Hà Nội

Phương pháp mới chữa bệnh sỏi túi mật không cần cắt bỏ

09-05-2019 14:58 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ BVĐK Nông nghiệp vừa triển khai kỹ thuật tán sỏi mật qua da bằng laser dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền và camera nội soi cho một phụ nữ 54 tuổi, giúp giữ nguyên túi mật không cần cắt bỏ.

Bệnh nhân ở Thanh Trì – Hà Nội thường xuyên có những cơn đau ở hạ sườn phải. Khi đi siêu âm các bác sĩ phát hiện có sỏi túi mật, do chức năng túi mật của bệnh nhân còn tốt nên không muốn cắt túi mật mà mong muốn bảo tồn, mặt khác bệnh nhân đã trải qua hai cuộc mổ.

Do đó, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã tiến hành tán sỏi túi mật qua da bằng laser cho bệnh nhân dưới hướng dẫn của can thiệp điện quang và camera nội soi.

Kết quả sau tán sỏi bệnh nhân hồi phục tốt và đã trở lại sinh hoạt, làm việc như bình thường. Đây là bệnh nhân thứ 2 được áp dụng kỹ thuật này, trước đó, các bác sĩ đã tiến hành tán sỏi cho một bệnh nhân có tiền sử mổ sỏi mật nhiều lần, có nhiều sỏi đường mật trong gan và sỏi ống mật chủ tái phát.

BSCKI. Đinh Xuân Bình - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Nông nghiệp cho biết, sỏi đường mật trong và ngoài gan có thể tán qua da rất triệt để bằng rọ cơ học, laser hoặc điện thủy lực. Dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền và camera nội soi, bác sĩ điện quang can thiệp định hướng đưa dụng cụ đến vị trí sỏi để tán nhỏ và bơm rửa sỏi vụn ra ngoài hay đẩy xuống ruột (tá tràng).

Phương pháp này vẫn có thể được chỉ định với các trường hợp không thể phẫu thuật hoặc nội soi ngược dòng lấy sỏi. Có thể tiến hành can thiệp đối với các bệnh nhân già yếu, có bệnh lý toàn thân phối hợp hoặc các bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật đường mật (gây dính, khó khăn khi mổ lại) - BS. Bình cho hay.

Một ưu điểm nữa của phương pháp này là hầu hết các biến chứng sau phẫu thuật khá nhẹ và có thể theo dõi, điều trị nội khoa. Tỷ lệ gặp tử vong sau can thiệp sỏi mật là rất hiếm.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân.

Trường hợp nào nên tán sỏi túi mật qua da bằng laser?

Theo các bác sĩ, túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan, có chức năng cô đặc và dự trữ 90% lượng dịch mật do gan tạo ra (khoảng 1000ml/ngày). Khi thức ăn được đưa vào, lượng dịch mật cô đặc này được tiết xuống ruột để tiêu hóa.

Nguyên nhân gây nên sỏi túi mật có liên quan nhiều đến rối loạn chuyển hóa mỡ khiến lượng cholesterol trong dịch mật tăng cao tạo thành sỏi hoặc do viêm nhiễm.

Có một điểm đáng chú ý là nếu như bệnh nhân sỏi túi mật ở đa số các nước là do béo phì (sỏi có màu vàng), thì tại Việt Nam bệnh nhân sỏi túi mật chủ yếu là do bị nhiễm khuẩn đường mật (sỏi có màu đen), gây nhiều triệu chứng khó chịu và có thể gây các biến chứng cho bệnh nhân.

Với bệnh nhân bị cắt bỏ túi mật dễ làm rối loạn các cơ quan khác, dịch mật lúc này được lưu thông xuống ruột một cách liên tục kể cả ngoài bữa ăn gây nên rối loạn tiêu hóa (như chán ăn, chướng bụng, hay đi ngoài dẫn đến sút cân… ), gặp ở 15-30%. Lâu dần tình trạng này gây biến đổi niêm mạc đường ruột và làm tăng nhẹ tỉ lệ ung thư đường ruột lên 2% theo các nghiên cứu.

Do đó, tán sỏi túi mật qua da bằng laser là phương pháp mới có tính ưu việt, giữ nguyên túi mật giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, thông thường, với bệnh nhân mà chức năng co bóp túi mật còn khoảng 40% trở lên, túi mật khỏe mạnh, không bị viêm mạn, không xuất hiện các polyp, bị chia thành nhiều ngăn khác nhau... thì có thể áp dụng phương pháp bảo tồn túi mật tán sỏi túi mật qua da bằng laser.

Đối với các trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi nhưng tuổi cao, người có bệnh toàn thân nặng như hô hấp, tim mạch không mổ được thì đây cũng là biện pháp thay thế hữu hiệu.

Sỏi túi mật là bệnh thường gặp ở Việt Nam, để phòng bệnh sỏi túi mật, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh ăn các thức ăn có quá nhiều mỡ, hạn chế và phải rửa sạch trước khi sử dụng các thức ăn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng giun sán (như ăn gỏi sống…). Duy trì thói quen ăn đúng giờ để túi mật co bóp đúng chu kỳ và ăn nhiều rau xanh cũng rất quan trọng.

Bệnh nhân có sỏi túi mật hoặc nghi ngờ viêm túi mật với các biểu hiện như đau bụng dưới sườn phải, sốt... thì nên khám và điều trị ngay, không hiếm các trường hợp viên sỏi rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật, viêm tụy cấp... rất nguy hiểm.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn