Trước đó, ngày 20/4/2016, một bệnh nhân nam 20 tuổi bị tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng máu tụ dưới màng cứng bán cầu phải, dập não. Dù được các bác sĩ tận tình điều trị, nhưng bệnh nhân vẫn khó qua khỏi. Sau khi bệnh nhân được xác định đã chết não, không ai bảo ai, như một quy trình định sẵn, từ Hồi sức Ngoại Thần kinh đến Hồi sức cấp cứu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), phòng Công tác xã hội... bắt đầu công việc đầy cam go và nhạy cảm: tiếp cận và thuyết phục gia đình người chết não hiến tạng cho những bệnh nhân suy tim, suy thận, suy gan ….đang từng ngày giành giật sự sống. Song song với quá trình đó, khoa Hồi sức tiếp tục theo dõi chặt chẽ để bảo vệ chức năng cho các tạng của người chết não.
Nỗ lực
Sau đó, những buổi nói chuyện đồng cảm, chia sẻ về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tạng cứu người với gia đình có người chết não nằm kín trong lịch làm việc của Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 3 ngày, gia đình người chết não đã đồng ý hiến tạng. Niềm vui vỡ òa lan tỏa đến tất cả các thành viên của ekip như tiếp thêm động lực để họ chuẩn bị bước vào 1 hành trình mới: hành trình kết nối cho 6 sự sống được hồi sinh.
Căn cứ vào những kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân trước đó, TS BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy phân tích cặn kẽ từng trường hợp để tìm người nhận phù hợp. Tuy nhiên, tại bệnh viện Chợ Rẫy không có bệnh nhân tương thích với tim và gan của người cho nên TS BS Dư Thị Ngọc Thu đã báo cáo đến Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để tìm người nhận thích hợp, không để hoài phí tấm lòng của người cho cũng như làm mất đi cơ hội của những bệnh nhân cần đến 2 tạng này.
Điều phối
Ngày 26/4/2016, để cuộc ghép mang lại kết quả tốt nhất, một cuộc họp điều phối nhanh chóng được tổ chức lúc 9 giờ sáng - ngay khi đại diện Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cùng đoàn phẫu thuật có mặt tại bệnh viện Chợ Rẫy. PGS TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo 20 phòng, khoa, đơn vị. Sau khi nghe trình bày về tình trạng tổng quan hiện tại của người cho, các tạng sẽ hiến cũng như công khai minh bạch tên tuổi trình trạng bệnh và các điều kiện hòa hợp giữa người sẽ được nhận-và người hiến tạng, Ban Lãnh đạo bệnh viện Chợ Rẫy đã kiểm tra, rà soát lại từng y cụ cũng như quy trình và nhân sự của mỗi ekip, chuẩn bị từng bước cho các quy trình từ ekip lấy gan, đến ekip lấy tim, thận và giác mạc. Song song đó, nhằm đảm bảo cho thời gian vận chuyển diễn ra đúng tiến độ, thuận lợi cho cuộc ghép, bệnh viện đã liên hệ với lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất để phối hợp giải quyết thủ tục, hỗ trợ cho ekip vận chuyển tạng ra Hà Nội. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từng Phòng, Khoa được chỉ đạo chuẩn bị thận trọng từ y cụ cho đến các thiết bị dự phòng, các ekip cần phối hợp chặt chẽ từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc cuộc ghép này. Đúng 10 giờ, cuộc họp kết thúc sau khi thống nhất mọi quy trình.
Đúng 12 giờ, kíp phẫu thuật của bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Việt Đức bước vào phòng mổ. Sau khi chuẩn bị y cụ, phút mặc niệm tri ân người hiến tạng đã diễn ra. Trong không khí trầm lắng đó, y bác sĩ gửi lời cảm ơn đến người hiến tạng. Đúng 13 giờ: cuộc mổ nhận tạng hiến bắt đầu. Các tạng được nhận theo trình tự: tim, gan, thận và giác mạc. Đến 14h55, tim được mang ra khỏi lồng ngực người hiến, 15 giờ gan tiếp tục cũng được mang ra khỏi ổ bụng. Hai tạng này được các chuyên gia kiểm tra, bảo quản và đưa vào thùng vận chuyển vô trùng. 15 giờ 30, chuyến xe chở đoàn cùng cùng cơ quan tạng được hiến tặng nhanh chóng lăn bánh đến sân bay Tân Sơn Nhất trở về Hà Nội thực hiện sứ mệnh hồi sinh cho 2 con người. Đi cùng đoàn còn có BS Nguyễn Thái An – Trưởng khoa Hồi sức –Phẫu thuật tim cùng nhóm BS Gây mê-HS của bệnh viện Chợ Rẫy cùng tham gia vào cuộc ghép tim tại Hà Nội.
