Phương pháp mới giúp trị teo thực quản bẩm sinh ở trẻ

09-04-2018 08:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Teo thực quản bẩm sinh hay còn gọi là bất sản thực quản - Esophageal atresia - là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp với tỷ lệ 1/5.000, trong đó phần trên và phần dưới của thực quản không kết nối.

Các nhà khoa học tại Đại học Sheffield và Bệnh viện Nhi Boston, Mỹ đã tạo ra phương pháp điều trị hiệu quả dưới dạng một thiết bị robot có thể cấy ghép để nối thực quản.

Bệnh teo thực quản bẩm sinh

Bệnh teo thực quản là hậu quả của quá trình tạo phôi giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 6, điều này giải thích cho hiện tượng teo thực quản thường kèm theo nhiều dị tật phối hợp khác ở cột sống, thận, cơ quan sinh dục, tim mạch, tiêu hóa. Trẻ bị mắc bệnh teo thực quản thường có triệu chứng bú kém, trào ngược khi bú, tím tái, khó thở sau sinh và một số biểu hiện như viêm phổi tái phát nhiều lần, ho, tím tái khi bú hoặc ăn. Căn bệnh này có thể được chẩn đoán sớm ngay từ trước khi sinh bằng phương pháp siêu âm ở 24 tuần tuổi. Những trẻ bị mắc bệnh teo thực quản thường phải được phẫu thuật để giúp trẻ có cơ hội sống cao hơn, nếu để lâu, dễ dẫn đến nguy cơ viêm phổi, tăng áp phổi làm căn bệnh thêm trầm trọng.

Thông thường chứng co thắt thực quản được điều trị bằng kỹ thuật phẫu thuật. Với những trường hợp teo thực quản tạo khoảng cách nhẹ, các bác sĩ có thể phẫu thuật để khâu hai đầu thực quản lại với nhau, qua đó dễ dàng thông đường tiêu hóa từ miệng với dạ dày. Nhưng với trường hợp khoảng cách quá lớn, các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật Foker. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ khâu neo thực quản về phía lưng bệnh nhi, dần dần họ sẽ thắt chặt các dây neo từng chút một để thực quản phát triển tự nhiên, cho tới khi chúng chạm đến nhau và có thể liền lại. Kỹ thuật Foker rất hữu ích trong điều trị teo thực quản bẩm sinh ở trẻ với tỷ lệ thành công cao. Nhưng, nhược điểm của phương pháp này là các mũi khâu ở thực quản có thể bị rách khiến phải thực hiện lại phẫu thuật, hoặc mô sẹo có thể hình thành sau này gây ra các vấn đề cho người bệnh, đồng thời nó yêu cầu bệnh nhi phải nằm tê liệt trong 2 tuần đầu với chi phí rất lớn.

Hình ảnh teo thực quản bẩm sinh.

Hình ảnh teo thực quản bẩm sinh.

Phương pháp dùng robot cấy ghép vào thực quản

TS. Dana Damian thuộc Khoa Kỹ thuật kiểm soát hệ thống tự động tại Đại học Sheffield và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Boston đã tạo ra loại prototype có vai trò khuyến khích sự phát triển mô của trẻ sơ sinh. Thiết bị robot được gắn liền với thực quản bằng hai vòng. Một động cơ kết hợp sau đó giúp kích thích các tế bào bằng cách nhẹ nhàng kéo mô lại với nhau. Sử dụng hai loại cảm biến: Một dùng để đo sự căng trong các mô và một dùng để đo sự dịch chuyển của mô - robot sẽ kiểm tra và áp dụng lực kéo phù hợp vào đặc tính của mô.

Robot được ra đời theo ý tưởng từ kỹ thuật Foker trong việc điều chỉnh atresia thực quản bằng việc kéo các mô lại với nhau. TS. Dana cho biết: “Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật bằng kỹ thuật Foker, tuy nhiên không biết nên sử dụng bao nhiêu lực để phù hợp việc kéo các mô lại với nhau. Mặc dù kỹ thuật này là một trong những thủ thuật tốt nhất để điều trị teo thực quản nhưng những mũi khâu có thể bị rách khiến phải thực hiện phẫu lại hoặc mô sẹo do vết thương gây ra sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh trong tương lai”. Khắc phục những nhược điểm của kỹ thuật Foker, robot được các nhà khoa học phát triển đo được áp lực và có thể điều chỉnh lực kéo bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị.

Theo TS. Damian: “Thử thách lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt đó là thiết kế một robot hoạt động ở môi trường bên trong cơ thể. Robot này phải đảm bảo mềm mại, bền, không thấm nước, chống mài mòn và có thể dùng để điều trị trong thời gian dài”. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng nghiên cứu xem công nghệ này có ứng dụng được vào điều trị các chứng bệnh khác như chứng ruột ngắn hay không.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn