìn chung, polyp đại tràng không có biểu hiện đặc hiệu mà thường lẫn với các biểu hiện thông thường về vấn đề tiêu hóa.

Hầu hết ở giai đoạn đầu mới khởi phát, người bệnh không có triệu chứng. Chỉ đến khi polyp phát triển thì sẽ có các dấu hiệu, nghĩa là tùy vào từng cá nhân, số lượng, vị trí, kịch thước…của từng người mà polyp đại tràng có biểu hiện khác nhau.

Các biểu hiện thường thấy là người bệnh phát hiện chảy máu đỏ tươi kèm theo phân khi đại tiện, có trường hợp chảy máu đơn thuần hoặc chảy máu ít nhưng đều là chảy máu từng đợt.

Ngoài ra, người bệnh có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa khác như: Thường xuyên đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

3. Người bệnh phải làm gì?

Chính vì polyp đại tràng thường không gây triệu chứng gì đặc biệt nên đối với người có nguy cơ cao và độ tuổi được khuyến cáo cần kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư, hoặc xét nghiệm phát hiện khi có nghi ngờ mắc bệnh.

Về điều trị, tùy theo từng cá nhân mà các bác sĩ chỉ định cụ thể nhưng đa số các polyp đều có thể được cắt bỏ khi thực hiện nội soi đại tràng. Điều đáng lưu ý với người bệnh là polyp đại tràng có khả năng tái phát rất cao.

Theo nghiên cứu, kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu đến 3 năm sau đó, khả năng tái phát polyp là 25 - 30%. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 - 5 năm.

Tùy thuộc vào các yếu tố như: Số lượng và kích thước polyp, đặc điểm giải phẫu bệnh của polyp hoặc khi soi đại tràng, nếu thấy còn nhiều phần khó quan sát, nhận diện được các polyp nhỏ thì các bác sĩ sẽ chỉ định tái khám sớm hơn các khuyến cáo trước đó.

4. Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa polyp đại tràng, giảm nguy cơ ung thư đại tràng, các khuyến cáo được đưa ra là cần có chế độ ăn ít chất béo và ăn nhiều hoa quả, rau và chất xơ, tránh thừa cân, duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Chú ý không ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu,…

Cần tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Tránh hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu.

Ngoài ra, khi có biểu hiện bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và tư vấn cụ thể.

Với những người trên 50 tuổi, đặc biệt là những gia đình có tiền sử có người trong gia đình mắc bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn khám định kỳ sớm hơn.

‎Mời xem video được quan tâm:

7 thực phẩm giúp giảm cơn đau do viêm họng.



BS. Nguyễn Thị Bích Hạnh
Ý kiến của bạn