Đó là một đêm trăng sáng như dát vàng trên đồi Bà Nài của làng chài Phú Hài, Phan Thiết. Ánh đèn lung linh hắt lên ngôi tháp Chăm thờ thần Silva càng làm cho vạn vật chìm trong không gian kỳ bí, mơ màng. Tôi nghe một cô bé người Chăm nói, nếu lên đồi tháp Chăm vào đêm trăng sáng, trong ngày lễ thần sẽ gặp công chúa Pô Sah Inư hiện lên và cùng các vũ công múa điệu Khát vọng. Hay có khi là điệu múa quạt, múa khăn khoan thai, dịu dàng trong tiếng kèn sa-ra-nai réo rắt, miên man. Và còn đó là nhịp trống pa-ra-nưng bập bùng, dồn dập với điệu múa kiếm biến hóa như tia chớp nhưng không kém phần bay bổng. Công chúa Pô Sa Inư vừa múa, vừa hát những giai điệu Chăm khắc khoải niềm yêu thương, da diết với xóm làng, cha mẹ…
Tôi như bị mê lú, thế là theo lời dụ dỗ lên đồi, trong một đêm trăng sáng. Đó là Trà Linh, chừng 12 tuổi, một người Chăm dẫn đường. Cô bé có đôi mắt to đen và nụ cười hiền lành. Trái tim tôi thấp thỏm trong ánh trăng vàng cổ tích, cho dù tôi nghĩ cô bé chỉ mơ vậy và còn muốn tôi chứng kiến mọi điều kỳ diệu sẽ xảy ra, đúng như trong tưởng tượng. Vậy mà tôi vẫn tin, bởi tôi từng nghe kể rằng, nàng công chúa Pô Sah Inư cách đây hơn 1000 năm đã ở đây, ở cái làng Phú Hài ven biển Phan Thiết này. Công chúa đã dạy mọi người cách quăng chài bắt cá và biết cách cấy cày trồng lúa, dệt vải. Rồi đêm đến, khi trăng sáng, công chúa lại múa hát và dạy các thiếu nữ Chăm những lời ca du dương cùng tiếng kèn lảnh lót bên sóng biển dạt dào.
Tôi chậm chạp đi theo đôi chân chim sáo của Trà Linh, leo lên con dốc đi tắt qua cánh rừng thưa, từ phía biển. Bọn trẻ bao giờ cũng có con đường đi riêng. Tôi lọ mọ phía sau. Cô bé bỗng giật mình lùi lại vì có một bóng đen chạy vụt qua. Ánh trăng lúc này như sóng sánh trước mắt tôi. Trái tim tôi cũng đập mạnh, không những vì leo dốc mà cũng vì vệt đen như bóng ma ấy. Vì ở trên đồi Bà Nài có một nghĩa địa từ xa xưa, trước toàn mộ đất, nay cho dù nhiều ngôi mộ đã được xây sửa nhưng vẫn còn mang lại cho mọi người ở đây sự hoảng hốt với những tia sáng xanh lởn vởn, quanh quẩn bất chợt chơi vơi, lập lòe như đom đóm.
Thấy lạnh người, tôi dừng chân và phân vân không biết có nên đi tiếp cùng với Trà Linh hay quay xuống chân đồi. Nhưng thật bất ngờ, có tiếng kèn vang lên lanh lảnh, tuy nhỏ nhưng sắc như tia nắng gọi mời vậy. Trà Linh nhoẻn cười rồi kéo tay tôi lần tiếp theo đường mòn. Tiếng kèn mỗi lúc một vang to. Một giai điệu khi bổng khi trầm, đôi khi lại ngập ngừng vọng lại làm tôi có cảm giác đỡ mệt. Ánh trăng trong vắt. Tôi thấy cay mắt vì gió biển thổi lên đồi, mỗi lúc một mạnh cùng tiếng sóng vỗ từng đợt, từ cửa sông Phú Hài dội lên.
