Phút giây sinh tử

22-05-2015 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau 1 tuần nhập viện, dù biết các bác sĩ sẽ mổ cho Lan vào thứ 2 tuần tới, biết con đang được sống những giờ phút an toàn nhất, nhưng người mẹ đã đếm ngược từng giờ và không ngừng suy nghĩ về những rủi ro mà ca mổ có thể sẽ xảy ra.

Một ca bệnh khó ở bệnh viện (Phần 4)

Từ giường bệnh, Lan nở một nụ cười và cất tiếng chào bác sĩ khi thấy tôi đi qua. Em cố gắng sử dụng nụ cười để che giấu những giọt nước mắt, để mẹ em đang bị nghiền nát bởi những nỗi sợ hãi sẽ có thêm niềm tin và hi vọng.

Sau 1 tuần nhập viện, dù biết các bác sĩ sẽ mổ cho Lan vào thứ 2 tuần tới, biết con đang được sống những giờ phút an toàn nhất, nhưng người mẹ đã đếm ngược từng giờ và không ngừng suy nghĩ về những rủi ro mà ca mổ có thể sẽ xảy ra.

Ngày chủ nhật, mọi công tác chuẩn bị mổ được thực hiện từ 4 giờ chiều. Mẹ nhờ cô người nhà bên cạnh mua cho Lan hộp bánh để em ăn lấy sức trước khi đi mổ, nhưng bác sĩ lại yêu cầu Lan phải nhịn ăn nhịn uống hoàn toàn. Em được 2 cô y tá tắm và gội đầu, được đo lại mạch, nhiệt độ, huyết áp và cân nặng, thay cho Lan bộ quần áo khác sạch sẽ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khoảng 5 giờ chiều, các bác sĩ đi buồng nghe lại tim phổi và thảo luận về gây mê. Trường hợp của Lan bị suy kiệt nặng, dù đã được điều trị nâng cao thể trạng rất tích cực trong suốt một tuần, nhưng chừng đó với bác sĩ vẫn chưa đủ đảm bảo cho cuộc gây mê diễn ra suôn sẻ và an toàn. “Tôi nhận thấy cháu có sự thay đổi rõ rệt từng ngày, thấy da dẻ tốt hẳn lên, thấy cháu hay cười hơn. Bằng linh cảm của người mẹ, tôi biết ca mổ của con tôi sẽ vô cùng bất lợi, nhưng thật sự đã có những niềm tin chập chờn trong trái tim đau đớn và tuyệt vọng của tôi”, đó là nhận xét của người mẹ.

Lan rất lo lắng, nhịp tim có lúc tăng lên đến 180 lần/ phút, bác sĩ trực phải ra y lệnh tiêm một mũi thuốc để Lan bình tĩnh trở lại. Mặc dù bác sĩ đã cho dùng thuốc ngủ, nhưng Lan chỉ chập chờn, có lúc không chợp nổi mắt.

Mẹ em kệt sức vì bao đêm mất ngủ, nhưng mẹ vẫn ngồi cạnh nắm chặt bàn tay Lan, thỉnh thoảng những giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt hốc hác. Gần sáng, cô y tá trực đi thay dịch truyền đã nói với mẹ Lan: “Nhà chị rất may, ngày mai kíp mổ cho cháu đều là những bác sĩ rất giỏi. Chị cố gắng chợp mắt một lúc đi”. Người mẹ gật đầu nhưng mắt vẫn không rời đứa con gái bé nhỏ của mình, rõ ràng chị có để ý đến lời cô y tá nhưng lại không quan tâm đến giấc ngủ.

Công việc chuẩn bị mổ được thực hiện khẩn trương nhất từ 6 giờ sáng thứ 2. Y tá trực động viên an ủi Lan, đo lại mạch, nhiệt độ, huyết áp, thực hiện nốt y lệnh thuốc. Đúng 7 giờ các bác sĩ đi buồng, thăm khám lại lâm sàng, xem lại phim chụp cắt lớp vi tính, kiểm tra lại các thông số xét nghiệm. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, 8 giờ 30 sáng Lan được đưa vào phòng mổ.

Cô y tá cũng yêu cầu mẹ Lan phải ra khỏi phòng từ 6 giờ sáng, không được ở cạnh Lan nên chị cảm thấy tim mình như nghẹn lại. “Cũng may trước khi lên bàn mổ, con gái tôi thể hiện điều gì đó rất dũng cảm, nên tôi phần nào cũng yên tâm. Tôi tin trời Phật sẽ thấu hiểu cho mẹ con tôi, sẽ có một ngày tốt đẹp để các bác sĩ chữa lành căn bệnh cho cháu”, người mẹ tâm sự.

Đúng 8 giờ 30 phút, Lan được đưa vào phòng mổ, đón em là một bác sĩ gây mê hồi sức. Nằm trên bàn mổ, nhìn lên thấy đèn mổ sáng choang, bác sĩ gắn điện cực vào ngực, tay và chân của Lan, cùng với tiếng kêu tít tít như báo động của máy móc đã làm Lan hoảng sợ, nhịp tim của em lại tăng đột ngột.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bác sĩ gây mê trấn tĩnh em, rồi tiêm cho em một mũi thuốc, ông giải thích là em sẽ có cảm giác say say khoảng 5 phút. Và đúng như thế, sau 5 phút thì nghe thấy tiếng cô kĩ thuật viên gây mê báo bác sĩ là nhịp tim của Lan đã trở lại bình thường. Bác sĩ tiêm tiếp một mũi thuốc thứ hai, Lan thấy cảm giác rất lạ, bác sĩ bảo Lan cố cử động tay chân, em vẫn tỉnh táo và trí óc cố điều khiển ngón tay cử động nhưng không được.

“Yên tâm ngủ một giấc cháu nhé, để các bác chữa cho khỏi bệnh về còn đi học cùng các bạn”, đó là câu nói cuối cùng mà Lan nghe được từ bác sĩ gây mê, ông nói trong khi đang khi nắm chặt tay Lan để đưa em vào giấc ngủ…

(còn nữa)

 

Bác sĩ Trần Văn Phúc

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

 

 


Ý kiến của bạn