Hà Nội

Plasma lạnh - 1 trong 5 bước tiến mới của nền y học thế kỷ 21

18-12-2017 10:23 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, các nước tiên tiến trên thế giới đã tập trung nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng plasma lạnh trong các lĩnh vực như y sinh, hóa học...

Các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng cho thấy sự an toàn, hiệu quả diệt khuẩn và làm liền vết thương rõ rệt ở bệnh nhân.

Plasma là gì?

Năm 2005, plasma lạnh áp suất khí quyển - CAP, lần đầu tiên được sử dụng để điều trị lâm sàng tại Đức, mở ra kỷ nguyên của “thuốc plasma” (plasma medicine). Khái niệm “thuốc plasma” không phải huyết tương như vẫn thường được biết trong y học mà là một ứng dụng của plasma vật lý. Từ lâu, tính năng diệt khuẩn của plasma nóng hay plasma áp suất thấp đã được biết và sử dụng rộng rãi trong vệ sinh dịch tễ và y tế. Tuy vậy, plasma nóng có thể làm hại đến mô xung quanh nên vẫn chỉ được dùng khá hạn chế trên người.

Môi trường Plasma có tác dụng diệt khuẩn và kích thích mô hạt tại vết thương.

Để phát triển các thiết bị plasma lạnh áp suất khí quyển cần sự cộng tác liên ngành của các nhà vật lý, kỹ sư, hóa học, sinh học và các bác sĩ lâm sàng. Các sản phẩm của loại plasma này như electron, ion, hoạt chất, tia cực tím và nhiệt có thể điều khiển được hoặc thay đổi cho phù hợp với các ứng dụng.  Để ứng dụng trên con người yếu tố “an toàn” phải được đặt lên hàng đầu có nghĩa các thành phần của plasma phải tiêu diệt mầm bệnh một cách hiệu quả, kích thích liền vết thương nhưng đồng thời phải không gây ảnh hưởng xấu đến mô lành.

Hiện nay, có 3 hướng tiếp cận để tạo ra những thiết bị plasma lạnh này: Các nguồn plasma trực tiếp, nguồn plasma gián tiếp và một hướng tiếp cận mới là nguồn hỗn hợp (có ưu điểm điều trị diện rộng và hiệu quả với cả vết thương phức tạp). Nguồn plasma hỗn hợp cho phép thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, phức tạp và giá rẻ. Do tập trung nhiều nguồn lực nghiên cứu, plasma y tế đã có sự phát triển vượt bậc cả về khoa học và công nghệ, an toàn, hiệu quả mang lại nhiều triển vọng trong y học và lợi ích cho người bệnh.

Các ứng dụng của plasma

Ứng dụng của plasma trong điều trị các vết thương cấp tính như bỏng, vết mổ, vết thương mới; các vết thương mạn tính như loét đái tháo đường, loét do tì đè, loét do nằm lâu…; ứng dụng trong da liễu để điều trị nấm, chàm...; các ứng dụng trong thẩm mỹ chữa mụn trứng cá, điều trị các vết chàm, sau phẫu thuật thẩm mỹ, sau các thủ thuật thẩm mỹ, làm đẹp,...

Bên cạnh đó, plasma còn ứng dụng để làm liền vết thương: Quá trình liền vết thương tại các vết thương mạn tính thường bị ảnh hưởng bởi quá trình viêm. Vấn đề màng sinh học tại vết thương mạn tính dẫn tới vết thương lâu liền, không liền đang làm đau đầu các bác sĩ lâm sàng. Hiện nay có rất ít phương pháp có khả năng loại bỏ được màng sinh học. Hơn nữa, vấn đề kháng kháng sinh đang ngày càng là thách thức cần phải được giải quyết trong thế kỷ 21. Tuy  nhiên, những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng plasma lạnh có phổ diệt khuẩn rất rộng đã được nghiên cứu rộng rãi và chứng minh hiệu quả trên lâm sàng.

Hơn nữa, do tính chất vật lý của plasma nên khả năng hình thành kháng khuẩn hầu như không xảy ra. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, thiết bị plasma lạnh đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng và được hội đồng đạo đức cho phép tác động trực tiếp lên con người (Đức, Nhật Bản, Pháp, Mỹ,...). Cho đến nay, nhiều công bố khoa học cho thấy tia plasma lạnh điều trị làm liền vết thương hiệu quả cao và không gây hiệu ứng phụ. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được tiến hành đều khẳng định plasma lạnh là một kỹ thuật mới trong điều trị vết thương. Thử nghiệm lâm sàng trên 3.500 bệnh nhân mang lại hiệu quả cao và được công bố rộng rãi trên nhiều tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới.


ThS.BS. Đỗ Đình Tùng
Ý kiến của bạn