Phút trải lòng của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng

03-09-2021 21:26 | Y tế
google news

SKĐS - Cơ sở cách ly tập trung người mắc COVID-19 không triệu chứng của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân. Các lực lượng làm nhiệm vụ đang nỗ lực theo dõi, hỗ trợ giúp các bệnh nhân sớm hồi phục.

Xã phường vừa là 'pháo đài' chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dânXã phường vừa là "pháo đài" chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân

SKĐS - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của nhiều người, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương như: người nghèo, người lao động tự do… Hiện nay, việc tăng cường công tác an sinh xã hội đã góp phần hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do dịch COVID- 19.

"Chiến đấu" vì sức khỏe nhân dân

Tâm sự của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 2.

Cơ sở cách ly tập trung người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng.

Để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trong toàn tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thành lập Cơ sở cách ly tập trung người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng với quy mô 500 giường (đặt tại Trường Cao đẳng nghề số 23) (T2-F0) và đưa vào hoạt động từ ngày 23/8.

Trong tuần đầu kích hoạt, mỗi ngày cơ sở cách ly T2-F0 tiếp nhận từ 25-30 ca bệnh. Đa số bệnh nhân không triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ như ho, sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi.

Tâm sự của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác triển khai hoạt động tại cơ sở cách ly điều trị tại Trường Cao đẳng nghề số 23.

Thiếu tá Nguyễn Trung Giang, Trưởng cơ sở cách ly T2-FO cho biết, đơn vị đang tiếp nhận, điều trị cho 199 bệnh nhân F0 không triệu chứng. 52 cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế được phân công làm nhiệm vụ. Trong đó, lực lượng quân đội, dân quân tự vệ là 25 người và lực lượng y tế là 27 người trực thuộc BV Trường Đại học Y Dược Huế và Trung tâm y tế thị xã Hương Thủy.

TS Trần Xuân Thịnh, Phó Trưởng Khoa Gây mê - Hồi Sức - Cấp cứu - Chống độc, BV Trường Đại học Y dược Huế cho biết, đoàn y tế chúng tôi là đoàn đầu tiên tham gia công tác thu dung điều trị bệnh nhân tại đây. Bởi vì là nhóm đầu tiên nên cũng có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc, nhưng chúng tôi cũng đã từng bước khắc phục dần các thiếu sót.

Tâm sự của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 4.

Các bác sĩ tiến hành thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho các bệnh nhân.

Theo TS Thịnh, quá trình theo dõi điều trị các bệnh nhân, các bác sĩ và điều dưỡng được phân công cụ thể theo từng nhóm nhằm đảm bảo luân phiên trực 24/24 để nhận bệnh nhân từ các nơi chuyển đến và xử trí các tình huống cấp cứu khi có yêu cầu. Tất cả quy trình tiếp đón, phân loại, chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đánh giá tiêu chuẩn ra viện đều được thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ Y tế.

"Chăm sóc và động viên tinh thần để bệnh nhân yên tâm hợp tác điều trị, vượt qua bệnh tật là một nhiệm vụ rất quan trọng. Ngoài theo dõi triệu chứng trực tiếp 2 lần mỗi ngày, chúng tôi cũng đã kết nối điện thoại, zalo với các bệnh nhân để kịp thời trao đổi, hướng dẫn và động viên bệnh nhân. 

Các poster hướng dẫn về tự chăm sóc và theo dõi triệu chứng, số điện thoại bác sĩ và điều dưỡng cũng được dán sẵn tại bệnh phòng, để bệnh nhân dễ dàng liên hệ", TS Thịnh cho biết.

Ngày Tết Độc lập đặc biệt

Tâm sự của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 5.

Niềm tin về một ngày chiến thắng đại dịch COVID-19.

Ngày Tết Độc lập năm nay của những chiến sĩ quân đội, nhân viên y tế tại cơ sở cách ly T2-F0 cũng trở nên rất đặc biệt, khi họ đang là lực lượng tuyến đầu chống dịch giống như hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu khác trên cả nước đang xông pha chống dịch, giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19.

"Bữa ăn trưa ngày Tết Độc lập của chúng tôi năm nay được hỗ trợ bởi các bác mạnh thường quân với suất cơm sườn, ly nước cam vắt. Có lẽ đó là một trong những bữa ăn đáng nhớ nhất của anh, em chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được ở đó là sự chia sẻ yêu thương, tình cảm của những tấm lòng đến với những tấm lòng", TS. Trần Xuân Thịnh tâm sự.

Tâm sự của những "chiến sĩ" trong khu cách ly bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 6.

Các cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị các bữa ăn hàng ngày cho các công dân.

Thiếu tá Nguyễn Trung Giang cho rằng: "Nghỉ lễ năm nay khác với mọi năm khi cả nước đang tập trung cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Mỗi khu cách ly là một trận địa. Tất cả cán bộ, chiến sĩ ở đây đều quyết tâm hoàn thành tốt công việc và trách nhiệm của một người lính mà Đảng, quân đội giao phó".

"Niềm vui lớn nhất đối với chúng tôi lúc này đó là khi các ca mắc COVID-19 không còn nữa, các công dân đang điều trị ở đây có kết quả xét nghiệm âm tính, hồi phục khỏe mạnh để được trở về địa phương", Thiếu tá Giang chia sẻ.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Quyết không để xuất hiện thêm ổ dịch mới, Hà Nội yêu cầu chỉ cá nhân “được phép mới ra đường”




Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn