Phương pháp kiểm tra mắt mới giúp chẩn đoán bệnh tự kỷ

03-03-2018 03:15 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu cho biết một phương pháp mới kiểm tra mắt có thể tiết lộ sự suy yếu ở tiểu não, giúp xác định những người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD).

Tiểu não có chức năng phối hợp và điều chỉnh hoạt động của cơ kiểm soát chuyển động mắt khi chuyển sự chú ý từ vật này sang vật kia, được gọi là sự di chuyển mắt đột ngột.

Ở những người khỏe mạnh, khả năng di chuyển mắt đột ngột nhanh, chính xác, chuyển hướng đường nhìn từ điểm chú ý này sang điểm chú ý khác.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rochester, New York, Mỹ cho biết ở những người mắc chứng tự kỷ, hoạt động này đã bị suy giảm, do sự thay đổi cấu trúc của tiểu cầu.

Chi tiết quá trình nghiên cứu được công bố trong Tạp chí European Journal of Neuroscience, nhóm nghiên cứu đã theo dõi các chuyển động mắt của các bệnh nhân ASD.

Những người tham gia được yêu cầu theo dõi mục tiêu thị giác xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên màn hình. Thử nghiệm được thiết kế giúp cho người tham gia tập trung để "vượt qua" mục tiêu dự định. Ở những người khỏe mạnh, não sẽ điều chỉnh chính xác sự chuyển động của mắt khi kiểm tra được lặp lại. Tuy nhiên, cử động mắt của những bệnh nhân ASD tiếp tục bỏ lỡ mục tiêu đề xuất trên màn hình do các cơ cảm giác trong tiểu não chịu trách nhiệm kiểm soát sự chuyển động của mắt đã bị suy giảm.

Não bộ không có khả năng điều chỉnh chuyển động của mắt có thể là dấu hiệu rối loạn chức năng tiểu cầu, giúp giải thích sự thiếu hụt khả năng giao tiếp xã hội ở những bệnh nhân ASD. Đồng tác giả nghiên cứu -phó giáo sư  Edward Freedman, cho biết: "Những phát hiện này cho thấy việc đánh giá khả năng thích ứng biên độ chuyển động của mắt là một cách để xác định xem chức năng này của tiểu cầu có bị thay đổi ở bệnh nhân ASD hay không. Nếu những thiếu hụt này trở thành một phát hiện nhất quán trong một nhóm nhỏ trẻ em mắc chứng ASD, điều này làm tăng khả năng các biện pháp thích ứng sự chuyển động mắt đột ngột có thể giúp phát hiện sớm rối loạn tự kỷ.”


BS.Tuyết Mai
Ý kiến của bạn