“Phượt” bên núi lửa Gia Lai

08-04-2019 10:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Vào dịp xuân, các thành phố trên miền cao Tây Nguyên lại nô nức tổ chức các lễ hội, tôn vinh những đặc sản của địa phương.

Đà Lạt có lễ hội hoa. Bảo Lộc có lễ hội trà. Ban Mê Thuột có lễ hội cà phê. Riêng TP. Pleiku lại tổ chức lễ hội hoa dã quỳ - một loài hoa tình yêu của các chàng trai Gia Rai và Ba Na. Lễ hội được tổ chức dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya - nơi được coi là nguồn đất sinh ra loài hoa này, mênh mông một màu vàng như nắng xôn xao.

Biển hồ - núi lửa chìm

Đoàn chúng tôi đi quanh co mấy con đường cao nguyên, chừng 7 cây số về phía Tây Bắc, Biển hồ hiện ra trước mắt. Hoa và hoa bừng nở. Dã quỳ còn vương lại vẫn vàng thắm một vùng trời. Một không gian náo động khu vườn bao quanh hồ xanh mát. Bản nhạc Đôi mắt Pleiku quen thuộc vang lên nghe mãi không biết chán. Có chàng trai tự bắc loa ra hát ngay trên nẻo đường đi xen giữa Biển hồ. Anh ta hát say sưa và rạo rực cảm xúc. Mọi người xúm quanh nhảy theo. Hưng phấn quá, các bạn trẻ vừa nhảy vừa hát như những chàng trai Gia Rai, cuồng nhiệt đam mê. Họa sĩ Lê Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai) kể, người Gia Rai gọi Biển hồ là hồ T’nưng, tức là biển trên núi. Hồ rộng tới gần 230ha. Nếu vào mùa mưa, Biển hồ đầy lên, rộng gấp đôi. Mênh mông. Gió rừng ào tới. Sóng hồ cuồn cuộn như ngoài biển vậy.

Các nhà địa chất đã khảo sát và đưa ra kết luận rằng, chu vi miệng Biển hồ bằng đúng miệng núi lửa đã chết cách đây hàng trăm triệu năm. Đó là một núi lửa phun trào dung nham tạo nên một vùng đất đỏ bazan rộng khắp. Chung quanh tỉnh Gia Lai có hàng trăm núi lửa to nhỏ khác nhau phun trào. Nhưng núi lửa chìm (âm) tạo nên Biển hồ là lớn nhất. Khi núi lửa bị tắt, cả một vùng rộng lớn bị sụt lún, đẩy dòng dung nham tràn qua những vùng đất non hơn. Biển hồ có nơi sâu tới 40m. Trung bình có chỗ chỉ sâu chừng mươi mét. Càng gần vào bờ, độ sâu càng ít hơn nhưng nước luôn trong xanh. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến đây đúng vào mùa mưa, nước trong vắt. Bài hát của anh quả là ấn tượng mạnh, đúng với chất Tây Nguyên - nồng nhiệt, say mê. Đó là hình tượng đôi mắt Pleiku - Biển hồ đầy. Bắt đầu vào chừng 3 tháng cuối năm, Biển hồ vào mùa hoa dã quỳ. Vàng rực quanh hồ. Nhiều thi sĩ đến đây đều choáng ngợp trước những ánh vàng long lanh, huyền diệu, trong tiếng chim hót líu ríu trên rừng cây. Những đám mây trắng cũng chết lặng dưới ánh vàng của hoa dã quỳ bừng lên.

Cả thành phố Pleiku và những vùng lân cận đều phải dùng nước từ Biển hồ đưa về. Một nguồn nước sạch được chắt lọc từ những khoáng chất ngọt và mát tựa suối nguồn ngàn năm. Không những thế, Biển hồ còn là vựa cá lớn cung cấp cho thành phố và còn đưa về những tỉnh Tây Nguyên xung quanh. Hàng chục ngàn người Ba Na và Gia Rai đều sống nhờ Biển hồ. Những sản vật chung quanh Biển hồ như trà, quế, ngô khoai, nhất là cà phê tạo nên hương sắc rất Pleiku, có dư vị thanh khiết, dịu đắng, để lại hương thơm trên khóe miệng. Người xưa kể, ngày đêm các cô gái, chàng trai Gia Rai và Ba Na hòa chung miền đất sống quanh Biển hồ. Họ cồng chiêng khắp núi non, hả hê với những vựa ngô, vựa cà phê. Lời ca tiếng hát luôn vang ngân cùng tiếng kèn tiếng trống, với những giai điệu tình yêu. Một bài dân ca cổ truyền gắn với đời sống quanh Biển hồ còn ghi dấu cho đến nay. Mọi người vẫn thường hát: “Nắng lên rồi, dòng suối nước trong. Đàn ong đi tìm hoa thơm nơi nơi. Nắng lên rồi, gọi ta lên rừng. Cùng hái rau về. Nào đi nhanh chân. Ta lên rừng cùng nhau hái măng. Cùng bắt cá trong dòng suối trong xanh. Nấu bát canh phần anh lên nương. Làm rẫy sớm chiều. Lòng em thương anh (dân ca Gia Rai).

