GS. Mick Bhatia (khoa hóa sinh và khoa học y sinh, Đại học McMaster, Canada) - người đứng đầu nghiên cứu đã công bố phương pháp mới phát hiện tế bào gốc ung thư nhanh chóng và hiệu quả trên tạp chí y học Cell Reports Medicine.
Nhiều bệnh nhân từng điều trị ung thư có thể tái phát vài năm sau đó. Mặc dù các phương pháp hiện tại có thể theo dõi khối u quay trở lại, nhưng công nghệ vẫn chưa đủ tiên tiến để 'bắt' các tế bào ung thư không thể phát hiện, dẫn đến khối u quay trở lại.
Nghiên cứu do GS. Mick Bhatia dẫn đầu trên người trưởng thành trước đây đã trải qua điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính có thể coi là một bước tiến lớn trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Chuyên gia này đã bật mí triển vọng của phương pháp phát hiện tế bào gốc ung thư nhanh và hiệu quả, mở ra tương lai trong điều trị bệnh ung thư.
GS. Bhatia cho biết, phương pháp phát hiện tế bào gốc ung thư tương tự như phương pháp thường được sử dụng để phát hiện các tế bào gốc máu hiếm (tiền thân) nhằm xác định chất lượng của các tế bào hiến tặng trong cấy ghép tủy xương.
Theo GS. Bhatia, phép đo này hiện đã được áp dụng cho bệnh nhân ung thư máu dòng tủy cấp tính. "Chúng tôi nhận thấy các tế bào tiền thân này có đột biến gene gọi là tế bào tiền thân bệnh bạch cầu (LPC)".
Việc phát hiện các tế bào tiền thân bệnh bạch cầu có thể dự đoán khả năng sống sót của bệnh nhân, có thể tốt hơn các biện pháp tiên lượng trước đây trong phòng khám hoặc phòng thí nghiệm sử dụng phép đo kháng nguyên ung thư. Ông cũng cho biết, phương pháp trên đã được áp dụng thành công trên một số lượng mẫu bệnh phẩm tương đối lớn gồm hơn 100 bệnh nhân bạch cầu dòng tủy cấp.
Mở ra tiềm năng mới trong phát hiện và điều trị sớm ung thư tái phát
GS. Mick Bhatia cho biết, đối với các loại bệnh bạch cầu khác chẳng hạn như bạch huyết, có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm tiền thân tương tự. Tuy nhiên, đối với khối u rắn, chẳng hạn như khối u ung thư vú, sẽ phải cần mẫu mô vú để phát hiện kháng nguyên ung thư.
Vị giáo sư này lý giải, đối với bệnh bạch cầu dòng tủy cấp (AML), các tế bào tiền thân bệnh bạch cầu (LPC) thường được đo bằng cách sử dụng cấu hình gene phức tạp và đắt tiền hoặc thử nghiệm cấy ghép rất phức tạp đo trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, phương pháp mới có thể được hầu hết các phòng thí nghiệm áp dụng một cách dễ dàng và tương đối rẻ tiền, chỉ mất 8 ngày và tốn vài trăm USD. Thậm chí có thể đo được tế bào tiền thân bệnh bạch cầu (LPC) trong và sau khi điều trị để tiên lượng hiệu quả thuốc điều trị cũng như tiên lượng khả năng ung thư tái phát.
Nhờ đó, các bác sĩ có thể tự động thay đổi phác đồ điều trị và theo dõi tình hình bệnh nhân trước khi bệnh tiến triển nặng không thể kiểm soát. Điều này giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân nhờ điều trị bằng các loại thuốc tốt nhất dựa theo phép đo tế bào tiền thân bệnh bạch cầu (LPC) vào đúng thời điểm trong quá trình trị liệu.
Ngoài góp phần phát hiện và điều trị sớm bệnh, phương pháp này còn có thể giúp bác sĩ thay đổi phác đồ điều trị để có kết quả tối ưu, cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân ung thư.
Mời độc giả xem thêm video:
Bỗng Dưng Yếu, Liệt Nửa Người, Đi Khám Phát Hiện Bệnh Lý Miễn Dịch Hiếm Gặp