Khi ekip phẫu thuật lồng ngực và bụng rút khỏi phòng mổ thì 2 ekip khác của bệnh viện Chợ Rẫy cũng bắt đầu tiến hành nhận 2 quả thận và 02 giác mạc.
Và tri ân
Dù công việc của nhóm phẫu thuật nhận mô và cơ quan đã kết thúc nhưng nhiệm vụ của Đơn vị Điều phối chưa thể ngừng. Họ ở đó, vẫn luôn bên cạnh người hiến tạng, cẩn trọng điều phối từng bước các thủ tục pháp y, làm vệ sinh, trang điểm, thay trang phục, chuẩn bị tươm tất những gì có thể làm được cho người hiến…
Nói đến sự thành công của cuộc ghép, TS BS Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ, trước hết, chúng tôi muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình người hiến tạng. Bởi nếu không có sự hiến tặng cao cả của gia đình người cho, cuộc ghép đã không thể diễn ra, 6 sinh mạng đã không thể được cứu sống. Trái tim vĩ đại của người mẹ trong lúc đau đớn nhất đã không quên những sinh mạng cần sự giúp đỡ của gia đình mình, đó là điều mà không phải ai cũng làm được., Bên cạnh đó, sự hiến tặng này cũng sẽ không thực hiện được nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các đồng nghiệp từ các khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh đến Hồi sức cấp cứu, các khoa Cận lâm sàng: Siêu âm, Miễn dịch, Huyết học, Sinh hóa, Vi Sinh, Chẩn đoán hình ảnh, Chẩn đoán chức năng thần kinh…Phòng Công tác xã hội (đã luôn phối hợp, chăm sóc cơ thể của người hiến đồng thời an ủi, động viện và chia sẻ cùng gia đình người hiến), Phòng mổ, Phòng Hồi sức, nhân viên Bảo vệ, Công xa.., và đặc biệt là của ngành hàng không Việt Nam.
Để ngày càng có nhiều bệnh nhân được cứu sống thông qua người hiến tạng, TS BS Dư Thị Ngọc Thu cho rằng, đó là do sự hợp sức của cả xã hội, của những tập thể đã hết lòng vì người bệnh, của những tấm lòng cao cả từ người hiến tạng và gia đình – được thể hiện không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Và tấm lòng của người mẹ trên chính là 1 minh chứng tuyệt vời nhất cho sự thành công của 1 hành trình ghép tạng, mang lại sự sống hồi sinh cho 6 người bệnh vừa qua.
Hai bệnh nhân được ghép tạng là 2 bệnh nhân nam bị suy thận mạn giai đoạn cuối: H.H.T (69 tuổi – ngụ Đak Lak) và T. D.H (32 tuổi – ngụ Long An). Sau khi 2 quả thận của người hiến được chuyển đến 2 phòng mổ khác nhau, hai ekip ghép thận được bố trí trước đó đã đồng loạt ghép thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Cuộc ghép diễn ra thuận lợi bởi tinh thần làm việc rất khẩn trương, hết lòng vì người bệnh của ekip dù cuộc ghép diễn ra xuyên đêm: 1 ca kết thúc lúc 3 giờ sáng và 1 ca kết thúc lúc 4 giờ sáng hôm sau. Một tuần sau ghép, sức khỏe 2 bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện. Tái khám vào ngày đầu tuần vừa qua, tình trạng sức khỏe bệnh nhân tiến triển ngày càng tốt hơn.
Hai ca ghép giác mạc được thực hiện vào ngày hôm sau. Đó là bệnh nhân T. T.T (ngụ TPHCM. Mắt phải bị đục T3 tiến triển, thị lực 2/10; mắt trái bị sẹo giác mạc trung tâm đã 8 năm, thị lực ngày càng sa sút ) và bệnh nhân H.B.T (ngụ TPHCM, bị sẹo loạn dưỡng giác mạc, ngày càng mờ và đau nhức nhiều hơn). Một tuần sau đó, cả 2 bệnh nhân đều được xuất viện. Tái khám vào đầu tuần cho thấy mảnh ghép trong, vết mổ kín, không kích thích, bệnh nhân không còn đau nhức, thị lực đạt 2/10.