Người dân tộc Gia Rai luôn coi Biển hồ là hòn ngọc của Pleiku. Trong các lễ hội, bao giờ già làng cũng kể lại câu chuyện cổ về Biển hồ một thời là nỗi kinh hoàng của dân tộc Gia Rai. Dòng người lần lượt hội tụ, bám dọc con suối trên núi cao để làm ăn sản xuất, sung túc, yên vui. Đã bao năm. Đời này qua đời khác. Nhưng ngờ đâu chỉ một đêm, mặt đất rung chuyển sụp đổ xuống vực sâu, nước tràn ngập khắp nơi, không còn ai sống sót. Mặt hồ bao la hiện lên vùi lấp cả mấy bản làng, ruộng vườn và rừng cây. Câu hát bản làng không còn nữa. Nhưng rồi sóng yên biển lặng, mặt nước hiền hòa trong xanh. Cá tôm sinh sôi nảy nở. Ríu rít chim ca. Hoa thơm bướm lượn. Những vườn hoa dã quỳ gọi mọi người đến. Người các tộc Gia Rai bắt đầu khai phá Biển hồ. Những vườn rau xanh tốt mọc lên. Bình minh lấp ló gọi vạn chài tung lưới. Cuộc sống sinh sôi trù phú. Từ đó, Biển hồ là cứu cánh cho cộng đồng Gia Rai và Ba Na hàng trăm năm qua.

Cảnh sắc núi lửa Đăng Ya.

Núi lửa nổi Hàm Rồng

Ai đến đây, miệng núi lửa Hàm Rồng (cách thành phố Pleiku chừng 10km) về phía Nam đều được nghe một chuyện kỳ thú. Rằng nếu cẩu được ngọn núi lửa này, lật úp xuống Biển hồ, sẽ vừa khít. Bởi người ta đã đo chu vi miệng của núi lửa “âm” Biển hồ vừa đúng bằng chu vi của chân núi lửa “dương” Hàm Rồng. Đó là sự thách đố hoang tưởng. Nhưng dù sao ta cũng có thể hình dung được độ lớn của núi lửa nổi nơi đây. Khi leo lên ngọn núi lửa Hàm Rồng ắt sẽ ngỡ ngàng về sự bao la của nó ở độ cao hàng trăm mét. Dưới miệng núi lửa là cả một kho báu, về màu sắc cây xanh, hoa tươi quả ngọt. Một cánh đồng bạt ngàn hoa chạy xuống thung lũng. Chúng tôi thật sự hoa mắt. Đứng ở góc độ nào cảnh sắc thiên nhiên cũng kỳ thú. Nếu ở Biển hồ đẹp và rạo rực bởi những con sóng cuộn lên bọt nước trắng xóa thì ở thung lũng cây xanh ở núi Hàm Rồng lại lung linh tựa bồng lai tiên cảnh, đua nở sắc màu.

Núi lửa Hàm Rồng lại có truyền kỳ về bi kịch tình yêu. Đó là mối tình của chàng Ralan Ly nghèo khổ và H’đrông - con gái tộc trưởng giàu có. Họ yêu nhau tha thiết. Nặng lòng thề thốt. Sống chết có nhau. Nhưng gia đình nàng H’đrông ngăn cản quyết liệt. Tộc trưởng ra lệnh giam con gái lại, không cho đôi trai gái gặp nhau. Nhưng một đêm trốn thoát, nàng H’đrông tìm gặp người yêu và rủ nhau chạy trốn. Cả hai bí mật ra đi. Nhưng họ bị đuổi gấp, đến giữa cánh rừng rậm, một cuộc hỗn chiến đã xảy ra. Tai họa ập đến. Bất ngờ một mũi tên độc bắn trúng H’đrông. Nàng gục ngã trên tay người yêu và chỉ kịp trao nụ hôn cuối cùng cho Ralan Ly rồi mỉm cười ra đi. Cả núi rừng cùng hét lên đau đớn. Ralan Ly bồng người yêu vụt đứng dậy. Người của tộc trưởng cũng đứng lặng bên rừng. Chàng bế nàng đi mãi về phía chân trời cho đến khi kiệt sức. Chàng tắt thở bên xác người yêu. Đúng chỗ này, ngọn núi Hàm Rồng mọc lên. Dân làng thương tiếc hai người và đặt tên cho ngọn núi là Chư H’đrông. Từ đó, loài hoa cỏ đuôi chồn màu tím mọc khắp triền núi. Hằng năm, vào lễ hội, hoa cỏ đuôi chồn lấm tấm tô điểm cho những rặng hoa dã quỳ thêm phần kỳ ảo.

