Hà Nội

Phút giây chợt thấu vô thường...

09-11-2017 16:06 | Y tế
google news

SKĐS - - Lâu quá em không thấy anh viết về những đêm trực cấp cứu. Em rất thích đọc về nó.- Trời đất ơi, ở đó toàn mất mát đau thương.

- Ờ... Ờ... Thì như anh nói đó, không có bùn thì không có sen. Không có những lần chết đi sống lại thì không bao giờ biết quý trọng sự sống. Em thích câu thơ anh hay trích dẫn: Phút giây chợt thấu vô thường. Cúi đầu sụp lạy dặm đường đã qua... - Có mấy ai trải qua cơn thập tử nhất sinh hiểu được hai chữ "vô thường", để rồi biết dừng lại những ham muốn, sống sâu hơn và biết ơn cuộc sống nhiều hơn? - ... Ừ thì đã lâu rồi anh không còn là người kể chuyện, những câu chuyện buồn... Nhưng nếu em muốn nghe anh sẽ kể:

- Sao con để đường huyết cao vậy? Con ăn ngày mấy cữ.

- Dạ, ba bữa.

- Con còn ăn gì thêm không?

- Dạ, con có uống trà sữa mỗi ngày với bạn.

Anh nghe xong buông tiếng thở dài. Sài Gòn buổi sáng thứ hai không khí nặng nề và ngột ngạt. Người bệnh là một bé gái 18 tuổi, xinh đẹp, đang học lớp 12, nhưng mắc bệnh đái tháo đường týp 1, khó kiểm soát và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.Chữa bệnh cứu người là sứ mệnh trên vai mỗi người thầy thuốc.

Chữa bệnh cứu người là sứ mệnh trên vai mỗi người thầy thuốc.

- Con ơi, con không được ăn hay uống thức ngọt, ngoài ba bữa chính ra. Vì đường huyết cao sẽ dẫn đến mù mắt, suy thận phải chạy thận, chưa kể bị tê yếu chân tay, dễ nhiễm trùng lở loét phải cưa chân cưa tay...

Bé gái nghe xong nhìn anh nhoẻn miệng cười rồi hỏi: Thiệt hả bác sĩ? Sao bây giờ con không thấy gì hết vậy?

- Lần nào con tái khám, bác cũng nói ra rả mà con không chịu nghe. Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ mà.

- Tại con còn nhỏ, con phải đi chơi với bạn chứ bộ? Chẳng lẽ con cứ uống nước suối hoài sao?

Thật sự là khó. Khó nhất của người bác sĩ không phải cho thuốc điều trị, mà là khuyên bệnh nhân làm sao để họ có thể thay đổi lối sống, thói quen ăn uống và vận động thể lực. Phần lớn người bệnh khi tới giai đoạn cuối rồi... mới thấm được lời thầy thuốc, nhưng làm sao có thể quay ngược thời gian để sống sâu, sống lành mạnh thêm một lần nữa?

- Sáng nay, con đi khám bệnh một mình à? Ba mẹ con đâu?

- Ba mẹ con ly thân 3 tháng nay rồi. Con đang sống với bà ngoại. Ba con làm quán bar, đêm thức ngày ngủ. Mẹ con đi buôn ở Campuchia.

- Vậy ai chăm sóc con?

- Con có tiền, đi ăn đâu chẳng được.

Anh hết nhìn con bé, rồi lại nhìn tờ xét nghiệm. Đường huyết 340mg/dl. Creatinin 2mg/dl. Đạm niệu 2g/24 giờ. Anh muốn buông một lời trách cứ thật đau... Nhưng anh đâu có đứng ở vị trí của ba mẹ con bé. Anh cũng đâu có trải qua những gì họ đang trải qua. Nhưng nếu sống mà cứ như vầy... Một mai con bé nằm xuống với bệnh thận mạn giai đoạn cuối hay mù mắt..., họ sẽ ân hận suốt quãng đời còn lại.

- Con nói thiệt, con buồn lắm bác sĩ ơi. Con chẳng thiết sống. Nhưng... con không đủ can đảm chết. Ba mẹ con ở với nhau 18 năm trời... bao nhiêu là... tự nhiên bỏ nhau cái rụp... Sao dễ dàng vậy hả bác sĩ?

- Ừ thì, chắc tại người ta hết duyên với nhau...

- Con nghĩ, hết duyên nhưng còn nợ. Nợ này chồng chéo nợ kia, rồi sang kiếp sau trả tiếp.

Con bé đứng lên cầm sổ khám bệnh, lau nước mắt, nói cảm ơn mình rồi ra về. Anh lại thở dài... Bao nhiêu gia đình ở thành phố này đang sống bình an hạnh phúc? Bao nhiêu gia đình đang sống trong nỗi đọa đày đau khổ? Hay do anh quá nhạy cảm trước cuộc đời vốn dĩ là như thế? Hay do anh cứ muốn người ta sống thiết tha hơn, dứt ruột ra mà sống với nhau nhiều hơn? Dù biết là chẳng có gì tuyệt đối. Chỉ tương đối thôi. Bên cạnh những gam màu hồng, màu xanh, cuộc đời còn có những gam màu rất tối, nhọc nhằn những bước chân đi...

Bệnh nhân thứ hai của anh là Nguyễn Vinh Quang, 24 tuổi, quê ở Bình Thuận, vào Sài Gòn làm phục vụ ở quán bia. Vẫn là bệnh đái tháo đường ýp 1 với mức đường huyết dao động khoảng 300-400mg/dl. Anh nhìn kết quả xong, quyết định từ chối nhận bệnh.

- Em nên khám bác sĩ khác đi. Chứ khám bệnh chỗ bác, đường huyết cứ như vầy, bác mang tiếng chết.

- Bác sĩ thông cảm đừng la em. Tại nghề nghiệp em vậy, chứ em nào muốn vậy. Không nhậu, không hút thuốc lá làm sao có việc làm, có bạn bè, có tiền gửi về cho ông bà già ở dưới quê phụ nuôi đàn em ăn học...

- Nhưng cứ như vầy sẽ có nhiều biến chứng...

- Thì sống ngày nào hay ngày đó bác sĩ. Chẳng lẽ hai ba thằng đàn ông gặp nhau đi uống nước ép và sữa chua? Mà nhậu một hai chai sao đã?

Giá như tiếng thở dài có thể làm cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Tại sao những người trẻ lại có những suy nghĩ như vậy chứ? Anh từng thấy ở những quốc gia văn minh phát triển, những người hút thuốc lá đứng hút thuốc rất cô đơn ở một góc đường nào đó. Thậm chí họ bị kì thị, hay xử phạt nặng nếu hút không đúng nơi quy định.

- Ông bà già em có tới sáu đứa con. Nhà thì có vài công ruộng làm sao mà đủ sống. Ba anh em trai của em phải lên Sài Gòn làm thuê. Rồi ba anh em trai của em lại lấy vợ, lại sinh ra sáu người con. Rồi... Không có ruộng vườn, không được ăn học tử tế... Rồi lại cái vòng lẩn quẩn... Nhưng biết làm sao khác hơn hả bác sĩ? À... Có thể khác hơn nếu trúng số. Ngày nào em cũng mua vé số!

Lại một tiếng thở dài... Khi người ta không có gì trong tay, người ta sẽ trông đợi vào sự may mắn, đúng không em? Đó chỉ là hai bệnh nhân đầu tiên trong buổi sáng của anh, em còn muốn nghe nữa không?...


BS. Bảo Trung
Ý kiến của bạn