Phút trải lòng của bác sĩ hơn 30 năm “ngụp lặn” trong ngành hồi sức

19-09-2018 09:49 | Y tế

SKĐS - Hồi sức tích cực hay ICU cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây vì liên quan đến vụ việc bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử đã tử vong khi nằm điều trị tại khoa này. Vậy ICU là nơi điều trị bệnh nhân như thế nào? Cùng Suckhoedoisong.vn tìm hiểu về công việc thường ngày của những người làm Hồi sức tích cực để hiểu và chia sẻ phần nào với họ.

Khoa Hồi Sức tích cực được coi là khoa bệnh nhân nặng nhất là chiến tuyến cuối cùng trong trận chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân. Chẳng thế mà GS.TS Nguyễn Gia Bình – Nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai người đã gắn bó với “chiến tuyến” này hơn 30 năm tâm sự, đây là “chiến tuyến căng thẳng nhất của bác sĩ”. Có lẽ cũng vì thế mà 5 năm nay khoa rất khó để tìm được bác sĩ về làm.

Được may mắn cùng GS. Bình và các bác sĩ khoa Hồi Sức tích cực “đi buồng” trong một buổi sáng, trước mắt chúng tôi là vài chục bệnh nhân với cơ man nào là máy móc, dây sợ quấn quanh người. Điều dưỡng thì luôn chân luôn tay kiểm tra bệnh nhân này, quay sang bệnh nhân khác nhanh thoắt và thành thạo. Bác sĩ thì hội chẩn, ra y lệnh bàn bạc phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân…Không khí ở phòng điều trị lặng lẽ nhưng khẩn trương, hối hả…

Bệnh nhân viêm tụy cấp nhẹ may mắn được cứu sống

GS Bình liên tục nhấn mạnh, ở đây chúng tôi làm việc liên tục   từ sáng tới tối và gần như không có giờ nghỉ. Bởi bệnh nhân đã vào đây đều là những bệnh nhân có khi cơ hội sống chỉ còn 1%. Với cường độ và áp lực công việc như vậy, rất ít bác sĩ có thể chịu được và có lẽ vì thế mà nhiều bác sĩ trẻ đã “e dè” hơn khi về các khoa hồi sức cấp cứu.

Chỉ tay về một bệnh nhân bị viêm tụy cấp, sau 1 tuần được các bác sĩ giành giật từ tay thần chết với tiên lượng hiện nay vẫn rất mong manh, GS. Bình nói, nếu như ở Mỹ hay các nước phát triển khác, có 1 điều dưỡng phục vụ 1 bệnh nhân / 8 giờ, liên tục 24/24 thì tại Khoa chỉ có 15 điều dưỡng/ mỗi ca  8 giờ  “cõng” hơn 40 bệnh nhân. Ngoài công việc chuyên môn Điều dưỡng còn phải chạy đi chạy lại làm các thủ tục thanh toán, lĩnh vật tư, lấy dịch lọc, lĩnh thuốc… cho người bệnh.

Mặc dù vậy, các bệnh nhân vẫn được chăm sóc đầy đủ, được điều trị những điều kiện thuốc men vật tư máy móc tốt nhất. Và bởi nằm ở phòng đặc biệt để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân nên người nhà cũng chỉ được vào thăm chốc lát, nếu cần gì điều dưỡng sẽ ra thông báo, còn lại các công việc phục vụ người bệnh do nhân viên y tế đảm nhận. Họ quá bận rộn và mệt mỏi nên có người muốn chuyển đi nơi khác.

Một bệnh nhân nặng đang phải chạy Ecmo tim phổi tại khoa HSTC

GS Bình cũng cho biết thêm, bác sĩ chọn chuyên ngành hồi sức tích cực ở bất cứ tuyến nào cùng đều vất vả và trách nhiệm nặng nề. Đặc biệt là các khoa Hồi sức tích cực ở tuyến cuối- nơi các bệnh nhân nặng nhất được chuyển về.  Vì thế hiện nay “bác sĩ thì muốn chuyển việc còn điều dưỡng cũng muốn ra đi”.

GS Bình kể “mỗi lần dư luận xôn xao lên điều gì đó về ngành y, là mọi con mắt ác cảm lại nhìn vào nhân viên y tế. ,Nhưng ít người hiểu rằng nhân viên y tế đang ngày đêm nỗ lực họ chẳng có nhiều thời gian để được nghỉ . Ngày lễ ngày tết mọi người được đi chơi, đi du lịch thì nhân viên y tế vẫn làm việc thậm chí cường độ công việc còn cao hơn ngày thường”.

Vì thế, GS Bình dí dỏm “ai về khoa, tôi đều hỏi vợ làm nghề gì, hoặc chồng làm nghề gì, có đủ kinh tế để nuôi sống (bác sĩ, nhân viên y tế - PV) hay không? Bởi thu nhập của nhân viên y tế ở đây rất thấp.  Tiếp theo là, vợ hoặc chồng có chấp nhận và cảm thông được giờ giấc làm  việc ở đây hay không?.

Gs. Bình tiếp lời : “Có người đến khoa chúng tôi rồi nói nghề y là nghề cao quý, tôi nói “chỉ cần mọi người coi chúng tôi như những người lao động bình thường là được, hãy cho chúng tôi điều kiện đầy đủ để chúng tôi phục vụ người bệnh”.

Cùng với đó, vị giáo sư đầu ngành về Hồi sức tích cực cũng băn khoăn, bên cạnh những áp lực của một ca bệnh nặng hay chuỗi ngày làm việc mệt nhoài vì chăm sóc điều trị bệnh nhân “thập tử nhất sinh” thì bác sĩ còn phải lo vấn đề BHYT, làm thế nào để không bị BHYT “xuất toán”.

“Một bệnh nhân phải lọc máu, mỗi ngày lên đến vài chục triệu. Có bệnh nhân nặng phải thay quả lọc liên tục thì bác sĩ sẽ phải thêm công việc là xem xét đối chiếu với BHYT như thế nào để cân bằng, ngoài ra còn giải thích với người nhà bệnh nhân để họ không hiểu lầm bác sĩ làm khó”.

GS. Bình cũng cho biết, để điều trị một ca bệnh mà phải lọc máu thì bệnh viện phải bù lỗ vì chi phí thuốc men, vật tư tiêu hao rất đắt. Chính vì thế ở các bệnh viện tư nhân họ không nhận các ca bệnh này bởi ngoài vấn đề kinh tế còn là vấn đề về nguồn nhân lực.

“Trong y khoa tai biến vẫn có thể xảy ra hay việc bác sĩ phải “bó tay” trước căn bệnh hiểm nghèo cũng là điều không thể tránh khỏi, vì thế bác sĩ luôn mong muốn người nhà bệnh nhân hãy chia sẻ  và công bằng hơn với các bác sĩ”, GS. Bình trải lòng.


H.Nguyên (ghi)
Ý kiến của bạn