Con đường lên tháp như rộng dần ra. Tôi nhanh chân đi theo Trà Linh, bởi có lẽ cô bé có điều gì vui lắm nên vừa đi, vừa hát. Một bài ca Chăm. Tôi nghe không hiểu gì, chỉ thấy vui tai. Lát sau, cô bé reo to, rồi chạy vượt lên phía trước. Thì ra ngôi đền tháp đã hiện ra trước mặt. Tôi cố nén nhịp thở gấp gáp vì bỗng sững sờ khi nhìn thấy bóng tháp vàng óng như một cung điện vậy. Có lẽ màu gạch đỏ hồng vẫn còn tươi nguyên nên dễ thấm ánh trăng vàng đến ngọt lịm, ngỡ như chính đó là những viên gạch bằng vàng của người Chăm xây dựng từ ngàn năm để lại. Đó là một kho báu của dân tộc Chăm. Đúng như lời kết luận của ngài Henri-Parmentier, một nhà khảo cổ Pháp có công nghiên cứu và tu bổ tháp Chăm ở nước ta. Ông kết luận, tháp thờ Silva ở đồi Phú Hài này còn giữ được gần với nguyên bản nhất. Còn đền thờ công chúa Pô Sah Inư, con gái của vua Chăm Para Chanh thì đã bị vùi lấp theo thời gian. Nhưng đó là dấu tích không thể bị phai mờ trong lòng dân người Chăm ở Bình Thuận bao đời nay.
Tôi đang đắm đuối về những điều thần bí còn chưa được khám phá hết ở đây thì tiếng gọi của cô bé Trà Linh vang lên trong ánh trăng. Tôi như tỉnh giấc mơ, nhìn lên thềm tháp thì có bóng dáng một vũ nữ nhỏ bé đang đưa tay lên cao. Bên cạnh đó là một cậu bé đang thổi kèn sa-ra-nai. Một điệu nhạc chậm mỏng như ánh trăng vậy. Nó làm cho điệu múa của cô bé mỗi lúc một huyền ảo. Tôi như bị thôi miên và không thể ngờ rằng cô công chúa kia hiện lên đúng là Trà Linh. Còn cái bóng đen vụt qua những nấm mộ ấy lại là một cậu bé đang thổi kèn làm cho tôi thấy mênh mang cảm xúc, cứ như vừa uống một chai rượu nếp. Vị của nó vừa ngọt vừa tê cay khiến tôi lờ đờ, mộng mị trong ánh trăng vàng rười rượi. Tôi say trăng, bởi trước mắt tôi là nàng công chúa xinh đẹp đã hiện lên. Nàng công chúa múa vũ điệu Áp sa ra. Tiếng kèn run rẩy trong sự hòa cảm vì nét đẹp sương khói, mơ màng. Cô bé say mê múa trong ánh trăng. Trà Linh múa như lên đồng. Cậu bé say mê với tiếng kèn, vừa thổi kèn, vừa nhảy theo cô bé, mỗi khi chuyển động tác lại phô bày nét uyển chuyển của cơ thể. Bóng người vũ nữ trở nên lung linh và nghiêng nghiêng trong ánh trăng. Cô bé cũng trở nên sáng như dát vàng trên người vậy. Cô múa như một vũ nữ uyển chuyển và đầy quyến rũ.
Nhìn cô bé múa, tôi chợt nhớ đến một nhà điêu khắc người Chăm, ông đã bị sái cánh tay khi trong suốt cuộc đời mình đã tạc những bức tượng Áp sa ra. Đôi mắt ông trầm tư, mỗi lúc một kỳ lạ bởi hình bóng vũ nữ kia luôn luôn ám ảnh ông. Cánh tay càng tê dại, ông càng say với hình tượng đẹp đến bất tử. Càng tạc tượng, ông càng cảm thấy sự bí ẩn của nó và mỗi lúc là một khám phá, một đường cong huyền ảo đậm chất nắng gió và cát hồng của mảnh đất Bình Thuận đến ngàn đời nay. Cô bé cứ ngỡ mình là công chúa, chắp tay trước ngực, nghiêng nghiêng trong vũ điệu cùng tiếng kèn làm sóng sánh ánh trăng vàng.
Lúc này, câu chuyện trên đồi thi nhân lại hiện về, kể rằng cũng một đêm trăng sáng, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã cùng nữ sĩ Mộng Cầm lên đây chơi, phía trên đỉnh đồi kia. Đó là Lầu Ông Hoàng, nơi để lại một cuộc tình bi ai nhất trong làng thơ Việt Nam. Nơi đây là khởi điểm cho một tình yêu của nàng thơ thì nơi đây cũng là một cuộc chia tay bi kịch nhất sau hai năm gắn bó với cuộc tình. Trăng. Mưa. Gió. Sóng. Con biển tình yêu này đã viết lên câu chuyện của nàng công chúa xinh đẹp, nhưng chúng cũng ghi lại một mối tình lãng mạn nhất, say đắm nhất của Hàn Mặc Tử với người mình yêu. Mối tình này chất chứa những điều kỳ lạ nhất như câu chuyện huyền thoại trong tập thơ Đau thương một thời. Và có thể nói, chính cuộc tình này đã tạo nên những áng thơ say đắm và vi diệu nhất trong gia tài thơ Hàn Mặc Tử.
