Pleiku đã lại sương mù

28-06-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Vì ám ảnh câu thơ phổ nhạc “Phố núi cao phố núi đầy sương...” mà tôi đã từ bỏ thành phố Huế để đeo ba lô lên Pleiku nhận công tác ngay khi vừa tốt nghiệp đại học

Vì ám ảnh câu thơ phổ nhạc “Phố núi cao phố núi đầy sương...” mà tôi đã từ bỏ thành phố Huế để đeo ba lô lên Pleiku nhận công tác ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, cái thời đại học còn đắt như tôm ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên này. Pleiku thời ấy đẹp như cổ tích. Những đường lượn kỷ hà giữa phố, những nhấp nhô dốc, những thung lũng giữa mây, những thông, những gió, bướm... và sương mù.

Sương mù như một đặc sản của Pleiku thời ấy. Nó không quá đặc để người phải tan ra, cũng không quá dầy để người phải cứng lại. Cũng không mảnh mai quá để ta phải co ro và cũng không là đà để em phải cúi đầu vuốt tóc. Nó vừa phải, như vận vào tâm trạng từng người. Đủ để an ủi, sẻ chia. Đủ để nâng niu tôn trọng.

Một thoáng sương mù Pleiku.

Rồi, người ta cải tạo thành phố. Bê tông hóa, tầng hóa, nhựa hóa. Pleiku trọc như phố đồng bằng, bởi phải chặt cây để xây dựng, toàn cây cổ thụ, từng thảm cổ thụ, trở thành đường xá, nhà cửa... các loại. Pleiku cũng bằng như đồng bằng. Không biết ai đã chọn Pleiku để xây dựng thành thủ phủ như bây giờ, hẳn phải có con mắt rất tinh. Ấy là mấy ngọn đồi được liên kết lại với nhau, những con đường giăng như võng nối các đỉnh dốc, khiến nhấp nhô trập trùng những mái những hẻm trập trùng sương và những con người rất... Pleiku. Nhưng để xây dựng, người ta đã, chỗ nào thấp thì đổ cho cao, chỗ nào cao thì gạt cho thấp... các kiểu để Pleiku bây giờ sạch bóng sương mù.

Thế mà lạ, mấy hôm rồi, sương mù ở đâu bỗng trở lại. Ai cũng ngơ ngác. Sương rất sạch chứ không bẩn như một số nơi, cũng rất mềm để không ướt áo, nhưng má thì đủ lạnh, tay thì đủ bâng quơ và chân cũng đủ ngập ngừng...

Pleiku bây giờ nhiều ngã năm ngã sáu, thậm chí đến cả ngã bảy ngã tám. Thời xưa, chỉ có mấy ngã ba nổi tiếng. Những ngã ba gắn vào ký ức những người đã ở đây mấy chục năm, thời Pleiku còn thông, còn sương, còn cả sự đói nghèo nhếch nhác...

Ngã ba Diệp Kính hồi ấy xứng đáng là trái tim của Pleiku. Nó có rạp chiếu phim Nhân Dân, tên cũ là Diệp Kính, tên ông chủ rạp và nhờ thế mà thành tên ngã ba này. Nhưng sau năm 75 thì mấy bác cán bộ chính quyền quyết định đổi tên rất nhiều con đường và các cơ sở văn hóa của Pleiku. Rạp chiếu phim Diệp Kính thành rạp Nhân Dân, nhưng nhân dân thì vẫn gọi ngã ba ấy là ngã ba Diệp Kính. Sát bên rạp chiếu bóng là khách sạn và nhà hàng. Hồi ấy có tiền vào được đấy là mặt mũi vênh váo lắm, dù nước ngày có ngày không, điện thì lom đom như đom đóm. Đối diện bên kia là tiệm cơm Mỹ Tâm nổi tiếng, cạnh Mỹ Tâm là mấy quán cà phê. Phía bên kia bùng binh có cái tiệm chụp hình Mỹ Lệ...

Phim hồi ấy là cả một vấn đề. Không hiểu sao hồi ấy dân ta mê phim thế. Tôi nhớ lúc nào cũng đông nghìn nghịt người xếp hàng mua vé. Rạp phải hàn mấy cái thanh sắt song song ra tận giữa sân để khách xếp hàng khỏi chen lấn, thế nhưng vẫn luôn luôn chen lấn, nhất là mấy anh lính ở biên giới về, cứ điềm nhiên chìa ve áo có 2 miếng tiết đỏ lòm, và vào.

Người ta không có việc gì làm ở nhà, không xem phim, thì vẫn ra Diệp Kính, hoặc cà phê, hoặc nhậu, hoặc đơn giản chỉ là... ngắm người. Và chính vì thế mà Diệp Kính lúc nào cũng đông đúc, lộn xộn, hay xảy ra các vụ đánh nhau.

