Hà Nội

“Phượt” hành xác và dưỡng tinh thần

08-05-2010 09:10 | Xã hội
google news

Không còn thích du lịch một cách thoải mái, êm ái, giới trẻ ngày nay với sở thích khám phá đã chọn cho mình những tour du lịch kiểu... hành xác.

Không còn thích du lịch một cách thoải mái, êm ái, giới trẻ ngày nay với sở thích khám phá đã chọn cho mình những tour du lịch kiểu... hành xác. Họ còn gọi đó là đi "phượt". Dân "phượt" còn có cả một diễn đàn trên mạng riêng để trao đổi, học hỏi và đánh giá, khoe những chuyến đi đằng đẵng. Dịp nghỉ lễ kỷ niệm 30/4 và 1/5, nhiều người lên kế hoạch cho những chuyến chu du xa tít tắp.

“Phượt” và chinh phục!

"Phượt" là một từ chưa có trong từ điển tiếng Việt nhưng nó đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là những người có đam mê khám phá các vùng đất xa xôi. Người đi "phượt" không chọn những cung đường đơn giản với đường quốc lộ thẳng băng, các nhóm phượt xe máy thường chọn điểm đến là những bản làng xa xôi vẫn còn giữ được nếp sống nguyên sơ, nơi ít khách du lịch đặt chân tới. Đó có thể là vùng rừng núi Tây Bắc hùng vĩ hay Tây Nguyên hoang dã, là những miền đất địa đầu Tổ quốc hay khúc ruột miền Trung đầy nắng gió. Và có một điều là, những chuyến đi đó vô cùng vất vả, đòi hỏi sức chịu đựng. Nhưng đối với những người ưa khám phá, những người muốn chinh phục thì điều đó lại rất thú vị.

Một lần, tôi được tham gia nhóm đi "phượt" cùng với các bạn sinh viên ở trường Đại học Văn hóa lên vùng đá Hà Giang, nơi mà rất nhiều người trẻ đến đều cảm thấy nản lòng. Chúng tôi phải chuẩn bị, đi làm thêm từ nhiều ngày trước đó để có tiền, đi du ngoạn, đi dãi nắng dầm sương và để được hưởng cái nắng, cái gió, cái khổ của người vùng cao. Nhóm chọn cho mình những chiếc xe máy (nhất thiết phải là xe máy mới thú vị) đã được sửa chữa cẩn thận, mang theo đồ sửa xe để đề phòng xe hỏng dọc đường. Lại thêm đồ ăn nhanh, tiền, máy ảnh, một số đồ cần thiết khác và nhất là không thể quên giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe là yếu tố quan trọng vào việc thành công của chuyến đi. Chúng tôi đã đi xe máy từ Hà Nội lên đến Hà Giang và để thỏa, chúng tôi đã men theo những cung đường vòng vèo, dốc ngược để chiêm ngưỡng xứ đá. Lên cổng trời Quản Bạ, theo con đường Yên Minh - Mậu Duệ, qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, đi trên những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn như những dải lụa lên cao nguyên đá, đến phố cổ Đồng Văn - Hà Giang, chúng tôi đã có những khám phá bất ngờ... Chuyến đi hết 10 ngày và hao rất nhiều năng lượng. Chúng tôi hiểu thế là nào cuộc sống vùng cao, sự khắc nghiệt và hùng vĩ của thiên nhiên. Người nào cũng thấm mệt, nhưng cảm thấy vui vẻ và tự hào vì mình đã dám đi, dám dấn thân.

 Hành trình gian khổ.

“Hành xác"

Đi du lịch theo kiểu hành xác không hề sung sướng. Có những người, sau chuyến đi trở về, người phờ phạc (dù sức khỏe tốt). Họ đã bị những mệt nhọc, vất vả trên đường đi hành cho tơi bời. Nhưng tất cả những khó khăn đó không làm họ nản lòng. Với họ, số lần tham gia chinh phục cung đường bụi bặm, hiểm trở sẽ không thể đếm xuể. Bởi, sau mỗi chuyến “phượt”, dân “phượt” thường tìm một địa điểm mới với nhiều sự mới lạ, gian truân khác để chinh phục. Cứ thế theo thời gian, số địa danh dân “phượt” đi qua sẽ tăng lên. Bạn trẻ ở miền Nam thì "phượt" chủ yếu ở là các tỉnh Tây Nguyên, ngắm trường Sơn hùng vĩ và đời sống của đồng bào dân tộc Bana, Êđê. Ở ngoài Bắc, các bạn trẻ thường lên Hà Giang, Lào Cai với điểm đến là Lũng Cú, Fanxipăng. Nhưng ngày càng nhiều các chuyến đi của các bạn trẻ tới mọi vùng miền của Tổ quốc.

