Phương pháp sinh nở ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột trẻ sơ sinh

01-10-2019 10:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo một nghiên cứu mới công bố gần đây thì phương pháp sinh nở có thể ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh. Sự khác nhau này có thể sẽ biến mất trong vòng 9 tháng sau đó, nhưng trong thời gian này, nó cũng gây không ít phiền toái cho trẻ...

Vi khuẩn đường ruột quyết định sức khỏe con người

Trong 1 thập kỷ qua, các nhà khoa học tỏ ra ấn tượng với cách làm thế nào vi khuẩn đường ruột lại có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và quyết định khi nào chúng ta đổ bệnh. Các nhà khoa học luôn tự hỏi: Làm thế nào con người có được những vi khuẩn nguyên thủy khi vừa mới sinh ra? Một nghiên cứu mang tựa đề “Baby Biome” vừa công bố vào giữa tháng 9/2019 trên Tạp chí Tự nhiên (Nature) đã cho biết: Cách mà chúng ta sinh ra đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định tới 5.000 loài vi sinh vật khác nhau “định cư” trong ruột.

Một nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Wellcome Sanger (Vương quốc Anh), Đại học College London (UCL) và Đại học Birmingham đã phân tích ADN của vi khuẩn đường ruột từ 596 trẻ sơ sinh tại các bệnh viện Anh và kết luận rằng những em bé lọt lòng mẹ bằng phương pháp mổ tử cung lấy thai (CS) thường có vi khuẩn ruột khác với trẻ em sinh ra từ đường âm đạo.

Ông Nigel Field - một nhà sinh học phân tử công tác tại UCL và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: Trẻ con thường vô trùng khi chúng còn trong bụng mẹ. Thời điểm lọt lòng là khi hệ miễn dịch có một số lượng vi khuẩn khổng lồ xuất hiện và chúng đã định hình cho hệ miễn dịch cho cuộc sống tương lai. Nghiên cứu này cho thấy rằng trẻ con sinh ra bằng CS thường có nhiều tác nhân nguy hiểm hơn và chúng có thể gây nhiễm trùng cho trẻ trong tương lai.

Theo ông Nigel, những trẻ sinh ra bằng đường âm đạo được nhiễm vi khuẩn từ người mẹ và vi khuẩn này cũng được tìm thấy trong ruột của người mẹ. Những trẻ sinh theo CS thì mô hình lây truyền từ mẹ sang con đã bị phá vỡ. Loại vi khuẩn thường tìm thấy ở trẻ con sinh bằng thủ thuật CS là loại vi khuẩn có liên kết với các thiết lập bệnh viện. Nghiên cứu này có thể giúp làm sáng tỏ các nghiên cứu trước đây rằng trẻ sinh ra bằng CS có nguy cơ hình thành các bệnh liên quan đến miễn dịch, có thể ảnh hưởng đến cuộc đời sau này của chúng, chẳng hạn như chứng hen suyễn và những điều kiện dị ứng khác.

Phương pháp sinh nở ảnh hưởng tới vi khuẩn đường ruột trẻ sơ sinhQuần xã vi khuẩn ruột của trẻ sơ sinh được tìm thấy trong sữa mẹ giúp khôi phục vi khuẩn ruột của trẻ sinh mổ chỉ trong vòng 6 tuần. Ảnh nguồn: ParentMap

Một giả thiết khác được đưa ra rằng, khi sản phụ phải sinh con bằng CS thì việc sử dụng kháng sinh cũng ảnh hưởng tới việc định hình vi khuẩn đường ruột của trẻ. Bởi con của những bà mẹ dùng thuốc kháng sinh trước khi sinh con bằng đường âm đạo cũng hiển thị mức thấp của vi khuẩn bình thường nhưng vẫn cao hơn là trẻ ra đời bằng CS.

Sữa mẹ có giúp phục hồi vi khuẩn đường ruột?

Việc khám phá ra quần xã vi khuẩn của trẻ liên quan tới phương pháp sinh nở này thật sự là một thông điệp rất quan trọng cho những bà mẹ. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng quần xã vi khuẩn có trong trẻ sinh ra bằng CS cuối cùng cũng giống với trẻ sinh ra từ âm đạo nên các bác sĩ thường khuyên sản phụ chớ quá lo lắng nếu họ phải lựa chọn thủ thuật CS (thường là một hình thức can thiệp cứu sống) vì còn rất nhiều cách để khôi phục quần xã vi khuẩn đường ruột cho trẻ.

Bà Stinson - một nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Australia đang muốn nghiên cứu nhiều hơn về vai trò của sữa mẹ trong việc phục hồi khuẩn đường ruột của trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục xâu chuỗi lại các nhân tố khác nhau có tác động đến quần xã vi khuẩn ruột chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh. Các nghiên cứu trước đây đã xác định về sự khác nhau trong quá trình phát triển vi khuẩn ruột dựa trên sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Nghiên cứu của ông Townsend - PGS về hóa học tại Đại học Vanderbilt (Tennessee, Mỹ) về quần xã vi khuẩn ruột của trẻ sơ sinh được tìm thấy trong sữa mẹ cũng có thể khôi phục vi khuẩn ruột của trẻ CS chỉ trong vòng 6 tuần. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể nhận vi khuẩn tốt từ các nguồn khác chẳng hạn như tiếp xúc da kề da...


Phan Bình
Ý kiến của bạn