Ta có thể hình dung, miệng núi lửa Hàm Rồng như một cái phễu khổng lồ, gió cao nguyên bạt ngàn cuộn về. Vườn cây xen lẫn hoa thơm. Nào bí, ngô, nào chuối, mía cùng bên những hàng cây xanh tươi. Những búp non bật lên như những ngọn đèn nhỏ xíu long lanh dưới nắng xuân. Điều đặc biệt với độ cao và độ dốc của miệng núi lửa Hàm Rồng thì lấy đâu ra nước mà tưới cho cả hàng trăm hécta vườn cây. Vậy mà mưa nắng tại trời. Mây gió chở che. Chả tưới tắm gì mà cây cối xanh um quanh năm. Những trái quả xum xuê. Một bức tranh thiên nhiên, không sơn thủy hữu tình như Biển hồ, nhưng lại rạng rỡ màu hoa với nhịp điệu của gió của nắng và niềm khao khát của tuổi trẻ Tây Nguyên.

Đã có dịp gặp gỡ và xem những tác phẩm của họa sĩ Lê Hùng, tôi càng hình dung không chỉ sắc màu mà còn nghe cả âm thanh đại ngàn cuồng nhiệt vang lên. Tôi mê man với sắc đẹp của cô gái Gia Rai trong bức tranh Tỏ tình. Đó là cảm xúc bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu mang tên Chư H’đrông lãng mạn và say đắm. Tôi nghe như cô gái cất tiếng hát bên chiếc đàn Đinh Gông. Lời ca mơ màng: “Tiếng hót chim Rông. Lòng em càng rộn ràng. Đàn chim đẹp sao cùng hót. Hòa tiếng ngàn vang vang...” (Anh yêu thương - dân ca Gia Rai).

Chư Đăng Ya - ngọn núi hoan ca

Chư Đăng Ya thuộc huyện Chư Pah, là ngọn núi lửa khác Hàm Rồng. Nó lại ở hướng Đông Bắc của thành phố Pleiku, xa tới 30 cây số. Nhìn từ xa, Chư Đăng Ya như cái nơm úp, chìm trong mây, trong sương. Nó dịu dàng hơn Hàm Rồng bởi hoa dã quỳ trải khắp triền núi. Hàng chục ngọn núi nhấp nhô xung quanh tạo nên cảnh sắc bí ẩn. Từng đàn cò bay lượn về phía xa. Lễ hội hoa dã quỳ được tổ chức dưới chân núi Chư Đăng Ya. Đó là lễ hội của tình yêu. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy các chàng trai, cô gái Gia Rai khệ nệ khênh ra những trái bí lớn bằng cả vòng tay người ôm. Chà! Họ nói đấy là của cải do núi lửa Chư Đăng Ya ban cho dân làng. Bí lớn, khoai to, bắp bự. Lộc trời do cái đất đỏ bazan ấp ủ. Đơm hoa kết trái. Bò ngựa đầy đàn. Như mơ vậy!

Những em bé trai nhanh nhẹn dẫn chúng tôi leo lên miệng núi lửa Chư Đăng Ya - một con đường đi nghiêng vòng quanh dần lên đỉnh. Người dân hồ hởi chào đón khi thấy chúng tôi đến dự lễ hội hoa dã quỳ của họ. Những bông hoa riềng đỏ tím lơi phơi như điểm nhấn trong những cây hoa dã quỳ vàng như nắng chói chang. Mênh mông một màu vàng. Dã quỳ nghiêng nghiêng, theo chiều gió, vui ca trong tiếng đàn K’ní réo rắt. Già làng kể, cây đàn K’ní là hồn cốt của người Gia Rai cùng cồng chiêng. Dây đàn được rung lên từ làn môi của người nghệ sĩ. Đúng là nghe như rút ruột rút gan. Tiếng đàn theo chân chúng tôi cùng leo núi. Những âm thanh vang động dưới bản làng. Bất ngờ, một đàn bướm trắng bay ào lên, từ miệng núi lửa Chư Đăng Ya, giống như một bó hoa khổng lồ cắm từ chiếc bình thiên nhiên ngời sáng. Đó là một Chư Đăng Ya mơ mộng trong vũ điệu mùa xuân Tây Nguyên.


Vương Tâm
Ý kiến của bạn