Gọi những chuyến đi "phượt" là những chuyến hành xác cũng không sai vì mức độ vất vả mà nó để lại. Người đi phải đối mặt mưa gió, nắng, thậm chí lũ quét bất ngờ. Vào những ngày mùa xuân, nghỉ nhiều mọi người thường chọn cho mình được chuyến "phượt" lý thú. Mỗi chuyến "phượt" phải có sự chuẩn bị chu đáo. Kinh phí không cao so với đi du lịch bình thường do mọi người tự tổ chức và có sự chuẩn bị về ăn uống. Có thể bạn chỉ bỏ túi khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng là đủ. Mức chi phí này phù hợp với những người đang đi làm, thích khám phá những vùng văn hóa. Hơn nữa, giới trẻ bây giờ đã chán những tour du lịch gần, nhàm chán.

Bạn Trần Ngọc Trung thành viên trong một nhóm “phượt” chia sẻ: "Nếu tổ chức những chuyến đi gần, lại bằng ôtô thì từ nhỏ đã đi chán rồi. Đến con gái cũng thấy chán. Cho nên với sở thích là đi cho biết, để thu lượm ảnh đẹp và để hiểu cuộc sống vùng sâu vùng xa hơn. Đi thì khó khăn đấy, nhưng đó là những lúc thể hiện tình bạn, tình đoàn kết và khả năng chịu đựng của mỗi người. Nếu trụ được thì sức khỏe cũng được rèn luyện. Nói chung là thú vị".

 Vất vả, thiếu thốn nhưng chan chứa niềm vui. Ảnh: PV

Dưỡng tinh thần

Nhóm Friendly của những cựu sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thích chinh phục miền Trung bằng những chuyến đi vào mùa xuân, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Trước đó, họ chuẩn bị tâm lý, tiền bạc và đến mồng Ba thì xuất hành. Trước khi đi, họ hát bài "Nối vòng tay lớn" để có thêm khí thế, rồi tất cả xuất phát từ một quán cà phê ở phố Kim Liên. Dọc đường đi, họ dừng chân nghỉ ở những nơi thích hợp và nhất là ở điểm du lịch nào gần với đường đi. Năm nay được nghỉ khá dài, họ dự định "tấn công" lên Tây Bắc để được thỏa chí nơi rừng sâu nước thẳm. "Số thành viên tham gia nhóm “phượt” (cả nam lẫn nữ) là 12, có năm lên đến 18 người. Và dứt khoát phải dùng xe máy phân khối lớn, dễ đi và dễ sửa để du hí" - Trưởng nhóm Đào Văn Đạt nói. Bạn Hồng Hà của nhóm Friendly tỏ ra không kém cạnh: "Tuy là nữ giới, nhưng mấy người bạn nữ chúng tôi đều muốn "hành xác" vào bất cứ mùa nào. Để các bạn nam khỏi nói là... phái yếu. Tôi muốn chứng tỏ phái nữ cũng có nhiều người tiềm tàng khả năng chinh phục, thích du lịch mạo hiểm, trèo đèo lội suối, thậm chí là... ăn hang ở lỗ". Bạn Hà Lan Anh cho biết: "Sau mỗi chuyến “phượt” thì mình thấy được "refresh" hoàn toàn. Mỗi chuyến đi cực kỳ vất vả nhưng niềm vui thì chẳng thể nào nói hết được. Mình thấy được gột sạch những lo toan, mệt mỏi trong cuộc sống xô bồ của thành phố. Cho nên, mỗi năm mình "phượt" ít nhất là 3 đến 4 lần".

Rắc rối dọc đường

Dân "phượt" không chỉ phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết, về địa hình mà họ còn phải đối diện với những yếu tố khác. Ví như xe hỏng, những hiểm họa rình rập như tai nạn xe, tai nạn khi leo đồi núi, bị trấn lột, cướp bóc... Tất nhiên, những người đã dám đi đều là những người dũng cảm, chẳng quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Nhưng có những vấn đề nằm ngoài dự kiến của họ. Để cho mỗi chuyến đi được vui vẻ, an toàn và thắm tình đoàn kết, mỗi nhóm đông đều phân chia nhiệm vụ cho mỗi người. Ai lo lịch trình, ai lo chụp ảnh, quay phim, ai lo hậu cần, sửa chữa. Mỗi người sẽ được phân chia công việc tùy theo khả năng.

Đến những nơi khó khăn, heo hút, hiểm trở là nỗi đam mê của giới trẻ. Tất cả những nơi mà người khác không hoặc ít khi đến, những nơi mà dân du lịch bình thường không dám bước chân vào thì dân "phượt" quyết chinh phục. Tuy nhiên, cùng với nỗi đam mê đó, càng dấn sâu vào các bản làng xa xôi thì khả năng gặp tai họa càng lớn. Để tránh những hệ lụy khôn lường xảy ra, dân "phượt" cần phải luôn cảnh giác, đề phòng sự cố phát sinh trong suốt chuyến đi du lịch bụi của mình.

Văn Học


Ý kiến của bạn