Anh cũng cho rằng, cuộc sống càng giàu có vật chất, càng nhiều máy móc tự động hóa điều khiển thì càng thiếu vắng hồn người. Những tâm hồn đang lụi tàn trong thế giới máy móc chính là căn bệnh tinh thần của thời hiện đại. Trong khi mải chạy theo cuộc đua hiện đại hóa, ta vô tình bỏ mặc tâm hồn đói khát, thậm chí ngủ yên mãi mãi. Nhiều người đánh mất hoàn toàn tâm hồn mình mà chẳng biết chẳng hay, “Bước ra ngoài ta va phải rất nhiều “bóng”, mà gặp được rất hiếm người”, Sándor Halmosi hóm hỉnh nói.
Thơ là hạt mầm sự sống
Trái với sự lo lắng của nhiều người về việc thơ ca đang lụi tàn trước sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin với trò giải trí mới sinh ra mỗi ngày, nhà thơ Hungary Sándor Halmosi bình tĩnh cho rằng, thơ chính là hạt mầm của sự sống, không việc gì phải lo lắng quá mức. Bởi thơ có ở trong chính mỗi người, là linh hồn đẹp đẽ nhất trong chúng ta, chỉ cần đúng thời điểm, gợi đúng nguồn cảm hứng, gặp một người đặc biệt, rơi vào một hoàn cảnh phù hợp thì nguồn thơ sẽ tuôn trào.
Anh cho rằng, thơ đang thay đổi và phát triển từng ngày, theo những dạng thức rất mới mẻ. Chính anh cũng đang theo một hành trình thơ ca bất tận. Trong những năm qua, Sándor Halmosi tham gia nhiều hơn những sự kiện thơ quốc tế để gặp gỡ nhiều hơn bạn thơ toàn cầu, được hòa mình trong hệ sinh thái thơ ca giàu có, đa dạng, sinh động của thế giới. Từ đó, những mạch nguồn thơ ca lạ và đẹp được va chạm, kết nối và tạo cảm hứng cho nhau để mạch nguồn thơ tiếp tục chảy mạnh mẽ. Và chính anh cũng là nhà tổ chức một Lễ hội thơ ở Đông Âu, thành lập một nhà xuất bản riêng cùng với đối tác năm 2018.
Sándor Halmosi thành lập nhà xuất bản riêng không phải để kinh doanh. Anh hầu như khá dị ứng với từ “kinh doanh” khi tôi đề cập đến vấn đề này. Đó không phải là cách anh nghĩ. Sándor Halmosi là một chuyên gia công nghệ thông tin, làm việc cho một hãng công nghệ thông tin lớn của Hungary. Ở tuổi ngoài bốn mươi, từng trải qua cuộc sống ở 3 quốc gia: Rumani, Đức, và Hungary, anh đã tích trữ khá nhiều vốn văn hóa, lại bẩm sinh quá thông minh, vừa thực tế, vừa lãng mạn và nhanh như một tia chớp trong hành động, việc xác định lối ứng xử với thơ trong anh và ngoài anh không hề theo công thức bình thường như ta nghĩ. Làm thơ và xuất bản thơ là một đời sống khác, thoát tục và không có gì phải lo lắng.
Với nhà xuất bản riêng, anh cùng đối tác của mình tạo một cuộc chơi kỳ thú, đó là “cuộc săn tìm” những hạt mầm thơ khắp thế giới. Nhà xuất bản AB Art của họ nằm trong tòa nhà cổ tại khu phố xinh đẹp mang tên nhà soạn nhạc nổi tiếng của Hungary Bartók Béla, có tiêu chí chọn lọc những hợp tuyển thơ hay nhất từ các quốc gia, dịch và xuất bản tại Hungary. Anh tin tưởng rằng, thơ hay chính là phương thuốc tốt nhất để cứu chữa những linh hồn tổn thương trong cuộc sống đầy cạnh tranh khốc liệt hôm nay. Những hạt mầm thơ mà các anh mang gieo trên cánh đồng thơ thế giới sẽ khiến thế giới xanh tươi và trở nên ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc.
“Dẫu sao, khi chúng ta đọc thơ, bình thơ, làm thơ và trao đổi ý tưởng thơ cho nhau thì hay hơn nhiều việc nói về chiến tranh, làm kinh tế, bệnh tật, béo phì hay cái chết...”, Sándor Halmosi nói. Cũng như vậy, việc xuất bản thơ hay hơn nhiều việc sản xuất vũ khí hay những món hàng độc hại khác. Anh cũng tin tưởng rằng, thế giới hoàn toàn có thể thay đổi từ những ý tưởng xem chừng nhỏ bé từ một người hết sức bình thường hay từ một hành động đầu tiên từ một người chưa từng có danh tiếng. Miễn rằng những ý tưởng đó, hành động đó là tốt, xuất phát từ một trái tim đầy lòng trắc ẩn, từ một tâm hồn bao dung và mơ mộng. Lịch sử hoàn toàn có thể thay đổi từ một con người, có niềm tin vào ý tưởng của mình và tạo nên sức mạnh từ chuỗi những hành động nhỏ bé mà kiên cường. Trường hợp Mahatma Gandhi của Ấn Độ là một minh chứng cho luận điểm này của anh.