Diệp Kính hồi ấy còn là trung tâm của... chị em ta. Đội ngũ chị em bán dâm hồi ấy cũng lấy Diệp Kính làm... trụ sở. Cứ chập tối là trang điểm rồi ra Diệp Kính ngồi thành từng tụm. Và đấy cũng là nguyên nhân của những vụ lộn xộn, đánh nhau, bởi chị em đi đâu cũng có lực lượng bảo kê. Số này sẵn sàng xung trận nếu anh nào bờm xơm, chọc ghẹo, quỵt tiền...

Noel thì Diệp Kính cực vui vì có nhà thờ Thăng Thiên. Người theo đạo đã đành, người không có đạo cũng ra đấy, với nhiều lý do. Năm nào cũng đông nghìn nghịt. Mà hồi ấy Noel lạnh lắm, có người bảo là ngày lạnh cuối cùng của mùa lạnh, sau Noel trời sẽ ấm lên. Hồi ấy chưa đồng loạt váy như bây giờ, nhưng các cô gái cũng đã... lác đác váy. Trời lạnh, váy mỏng, da gà nổi như... ngón tay. Mươi năm nay khí hậu biến đổi rất lạ, chả thấy đâu cái lạnh như Noel ngày nào ấy nữa.

Bây giờ, không còn hình bóng nào của ngã ba Diệp kính ngày xưa, dù nó vẫn hiện hữu ở đấy, một số địa chỉ cũ vẫn còn như khách sạn, nhà thờ, tiệm cơm Mỹ Tâm... và nó bình lặng, chứ không tấp nập đông vui xô bồ như một thời...

Hồi ấy ngã ba Hoa Lư đúng nghĩa là ngã ba chứ không như bây giờ là ngã tám ngã chín rồi. Ở đấy có một cửa hàng ăn uống của Nhà nước, sau thành hợp tác xã ăn uống, cán bộ công chức loanh quanh đấy rất hay ra ăn sáng, cà phê, mà từ hồi ấy là tô ly điếu. Đạt đến đẳng cấp tô ly điếu mỗi sáng là loại có máu mặt rồi. Tô ly thì biết rồi, điếu là điếu thuốc. Ăn xong tô phở, khuấy ly cà phê xong xuôi rồi châm lửa đốt một điếu Capstan lơ mơ nhìn đời qua làn khói, trời ơi, hình mẫu đại gia một thời đấy.

Nhưng ấn tượng với tôi về cái ngã ba này là những tối mùa khô, tức là mùa lạnh. Sương mù giăng kín. Mấy cái bếp lò đỏ lửa, bên bếp một cô gái, trên bếp một cái chảo, hoặc cái mâm nhôm, trên ấy là chuối chiên, khoai lang chiên hoặc xôi chiên. Trong sương, những đốm lửa này ấn tượng vô cùng. Giờ có thể gặp lại hình ảnh này nếu lên Tam Đảo ở lại đêm. Khuya đói bụng, vài gã trai lững thững ra ngồi hơ tay ăn vài cái bánh ấy, tán dăm câu với cô gái, rồi về yên tâm ngủ. Hôm nào rủng rỉnh hơn thì có một cụ bà ngồi bán trứng vịt lộn. Lại cũng ba bốn ông ngồi quanh ngọn đèn hột vịt, suỵt soạt húp húp nhai nhai vài quả trứng, chuyện bâng quơ với bà cụ, rồi cũng yên tâm về ngủ. Sang hơn nữa thì dấn lên đầu đường, ở đấy có một quán phở. Đợi khuya tí, khi xương hết tác dụng rồi thì vào, ông chủ sẽ dùng cái vợt vớt hết các thứ xương xẩu ninh từ hồi nảo hồi nào, thịt rớt đi đâu hết. Nhưng các đầu sụn của xương thì tuyệt vời. Hoặc ngồi tại đấy, hoặc làm một cặp lồng về, gặm gặm mút mút qua đêm. Món này dân nhậu hay gọi xíu quách, còn nôm na gọi là đồ bốc mả. Hồi ấy sương còn nhiều lắm. Khuya, ngã ba Hoa Lư đục nhờ nhờ rất liêu trai. Người đi trong màn sương ấy còn hơn cả liêu trai, thành liêu... gái...

Thời gian dâu bể, dẫu ở đây chưa dâu bể, mới mười mấy năm, mà Pleiku giờ đã khác quá thể. Trong cái hiện đại hôm nay, vẫn nhoi nhói những ký ức xưa cũ. Và đấy mới chính là con người. Bởi nếu không còn ký ức, con người còn lại gì nhỉ?...

Sáng nay co quíu trong một quán cà phê vỉa hè, nhấm giọt cà phê vọng vang trong đáy cốc, giữa lãng đãng sương mù, thấy như ngày xưa đang... trở lại...

Bài và ảnh VĂN CÔNG HÙNG


Ý kiến của bạn