Phương thức "lạ" để tiêu thụ nông sản trong đại dịch COVID-19

19-09-2021 13:21 | Thị trường
google news

SKĐS - Việc hỗ trợ, kết nối, tiêu thụ nông sản ở các địa phương trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp đã giúp người nông dân vơi bớt đi phần lo lắng và có thêm động lực để phát triển sản xuất.

Tiêu thụ nông sản qua livestreams, sàn thương mại điện tử

Phương thức "lạ" để tiêu thụ nông sản trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới các hoạt động phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, việc phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả.

Trong thời gian qua, hàng loạt các mặt hàng nông sản đã được "lên chợ mạng", tăng thêm kênh tiêu thụ trong dịch COVID-19 cho người nông dân. 

Điển hình gần đây nhất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Sở Công Thương Hà Tĩnh kết nối và tổ chức phân phối bưởi Phúc Trạch thông qua chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" và trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada...

Trong đợt thu hoạch rộ nhất, mặt hàng nhãn lồng Hưng Yên cũng đã được hỗ trợ tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Sendo. Trước đó, mặt hàng chủ lực vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương cũng đã tiêu thụ rất tốt qua kênh thương mại điện tử. Với việc đưa vải thiều chất lượng lên "chợ mạng", hàng ngàn tấn vải đã được tiêu thụ, hỗ trợ người nông dân tìm thêm kênh bán hàng mới.

Phương thức "lạ" để tiêu thụ nông sản trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bưởi Phúc Trạch bán trên sàn thương mại điện tử với giá từ 30.000-70.000 đồng/quả

Với vai trò quản lý nhà nước về TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông qua TMĐT. Cụ thể như việc lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các tỉnh thành trong thời gian giãn cách, cũng như đề xuất các địa phương tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên giao hàng TMĐT được phép hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục đã có những báo cáo, đề xuất kịp thời với Ban chỉ đạo, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo lưu thông hàng hóa, trong đó có mặt hàng nông sản và rau củ quả tươi sống.

Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, về hoạt động phát triển thị trường TMĐT, từ cuối năm 2019 với mục tiêu hỗ trợ các phát triển sản phẩm Việt, hàng hoá của doanh nghiệp Việt trên các sàn TMĐT, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post - sàn TMĐT Voso) và sàn TMĐT Sendo để xây dựng "Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" trên các sàn TMĐT. Đây cũng là hoạt động triển khai Cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" do Bộ Chính trị phát động đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ những năm vừa qua.

Hiện chương trình đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tiếp tục mở rộng ra các sàn TMĐT lớn khác Tiki, Postmart, Shopee và Lazada với các hình thức triển khai khác nhau, được sự ủng hỗ và hỗ trợ của lãnh đạo các tỉnh, Sở ban ngành và doanh nghiệp ở địa phương.

Qua thời gian gần 1 năm chính thức vận hành tổ chức hoạt động kết nối TMĐT ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh . . . hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã được tiếp cận và phổ biến về chương trình, hiện tại có hàng trăm sản phẩm được lựa chọn kỹ lưỡng đã được đưa lên "Gian hàng Việt trực tuyến". Hiện tại độ phủ của chương trình đã rất rộng và được cộng đồng doanh nghiệp khắp các tỉnh, thành đánh giá cao.

Thành lập "tổ kết nối nông sản"

Phương thức "lạ" để tiêu thụ nông sản trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Combo 10kg/túi nông sản với giá 100.000 đồng tại TP.HCM đã và đang có sức lan tỏa lớn.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời có những sửa đổi cho phù hợp với thực tế, giúp đường đi của vật tư nông sản, hàng hoá nông sản… đã được thông thoáng. Trong thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam (Tổ công tác 970) để kết nối tháo gỡ các vấn đề về sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp các địa phương thúc đẩy từng vấn đề cụ thể để bổ sung và tháo gỡ. Bộ cũng tổ chức kết nối cung cầu nông sản giữa các tỉnh sản xuất với thị trường tiêu thụ. Bộ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành lập tổ công tác tương tự tổ công tác 970 để cùng nhau phối hợp kết nối tiêu thụ nông sản.

Để kết nối, tiêu thụ nông sản, Tổ công tác 970 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh TP.HCM và các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội như xây dựng trang web, sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) và số điện thoại đường dây nóng… Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng nông sản, 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên tới 1.000 tấn/ngày trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Nhờ đó, nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã tích cực hỗ trợ hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội; nhất là chương trình "combo 10kg/túi nông sản" với giá 100.000 đồng tại TP.HCM đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng và nhân rộng tại Bình Dương, Tiền Giang…

"Một trong những thành công của Tổ công tác 970 thời gian qua là sáng kiến thành lập túi nông sản 10kg. Nếu lấy sản lượng để so sánh, số lượng này chưa thấm gì so với tổng cung cầu của nông sản miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ý tưởng ấy sẽ tạo ra làn sóng, khơi dậy một phương thức kinh doanh mới. Nó gợi mở những cách thức vận hành đời sống theo cách khác, không chỉ bởi dịch bệnh, mà cao hơn là thích nghi với cuộc cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số đang len vào từng ngõ ngách cuộc sống…", ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Từ thành công của mô hình này ở các tỉnh phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, đồng thời thành lập "Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản" để mở rộng ra cả nước, với nhiều lĩnh vực, ngành hàng trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy. Với diễn đàn này, Tổ công tác 970 đề nghị các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần mạnh dạn liên kết để được cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Tuấn Nguyễn
Ý kiến của bạn