Nhà thơ Sándor Halmosi.
Thiên đường trong chính mỗi người
Nỗi thất vọng, buồn chán, khổ đau hay thậm chí bệnh tật đều thất bại khi thử chạm tới Sándor Halmosi. Nguồn gốc của sức mạnh và tốc độ phi thường của anh chính là từ đời sống tinh thần: Anh luôn nhiệt tình làm việc, sống căng tràn năng lượng, vui đùa, tin tưởng mọi người, mọi việc và yêu thương như chính đây là thiên đường. Bất cứ người nào ở bên anh sẽ không thể buồn được. Anh cho rằng người ta không cần phải chết rồi mới được lên thiên đường. Thiên đường ở chính nơi đây, lúc này, bên trong mỗi người khi ta đang sống chân thật nhất với chính mình và mọi người.
Sándor Halmosi cũng tin rằng thế giới chúng ta đang sống thật kỳ diệu và thơ ca chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của tâm hồn người. Tâm hồn người sinh ra thơ và thơ cũng cứu rỗi những tâm hồn bị bào mòn, bị thất lạc. Chúa tạo ra thế giới và người tạo ra thơ. Hai việc đó đều vinh quang như nhau. Mỗi từ trong thơ chính là nét đẹp của tâm hồn, là nghệ thuật sáng tạo với sự phối hợp của tâm hồn và trí óc.
Nhưng Sándor Halmosi cũng thú thật, rằng anh từng yêu mãnh liệt và suýt chết vì yêu. Tuy nhiên, khi bình tĩnh lại, bước vào tuổi trung niên, anh cho rằng, anh cũng như tất cả chúng ta, chẳng có gì để mất. Nỗi sợ, bệnh tật, đau khổ đều đến từ việc chúng ta ham muốn giữ lại riêng cho mình những gì ta cho là giá trị, đẹp đẽ. Ta muốn giữ tài sản, nhan sắc, tuổi trẻ, ta cũng yêu ai đó quá và không muốn mất người đó, ta muốn giữ mãi những ký ức đẹp đẽ... Nhưng ta càng muốn giữ những gì ta cho là quan trọng với mình thì ta càng sợ mất mát và khi nỗi sợ đủ lớn, nó trở thành sự thật và ta thành tù nhân của nỗi sợ trong chính mình. Nếu muốn những gì trở nên vĩnh cửu, bạn cần để nó trôi qua. Hãy bình thản để nó trôi qua. Tình yêu, tuổi trẻ, vẻ đẹp..., hãy để nó ra đi đúng thời điểm của nó, đừng níu giữ. Bạn cần để những điều đó ra đi thì rồi một ngày nó sẽ trở lại với bạn, trong dạng thức mới.
Sándor Halmosi khẳng định rằng, trong cuộc sống tuyệt vời này, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà thơ, nhà triết lý hoặc nghệ sĩ bởi khi đó ta được sống sâu sắc nhất, thật với mình nhất, nhìn sâu và bình tĩnh vào tâm hồn mình để phát hiện chính mình, trong bản thể đẹp nhất. Cuộc sống này vốn nó đã hoàn hảo và đầy đủ mọi điều kiện cho bất cứ ai được trở thành mình, trong phiên bản chân thực và đẹp đẽ nhất.
Ở tuổi 48, Sándor Halmosi hoàn toàn không có ước nguyện được trẻ lại và sống như thời tuổi 20. Anh cho rằng mình đang ở độ tuổi vàng của một người đàn ông. Việc già đi cùng với thời gian không phải là tồi tệ hơn mà thông thái hơn, đẹp đẽ hơn và sâu sắc hơn. Bí quyết của anh là trong ngoài như nhất. Tất cả mọi người có thể nhìn rõ tâm hồn một nhà thơ như anh, giống như vị bác sĩ nhìn rõ bệnh nhân của mình trong phòng phẫu thuật. Trong bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc đời, mỗi người đều cần ra quyết định, đều cần một lựa chọn duy nhất, vậy thì sứ mệnh của chúng ta là chân thực với chính mình, là mình trong mọi nhẽ. Ai cũng hiểu điều này nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
Sándor Halmosi từng đến Việt Nam trong một festival thơ đầu năm 2019. Nơi đây ngay lập tức thu hút anh và anh muốn trở lại bởi đó cũng là cách làm giàu có hơn tâm hồn anh. Nhà xuất bản AB Art của anh cũng đang trong quá trình hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam để lựa chọn và dịch, xuất bản hợp tuyển thơ Việt Nam tại Hungary. Thơ ca Việt Nam, cách sống của người Hà Nội, sự dân dã còn lại của phong cách ứng xử, những thách thức mới của người Việt Nam trước áp lực của lối sống máy móc hiện đại và tự động hóa càng củng cố niềm tin của Sándor Halmosi, rằng anh cần tiếp tục con đường gieo những mầm thơ và nuôi dưỡng chúng như phương thuốc để cứu vớt những tâm hồn đang dần lụi tàn trong cuộc sống bị điều khiển bởi vật chất và máy móc.