Vài ngày sau khi Nghị viện châu Âu (PACE) thông qua nghị quyết kêu gọi FIFA tiến hành lại việc chọn lựa quốc gia đăng cai World Cup 2022 do có quá nhiều nghi vấn xung quanh việc “thắng cử” của Qatar, nhật báo Sports Mail (Anh) đã công bố kết quả điều tra về khoản chi phí khổng lồ mà quốc gia dầu mỏ này bỏ ra - bao gồm cả các hợp đồng thương mại hợp pháp – trong quá trình vận động đăng cai World Cup hồi năm 2010.
Ở vòng bỏ phiếu sau cùng của các thành viên ban chấp hành FIFA, Qatar đã vượt qua một ứng viên nặng ký là Mỹ với số phiếu áp đảo 14/8, chính thức được trao quyền đăng cai kỳ World Cup vào năm 2022. Đây là “kết quả tất yếu” theo nhận định của Sports Mail sau khi Qatar đã hào phóng chi tổng cộng 17,2 tỉ bảng Anh, trực tiếp lẫn các phương thức gián tiếp khác, cho các cá nhân có thẩm quyền trong việc quyết định này.
Nhiều triệu bảng Anh được chi bằng tiền mặt cho một lượng lớn các quan chức bóng đá, tất cả đều có nguồn gốc bí ẩn từ các quỹ được điều hành bởi hoàng thân Mohammed bin Hammam, cũng là thành viên ban lãnh đạo LĐBĐ Qatar. Tất cả được phơi bày trong một tài liệu được công bố cách đây ít ngày có tên gọi The Ugly Game (Trò chơi xấu xa) do hai nhà báo Heidi Blake và Jonathan Calvert cất công điều tra.
Qatar hiện là quốc gia giàu nhất thế giới tính trên thu nhập bình quân đầu người và khoản chi phí 17,2 tỉ bảng chỉ là một góc rất nhỏ trong ngân sách 132 tỉ bảng mà nước này dự định dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc đăng cai World Cup.
Theo kết quả điều tra, cựu danh thủ, đương kim chủ tịch UEFA Michel Platini nhận khoảng 14,72 tỉ bảng. Số tiền cực lớn này không vào túi ông mà thông qua hợp đồng mua sắm máy bay Airbus (do Pháp sản xuất), chuyển nhượng CLB Paris Saint-Germain, thành lập hãng truyền thông beIN SPORTS, mua bản quyền truyền hình giải VĐQG Pháp (Ligue 1)… Đây là kết quả cuộc gặp gỡ tháng 11-2010 giữa Hoàng thân Sheik Tamin, tổng thống Pháp lúc ấy Nicolas Sarkozy và Michel Platini, với kết quả là quyết định ủng hộ của Platini dành cho Qatar ở cuộc bỏ phiếu tại FIFA dù cựu danh thủ người Pháp thừa nhận không phải chịu bất cứ áp lực nào.
Cũng ở cương vị quan trọng tương tự Platini, vị chủ tịch LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL) quốc tịch Paraguay Nicolas Leoz “nhận” khoảng 1,33 tỉ bảng thông qua hợp đồng cung cấp năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ) mà Hoàng thân Sheik Hamad và Tổng thống Paraguay Fernando Lugo ký kết ngày 18-8-2010.
Các nhân vật liên quan khác:
* Worawi Makudi (Thái Lan): Nhận 1,23 tỉ bảng cho một hợp đồng cung cấp khí đốt mà các bên chức năng của Qatar và Thái Lan ký kết ngày 16-8-2010 tại Doha.
* Angel Maria Villar Llona (Tây Ban Nha): Vị chủ tịch LĐBĐ này được quy trách nhiệm cho 150 triệu tiền “lại quả”, được ghi nhận bằng hợp đồng tài trợ của hãng hàng không Qatar Airways cho CLB Barcelona.
* Các quan chức của LĐBĐ châu Phi: 99 triệu bảng
* Julio Grondona (Argentina): 59 triệu bảng dùng thanh toán các khoản nợ của LĐBĐ Argentina và chi phí tài trợ cho trận giao hữu Argentina-Brazil tháng 11-2010 tại Doha.
* Ricardo Teixeira (Brazil): Khoản tiền 6,7 triệu bảng được hiểu là phần tài trợ các trận giao hữu của đội tuyển Brazil.
Được biết, lá phiếu thứ 14 bầu cho Qatar đến từ Senes Erzik, một quan chức cấp cao của LĐBĐ Thổ Nhĩ Kỳ, mà thủ tướng của quốc gia này được biết đến như là một người bạn thân thiết của Hoàng gia Qatar.
Đông Linh (theo Sports Mail)