Phương pháp tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân đột quỵ thoát liệt

03-02-2017 15:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn vừa cứu sống một bệnh nhân nhờ phương pháp tiêu sợi huyết. Đây là phương pháp điều trị giúp bệnh nhân đột quỵ liệt nửa người có thể đi lại được.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, vào lúc 10h30 ngày 31/1/2017 (mồng 4 Tết), các bác sĩ bệnh viện viện đã tiếp nhận bệnh nhân T.T.H - 55 tuổi trong tình trạng bị liệt nửa người bên phải, tiểu tiện không tự chủ.

Người nhà bệnh nhân cho biết, vào lúc 7h sáng, bệnh nhân tỉnh dậy nhưng không nói được, người nhà không phát hiện ra. Sau khoảng 30 phút, chồng bệnh nhân phát hiện vợ mình có biểu hiện tiểu tiện không kiểm soát được. Ngay lập tức, người nhà gọi cấp cứu 115 và đưa thẳng bệnh nhân vào Bệnh viện Xanh Pôn.

Bệnh nhân T.T.H đang hồi phục tốt

Tại đây, các bác sĩ điều tra bệnh sử và biết được bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, hẹp vở van 2 lá. Lúc vào viện, bác sĩ đã thăm khám và thấy bệnh nhân bị liệt nửa người phải, hôn mê, điểm glasgow 10 điểm, điểm NIHSS 22 điểm. Bác sĩ đã nhanh chóng làm các xét nghiệm, kết quả chụp mạch não cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 bên trái.

Ngay lập tức các bác sĩ  chuyên khoa đã được huy động và phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương, chạy đua với thời gian để cấp cứu bệnh nhân. Kíp tiêu sợi huyết của khoa Hồi sức cấp cứu Nội do Bs. CKI Nguyễn Bá Thắng trực tiếp tiến hành phối  hợp với kíp lấy huyết khối của khoa Chẩn đoán hình ảnh do Ts. Phạm Hồng Đức, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh đã lấy được hoàn toàn huyết khối, bệnh nhân được tái thông hoàn toàn.

Sau 1 ngày, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, hết liệt, nói được và đang được tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội. Đây là một trong những thành công của các y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn – một bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội trong việc cấp cứu người bệnh trong những ngày đầu Xuân Đinh Dậu.

Phương pháp điều trị tiêu sợi huyết là một kỹ thuật điều trị triệt để đối với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong tối đa 4-5 giờ đầu tiên sau khi bệnh nhân đột quỵ. Trước đây, khi chưa có phương pháp này các bệnh nhân đột quỵ mặc dù được cứu sống, nhưng thường để lại các di chứng như liệt nửa người, liệt tứ chi, không nói được, méo mặt....


Hải Yến
Ý kiến của bạn