1. Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là gì?
ThS.BSCKII Nguyễn Văn Lữ - Trưởng Khoa Hồi sức theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) cho biết phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật hồi sức thần kinh tiến bộ đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ và hồi phục chức năng thần kinh ở những người bệnh ngừng tuần hoàn.
Thành công trong áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ góp phần cứu sống các bệnh nhân tổn thương não cấp sau ngừng tuần hoàn, cũng như sau chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch não…
Hạ thân nhiệt (hạ thân nhiệt bảo vệ) đã được biết là có tác dụng có lợi từ thời Hippocrates và Napoléon Bonaparte. Song cho đến năm 1950, phương pháp hạ thân nhiệt mới được sử dụng rộng rãi cho các ca phẫu thuật phình động mạch não. Phương pháp điều trị này nhằm mục đích làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, tương tự như trạng thái ngủ, nhằm bảo tồn não và các cơ quan quan trọng khác, nâng cao cơ hội hồi phục cho bệnh nhân.
Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để cơ thể người bệnh xuống mức dưới 36°C (33-36°C) và nhiệt độ này được duy trì trong một thời gian nhất định.
Sau đó sẽ làm ấm bệnh nhân trở lại, với tốc độ tăng nhiệt được yêu cầu cực kỳ chặt chẽ và chính xác, nâng dần nhiệt độ bệnh nhân cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Phương pháp này giúp giảm chuyển hóa cơ thể (giống trạng thái ngủ), giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó các tế bào não được hồi phục, tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân trong hồi sức cấp cứu tim mạch…
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng điều trị hạ thân nhiệt chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn. Hiện nay, phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy đã được đưa vào quy trình cấp cứu hồi sinh bệnh nhân ngừng tuần hoàn và được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
2. Điểm lại một số bệnh nhân đã thoát "cửa tử" nhờ phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy
Tháng 4/2020, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh đã cứu sống một nam giới bị ngừng tim, ngừng thở do điện giật bằng cách chủ động hạ nhiệt độ cơ thể của nạn nhân xuống khoảng 33°C trong 24 giờ liên tục để ngăn ngừa tổn thương não.
Khi nạn nhân được đưa vào phòng cấp cứu, anh đã rơi vào tình trạng ngừng tim hoàn toàn. Lập tức, quy trình 'báo động đỏ' cấp cứu của bệnh viện được kích hoạt, sau 20 phút cấp cứu liên tục, bệnh nhân đã có mạch và huyết áp nhưng vẫn hôn mê sâu do não bị tổn thương do ngừng tim kéo dài. Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa vào khoa Hồi sức tích cực đặc biệt để điều trị bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh lại và có thể ăn uống bình thường, cử động chân tay dễ dàng.
Tháng 2/2021, bệnh nhân N.A.T (Hà Nội), được cấp cứu 115 chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện E trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tím tái toàn thân, tiên lượng rất xấu. Mặc dù bệnh nhân được nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, khôi phục nhịp tim nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu và phải duy trì phối hợp thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim - huyết áp.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch và Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (ICU) đã vừa áp dụng các biện pháp hồi sức, vừa giảm tối đa việc để lại di chứng tổn thương não cho người bệnh bằng kỹ thuật kiểm soát thân nhiệt để cứu sống người bệnh. Sau một thời gian điều trị tại Khoa ICU, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, tri giác tỉnh táo, đã tự vận động và ăn uống được và phục hồi sau một thời gian điều trị.
PGS. TS Vũ Đức Định - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, trước đây, bệnh nhân ngưng tuần hoàn thì gần như phải chấp nhận tử vong, dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch, huyết áp thì tỷ lệ sống sót thấp do não và các cơ quan đã tổn thương nặng. Hoặc nếu được cứu sống nhưng do thiếu oxy nuôi dưỡng, nếu như không có cách bảo vệ não tốt, bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như mất trí nhớ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật).
3. Các phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy
Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy được chỉ định ở các bệnh nhân ngừng tuần hoàn đáp ứng 3 tiêu chuẩn sau:
- Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và được bắt đầu tiếp nhận điều trị hạ thân nhiệt trong vòng 6 tiếng sau ngừng tuần hoàn (hiện đang không có cơn nhanh thất hay rung thất).
- Huyết áp tâm thu duy trì trên 90mmHg.
- Bệnh nhân vẫn có trong trạng thái hôn mê từ thời điểm sau ngừng tuần hoàn và trong quá trình hạ thân nhiệt.
Hiện nay có 2 phương pháp làm lạnh được áp dụng để hạ thân nhiệt bao gồm:
- Làm lạnh bên ngoài cơ thể (làm lạnh bề mặt): Sử dụng nước lạnh, chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ…
- Làm lạnh bên trong cơ thể (làm lạnh nội mạch): Kiểm soát thân nhiệt nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch lạnh vào tuần hoàn chung.
Các giai đoạn của quá trình hạ thân nhiệt:
Giai đoạn 1: Hạ thân nhiệt nhanh. Bằng phương pháp hạ thân nhiệt được lựa chọn, nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng được đưa đến mức mục tiêu (33°C -36°C) trong khoảng thời gian thường là từ 1-3 tiếng.
Giai đoạn 2: Duy trì thân nhiệt mục tiêu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của bệnh nhân có thể được duy trì trong 24-48 tiếng.
Giai đoạn 3: Làm ấm trở lại. Mức tăng thân nhiệt mỗi 0.25°C - 0.5°C một giờ được áp dụng để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra.
Giai đoạn 4: Duy trì thân nhiệt bình thường. Trong giai đoạn này nhiệt đột trung tâm cơ thể được duy trì từ 36.5°C -37.5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng.
Khoa Hồi sức Tích cực – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt bề mặt với tấm dán ARCTIC GEL Pads qua hệ thống quản lý nhiệt độ ARCTIC SUN. Phương pháp này có ưu điểm là không xâm nhập, có thể nhanh chóng triển khai trên bệnh nhân, đảm bảo đạt được thân nhiệt mục tiêu nhanh và duy trì thân nhiệt tốt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cấp cứu ngoạn mục trẻ 6 tuổi sốc phản vệ do kháng sinh.