Hà Nội

Phương pháp nào chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ?

02-08-2017 09:48 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh thường gặp, do nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống vùng cổ.

Biểu hiện chung ở giai đoạn nhẹ chủ yếu là đau mỏi âm ỉ, kéo dài ở vùng cổ gáy, đau tăng lên khi vận động và khi nghỉ ngơi thì giảm. Điều đáng lưu ý, ở một số trường hợp người bệnh chủ quan không chịu khám, điều trị mà nghĩ do thoái hóa thông thường ở người cao tuổi hoặc hoang mang nhầm lẫn với các bệnh cảnh khác.

Biểu hiện thường gặp

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường xảy ra ở C5-6 và C6-7, chiếm tỉ lệ trên 80% gây ra đau cột sống cổ, đau vai gáy kèm theo đau, tê lan xuống vai và tay theo rễ thần kinh cổ (chèn ép rễ thần kinh cổ). Nặng hơn có thể gây ra yếu tay chân, rối loạn cảm giác và rối loạn tiêu tiểu, chức năng tình dục (chèn ép tủy sống cổ). Ngoài ra còn có thể gây đau đầu do gây thiếu máu lên não.

Trên bệnh nhân có hội chứng cột sống (đau cổ, hạn chế vận động cổ) tái đi tái lại nhiều lần. Sau đó dù có nguyên nhân chấn thương hay không, bệnh nhân có hội chứng chèn ép rễ hoặc hội chứng chèn ép tủy hay phối hợp cả hai hội chứng... thì nghi ngờ bị thoát vị đĩa đệm. Khi đó các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đặc biệt là cộng hưởng từ sẽ xác định vị trí, mức độ, thể bệnh của thoát vị đĩa đệm.Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Hậu quả của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm có thể để lại những hậu quả và biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tuỷ cổ. Khi bị chèn ép các rễ thần kinh hoặc chèn ép tủy sống, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn, tê yếu một - hai tay hoặc tứ chi, đau đầu, mất ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động. Tất cả các biến chứng đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, chưa kể những tốn kém do chi phí điều trị.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Đối với điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa có vai trò lớn trong việc giảm triệu chứng, góp phần chẩn đoán và phục hồi sau can thiệp. Mục đích là làm giảm hay mất triệu chứng đau, chỉ định và phương pháp điều trị chủ yếu dựa vào lâm sàng.

Trong thời kỳ cấp tính người bệnh cần thực hiện chế độ bất động. Đây là nguyên tắc quan trọng đầu tiên trong điều trị nội. Bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi tại giường và đeo nẹp cố định cổ (colier) trong 5-7 ngày trong giai đoạn cấp tính, đau nhiều. Tránh vận động cột sống cổ quá mức, các tư thế làm tăng áp lực nội đĩa.

Liệu pháp xoa bóp có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ và cải thiện chức năng các cơ cạnh sống, tránh sử dụng trong những ngày đau cấp tính.

Các phương pháp nhiệt cũng có tác dụng giảm đau, chống co cứng cơ, giãn mạch chủ động, tăng chuyển hóa và dinh dưỡng tại chỗ. Ngoài ra, dùng dòng điện cũng có tác dụng tăng chuyển hóa, chống viêm giảm phù nề, kích thích thần kinh cơ, kích thích tạo tổ chức, dẫn thuốc...

Châm cứu cũng được chỉ định cho mọi giai đoạn của hội chứng đau.

Bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau không steroid trong thời kỳ cấp và trong đợt tái phát. Các thuốc an thần giãn cơ nhẹ và các vitamin nhóm B liều cao vì có tác dụng chống viêm và thoái hóa, nhất là đối với tổ chức thần kinh.

Kéo giãn cột sống cổ là phương pháp điều trị bệnh sinh vì nó làm giảm áp lực tải trọng một cách mạnh mẽ tạo điều kiện chuyển dịch hướng tâm cho nhân nhầy đĩa đệm, tăng cường xâm nhập các chất chuyển hóa vào trong đĩa đệm. Chỉ định với chèn ép rễ đơn thuần và đặc biệt chưa có rách dây chằng dọc sau, chống chỉ định khi có chèn ép tủy hoặc những tổn thương xương như gai xương lớn trong ống tủy. Kéo giãn cột sống cổ có tác dụng khá tốt nhưng chỉ tiến hành ở cơ sở chuyên khoa.

Các thủ thuật ít xâm lấn được các bác sĩ chỉ định và cân nhắc cho một số trường hợp. Phương pháp lấy đĩa đệm qua da không mổ là sử dụng năng lượng laser hoặc sóng cao tần sẽ làm bốc hơi một phần nhân nhày. Từ đó đĩa đệm tự thu lại một phần. Ngoài ra, sóng cao tần cũng làm cân bằng một phần các rối loạn hóa học tại vùng đĩa đệm thoát vị chèn ép thần kinh giúp giảm đau. Tuy nhiên, phương pháp ngày còn khá đắt tiền và chỉ áp dụng đối với các thoát vị đĩa đệm đến sớm, chưa có rách bao xơ.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa nhằm mục địch lấy bỏ đĩa đệm gây chèn ép mà không gây tổn thương cấu trúc thần kinh và đảm bảo sự vững chắc của cột sống. Chỉ định phẫu thuật đặt ra khi thoái vị đĩa đệm gây ra hội chứng tủy cổ hoặc hội chứng rễ - tủy, các triệu chứng tiến triển càng nhanh, càng cần phẫu thuật sớm; hoặc khi thoát vị đĩa đệm gây ra hội chứng chèn ép rễ nặng hoặc đau liên tục, dai dẳng, điều trị nội khoa 6 tuần không đỡ.

Hiện nay, với những thoát vị đĩa đệm đơn thuần không có mất vững cột sống thì việc thay đĩa đệm nhân tạo có khớp là tối ưu. Bệnh nhân có thể vận động cổ  sớm, đa phần 3-5 ngày là bệnh nhân đã sinh hoạt và lao động bình thường.

Những lưu ý khi bệnh nhân phẫu thuật thoát vị

Ngày nay, người ta sử dụng đĩa đệm nhân tạo có khớp có tác dụng sinh lý tương tự đĩa đệm của bệnh nhân nhằm giúp khắc phục những nhược điểm trên.

Sau cuộc mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đường trước, người bệnh thường bị đau khi nuốt. Nếu chịu khó uống nước, nói chuyện, tập nuốt thì sau 4 - 5 ngày đau giảm đi nhiều. Trong trường hợp đặt mảnh ghép và cố định nẹp vít cột sống cổ, người bệnh phải mang nẹp cổ mềm từ 3 - 4 tuần. Nẹp cổ thường làm cho người bệnh khó chịu do cấn vào hàm, vào vai, xương đòn gây đau, người bệnh có cảm giác mỏi và cứng gáy và hai vai. Cảm giác này ngày càng tăng cho đến khi bỏ nẹp cổ và tập cúi ngửa nghiêng cổ vài ngày mới giảm và sau đó khoảng 6 tuần mới có thể hết mỏi và đau nếu tích cực tập luyện. Đối với thay đĩa đệm nhân tạo ngoài lợi thế về việc giảm khả năng xuất hiện khối thoát vị mới ở đĩa đệm trên và dưới chỗ đã mổ thì việc thay đĩa đệm nhân tạo còn tránh được một số biến chứng do nẹp vis gây ra và sau khi mổ xong, người bệnh không phải mang nẹp cổ.


TS.BS. Nguyên Vũ
Ý kiến của bạn