Tháng ba, nó chưa phải là tháng... tư, và vừa qua tháng 2, cái tháng khiến ta cứ nao nao về một bất chợt, một dư ba, một vấn vương nào đó, không cắt nghĩa được, nhưng lại như đã thấu hiểu, như chấp nhận, như từng thân quen...
Là mùa lá nở. Vâng, đúng nghĩa là nở. Sau cái chúm chím của đầu xuân, tháng ba viên mãn vươn vai với điệp điệp những tầng lá nở. Dẫu bây giờ rừng có ít đi rất nhiều, thì ta vẫn thấy những tầng tầng lá vươn lên và nở, như bung ra, như vươn dậy, như những tỏ bày khát vọng... Đi trên đường Hồ Chí Minh những ngày này ta mới cảm nhận được hết cái cảm giác lá nở. Chen chúc, tầng tầng, lớp lang và vẫn rạch ròi để ta thấy được điểm trong diện, lá trong rừng... để ta thấy một tháng ba bâng khuâng nhưng rắn đanh lại giữa gió và nắng và mây. Tháng ba.
Lâu rồi, hồi mới lên Tây Nguyên công tác, tôi có viết về tháng ba Tây Nguyên như thế này: “Tháng ba núi xanh như câu hát/ tiếng chiêng lay mặt trời sáng đêm”. Tôi ám ảnh với tháng ba từ đấy, cái tháng ba mà “Những sư đoàn áo xanh màu cỏ/thắp lên tháng ba bằng lửa trái tim mình”...
Tháng ba cứ mải miết chảy trong đời, vừa như ký ức lại như thực tại. Cái thực tại tháng ba vừa thoát ra những ngày Tết vui mà mệt nhọc, xuân vẫn đấy mà như sửa soạn một cuộc trốn tìm, để phải gần một năm sau mới xuất hiện trở lại. Hạ chưa tới nhưng đã như nghênh chào ở cái dáng dã quỳ lắt lay bên khu đất hoang, ngủ một đêm đã kịp là một bức tường bê tông xám lóa. Và nơi ấy vốn dĩ từng là nơi những hàng rào kẽm gai giăng mắc. Không nhắc chắc chả ai nhớ, Pleiku nơi tôi đang sống từng là một thị xã của lính, của chiến tranh. Những khu gia binh, những hàng rào kẽm gai từng là đặc trưng dễ nhớ của nơi này. Giờ chả kiếm đâu ra, thế hệ sinh sau năm 1975 chả ai biết, và ngay trước đấy, nếu không nhắc cũng ít người nhớ. Có những cái ngay trước mặt còn quên, huống gì những thứ đã qua, đã như tàn tích...
Tháng ba về với Tây Nguyên, để nghe và lẩm nhẩm theo câu hát: Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông... (ảnh minh họa)
Ngày xưa, chừng hai chục năm thôi. Tháng ba là mùa của những sợi bông lả tả trên trời, lẫn trong nắng vàng, trong gió, trong mây, lốm đốm trên tóc người. Giờ cũng hầu như không thấy nữa. Có vẻ như, những cây bông gòn, cây Pơ lang đã lùi đi hết đâu đấy, cũng như dã quỳ, xuyến chi... cũng lùi hết đâu đấy vào ký ức, vào những kỷ niệm, những vu vơ chợt nhớ chợt quên. Có vẻ như, những thẳng băng, những cao lớn, những hiện đại... khiến con người như bị lãng quên trong hoài niệm. Không chỉ lãng quên, có cái gì đấy như là sự vô cảm quá khứ...
Thì cái tiếng guốc năm nào trên đường Trần Hưng Đạo để tôi chợt biết chỗ trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh bây giờ từng có một cây dạ lan. Cứ đêm là nó ngào ngạt thơm, đến mức có những đêm chả nghĩ ra việc gì, tôi vẫn một mình thẩn thơ ở đấy để cho mình được ve vuốt, được nâng niu âu yếm bằng chính cái mùi hương rất nhẹ, rất mơn man, rất thảng hoặc mà nếu người vô tâm vô tính, nếu ồn ào lướt qua... sẽ không thấy. Nó lặng lẽ như vô tình, như ẩn dật, như cố khép mình lại, trong đêm, trong cái bàng bạc của lạnh, của sương, của trăng đục mờ tháng ba để, phải là người cũng lặng lẽ, cũng không vô tình, cũng nhẹ bẫng... mới nhận ra để mà rồi quyến luyến, mà bâng khuâng, mà bồi hồi không dứt... Rồi nó lẳng lặng mất đi tự lúc nào, chả ai nhớ đến sự hiện diện đã từng của nó. Bao nhiêu người đã quen nó, biết nó, bao nhiêu chàng trai cô gái đã cố tần ngần, cố bước chậm lại khi đi qua đoạn đường ấy, bao nhiêu bàn tay đã khép đã mở, trái tim đã rộn rã hay e ấp... trước sự hiện diện của nó, hay là mượn sự hiện diện của nó để tỏ bày... Giờ này, hương ấy ở đâu? Những người ấy phương nào?...
Cũng như thế, cái tà áo dài của tháng ba năm nào phất phơ trên đường hướng vào nhà thờ Thăng Thiên đúng cái thuở thóc cao gạo kém, cái thuở người ta cắt áo dài thành áo sơ mi cho con mặc đi học. Tháng ba năm ấy găm vào tôi một nửa tiếc nuối nửa dịu êm để bài thơ “Gặp Huế trên cao nguyên” xuất hiện. “Tà áo trắng vương trong chiều cao nguyên/ Tiếng “dạ” láy trầm như cồng. Ngực thở/ con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ/ Dáng Huế trong em. Phố núi sau mưa...”.Tết này thấy người ta cãi nhau nhiều về cái áo dài cải tiến. Thôi thì, còn có người nhớ đến áo dài là tốt rồi. Phăng tê di đi tí, dáng dấp áo dài vẫn còn, vẫn là nét dịu dàng con gái, giờ có thêm tí tinh nghịch và hoạt bát, phù hợp với cái sôi động hiện đại vẫn còn hơn những lai căng phù phiếm khác...
Tháng ba thương nhớ. Giờ này, phía ấy, hoa xoan nở tơi bời. Những ký ức quê kiểng bừng bừng sống dậy. Và chả cần ký ức, chả cần vợi xa, dù có ở bất cứ đâu, tận phương nào của trái đất, ta vẫn có một chút của văn hóa đồng bằng, của văn minh lúa nước... Tây Nguyên hôm nay, một phần đời tôi hôm nay cũng đang ào ạt đổ về những thương nhớ, những đủ đầy tháng ba trong một mạch liền thời gian và sự sống. Những quăng quật, những dãi dầu, những trái ngang... như sẽ mềm đi trong cái ngào ngạt tháng ba, hy vọng tháng ba, rơm rớm tháng ba, một tháng ba sẽ không bao giờ trở lại, nhưng nó sẽ mãi mãi ám ảnh con người, bắt phải nhớ, phải thương, phải thổn thức, phải đợi chờ dù trên tay người vẫn nắng tháng ba, dưới chân người vẫn cỏ tháng ba, và trong tim, tháng ba đập như một vĩnh hằng...
Tháng ba ơi tháng ba thơm hương cốm/ Xanh mãi nụ cười tháng ba của tôi...