Tiếng kèn sa-ra-nai bỗng da diết nghe sao xót xa đến vậy. Tôi ngỡ như giai điệu của bài hát Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh vang lên từ nơi đây. Tôi như mê sảng trong những ký ức tràn về và nhẩm theo câu hát như bị ma ám. Đâu như có tiếng cô bé gọi. Tôi giật mình. Một bóng đen vụt qua. Hai bóng đen vụt qua. Tôi nhìn theo như một kẻ mộng du.
Thế rồi hai bóng đen mất hút trong đêm trăng. Tôi giật mình lắc đầu và chớp chớp mắt, cố tỉnh lại và muốn thoát ra khỏi giây phút chìm đắm mộng tình này. Khi định thần, tôi mới hay cô bé Trà Linh và cậu bé kia đã biến mất, bỏ lại tôi một mình trên đồi trăng…
***
Sáng hôm sau, tôi tìm gặp nhà thơ trẻ La Văn Tuân - hội viên Hội Văn nghệ Bình Thuận, để kể lại chuyện đi theo một cô bé như bị mộng du trên đồi trăng Bà Nài và nhờ anh lý giải hộ cái cõi mê ấy gọi là gì và vì sao vũ điệu Áp sa ra lại huyền bí đến thế? Hai chúng tôi đi dọc con sông Cà Ty, nằm giữa TP. Phan Thiết và nhìn đoàn thuyền đánh cá trở về bến. Lát sau, anh tâm sự, người ta gọi Áp sa ra là nữ thần, nhưng có một nhà nghiên cứu Chăm lại quan niệm là tiên nữ, là người đẹp siêu nhiên, theo một truyền thuyết Ấn Độ. Lại có người nói Áp sa ra là những vũ công tuyệt mỹ mua vui cho thần thánh. Nghe đến đây, tôi lại thấm nỗi khát vọng yêu đương qua hình tượng vũ nữ Áp sa ra với bộ ngực trần, cặp vú săn chắc, thân hình mềm mại uyển chuyển. Đó là sự gợi tình, một cảm hứng tính dục hồn nhiên, bản năng và bất tử.
Có thể nói, nếu trên mọi bệ thờ trong tháp Chăm, qua biểu tượng Linga-sinh thực khí nam với Yoni-sinh thực khí nữ, để nói lên sự hoà nhập âm dương, biểu hiện sự sinh sôi thì Áp sa ra chính là hình ảnh sinh động cho cái gọi là Yoni (theo tiếng Phạn là bầu vú). Hình ảnh cô bé Trà Linh bí ẩn kia bỗng chập chờn trước mặt. Rồi nhà thơ La Văn Tuân nói, khi bị bóng giai nhân dẫn dụ như thế chỉ là sự ám ảnh đến mê muội và mất hồn về một huyền thoại nàng công chúa trên đồi trăng. Lúc đó ai cũng sẽ bị lẩn thẩn như vậy. Đi như bị ma ám. Đúng là một huyễn mộng, chẳng thể giải thích nổi. Rồi anh nói thêm về câu chuyện còn dang dở của cái tháp trên lưng đồi kia. Thực ra, tháp Pô Sah Inư đã bị trở thành phế tích theo thời gian. Giờ chỉ còn là một di chỉ, mới được khảo sát sau này. Tháp lớn hiện nay còn nguyên vẹn nhất chính là đền thờ thần Silva, trong đó biểu tượng là bệ thờ Linga-Yoni bằng đá nguyên khối, rất cổ kính, có giá trị văn hóa sâu sắc.
Chính vì lẽ đó, câu chuyện về nàng công chúa Pô Sah Inư ngàn năm, ngoài huyền thoại mang yếu tố tâm linh của người Chăm, rất linh thiêng nhưng vẫn đang là điều bí ẩn theo thời gian, đồng thời đây cũng là một nhu cầu thực tiễn cần bảo tồn, tôn tạo lại để ghi dấu những ký ức thiêng liêng của một dân tộc.
Bài và ảnh: Anh Thu