Cuộc sống hiện đại đang làm mai một nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có múa rối nước. Nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm gìn giữ vốn quý của cha ông để lại, các nghệ sĩ của phường rối nước Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định vẫn một lòng gắn bó với những con rối, mong góp phần bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này cho muôn đời sau.
Hấp dẫn khán giả bằng dấu ấn riêng
Múa rối nước là nghệ thuật độc nhất vô nhị của Việt Nam, xuất hiện từ đời Lý, phường rối nước Nghĩa Trung nằm trong những cái nôi đầu tiên của loại hình nghệ thuật này. Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng những tinh hoa của nghệ thuật vẫn được các thế hệ của phường rối lưu truyền đến ngày nay. Theo ông Vũ Viết Đệ, phó trưởng phường, cũng đã có thời phường rối tưởng như tan rã trước sự thờ ơ của khán giả và dòng xoáy cơm áo gạo tiền của thị trường. 10 năm trở lại đây, phường rối Nghĩa Trung mới được khôi phục lại và đến nay đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả bởi những tích trò đặc sắc và sự tài tình của các nghệ sĩ. Phường luôn có suất diễn ở hầu khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc và là một trong 15 phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để phục vụ khách thăm quan du lịch.
Ông Vũ Viết Đệ cho biết, 15 tích trò được chọn lọc và tập luyện kỹ càng. Đây là 15 tích trò cổ của các nghệ nhân để lại.
Để tạo nét riêng khác với các phường múa rối nước khác, các nghệ nhân phường rối Nghĩa Trung đã biết làm mới các tích trò thông qua việc chọn lọc nhạc nền, sáng tác lời mới cho các tích trò cũ, thậm chí cả việc tự sáng tạo vở diễn mới... Nghệ nhân Phạm Thế Toàn, Trưởng phường múa rối Nghĩa Trung kể: ngoài việc chọn lọc và tập theo các tích trò cổ, chúng tôi còn sáng tạo được một vài trò riêng cho mình. Đó là những vở diễn ngắn với đề tài liên quan đến đời sống đương đại như về dân số, HIV. Phần âm nhạc thì sử dụng làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời. Con rối của chúng tôi cũng có một vài điểm khác, chẳng hạn sư tử của các phường khác chỉ có mỗi cái đầu, nhưng chúng tôi có cả thân, vì vậy khi điều khiển cần phải khéo léo hơn.
Các nghệ nhân của phường rối nước Nghĩa Trung đều xuất thân là nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn. Biết nghề rối và ham diễn rối là do các thế hệ đi trước trong phường truyền dạy. Tuy trình độ biểu diễn của họ không điêu luyện bằng các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng họ lại có một sức hấp dẫn riêng để thu hút khán giả. Đó chính là sự mộc mạc, hồn nhiên, là cách diễn chân chất mang hơi thở đồng ruộng. Điều này rất được du khách, nhất là du khách nước ngoài, trân trọng và đón nhận một cách rất thích thú.
Diễn viên trước giờ biểu diễn. |
Nhọc nhằn sau những con rối
Vì đặc tính sân khấu là môi trường nước nên những nghệ sĩ múa rối nước phải chịu vất vả hơn nhiều so với các loại hình nghệ thuật khác. Có dịp đứng trong hậu đài chứng kiến toàn bộ một buổi diễn phục vụ du khách của các nghệ nhân phường rối mới thấy hết nỗi vất vả của những người giấu mặt sau mỗi con rối. Để hoàn thành một tích trò dài khoảng vài phút diễn xuất, cả phường rối hơn chục người đều phải lao động hết mình từ người điều khiển rối, người diễn thoại, người chơi nhạc đệm... Phạm Văn Diện - một nghệ nhân điều khiển con rối, mới 27 tuổi đời nhưng đã có 17 năm tuổi nghề kể: tuy có thể hát được, thoại được nhưng anh vẫn thích xuống nước để điều khiển con rối. Tuy vất vả hơn nhưng như thế mới thật sự hòa mình vào từng nhân vật. Anh tâm sự: "Xuống nước vào mùa đông thì lạnh thấu da thịt. Ngâm trong nước hàng giờ liền, mình trai tráng thế này mà sau nhiều buổi diễn cũng rã rời toàn thân. Đôi khi diễn ở những nơi ao hồ nước bẩn tù đọng cũng cứ phải nhảy xuống. Lúc điều khiển rối, từng ngón tay rồi cả tai và mắt đều phải tập trung cao độ vào từng động tác của con trò, phải kết hợp nhuần nhuyễn, ăn khớp với lời thoại, nhạc trống ở trên chòi".
Trong biểu diễn rối nước, âm nhạc và lời thoại đặc biệt quan trọng. Ông Phạm Thế Toàn cho rằng, nếu không có âm nhạc, thuyết minh thì khi con rối ra khỏi cánh gà, khán giả sẽ chẳng biết đó là con gì và như thế sẽ không cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của loại hình đặc sắc này. Việc tạo âm thanh trong rối nước rất khó, thí dụ tiếng kêu của con ếch chẳng hạn, phải giả giọng thật chuẩn sao cho khán giả nghe âm thanh mà hiểu được con rối vừa xuất hiện là con ếch đực, con ếch cái hay con chão chuộc... Để đạt đến trình độ ấy, người nghệ nhân phải tập luyện trong một thời gian dài.
Tuy hiện nay, du khách tìm đến với loại hình nghệ thuật này đã nhiều hơn nhưng chưa đều. Điều đó khiến những người gắn bó với phường rối ở Nghĩa Trung đứng trước nhiều thách thức để tồn tại. Song không vì thế mà họ nản lòng. Với các nghệ nhân dân gian này, sân khấu múa rối nước không chỉ là nơi để họ "xả hơi" lúc nông nhàn mà còn là nơi để họ cống hiến hết mình để bảo tồn nghệ thuật dân tộc. Nhờ họ mà thế giới biết đến múa rối nước Việt Nam và tôn vinh đó là "linh hồn của đồng ruộng Việt Nam".
Linh Lan