Theo Báo cáo khảo sát dinh dưỡng quốc gia năm 2019, tỷ lệ người lớn thừa cân và béo phì là 19,8%, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp cao và ung thư…
ThS.BS Đoàn Anh Tú - Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị béo phì được áp dụng, thường được chia thành hai nhóm chính như sau:
Điều trị không phẫu thuật
Nguyên lý chung cho điều trị béo phì không can thiệp phẫu thuật là làm giảm lượng mỡ thừa thông qua việc làm giảm năng lượng đưa vào cơ thể. Điều trị béo phì không phẫu thuật bao gồm:
Chế độ ăn
Mục tiêu của các phương pháp ăn kiêng là làm giảm 10% trọng lượng cơ thể của bệnh nhân béo phì. Ở những bệnh nhân béo phì có BMI trên 35 hoặc BMI trên 30 kèm theo bệnh lý đái đường thì mục tiêu cần đạt được lên tới 15- 20% trọng lượng cơ thể. Có nhiều loại chế độ ăn:
Chế độ ăn giảm năng lượng hay giảm béo: Đây là phương pháp giảm cân thông dụng nhất, bao gồm giảm lượng calo tiêu thụ trong ngày, thường bằng cách giảm ăn đường, tinh bột và chất béo. Chế độ ăn giảm béo này thường cung cấp 1200-1500 calo/ngày cho phụ nữ và 1500-1800 calo/ngày cho nam giới.
Chế độ ăn giảm năng lượng nhiều protein: Chế độ ăn giảm năng lượng nhiều protein cũng là một phương pháp điều trị béo phì hiệu quả. Là bởi vì protein giúp cảm giác no lâu hơn so với tinh bột và chất béo, từ đó giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn và giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều protein có thể gây hại cho thận và gan, vì vậy cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện chế độ ăn này.
– Chế độ ăn rất thấp calo (< 1000 kcal/ngày): Đây là phương pháp giảm cân nhanh, tuy nhiên nó có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, mất nước, suy dinh dưỡng và giảm trí nhớ. Do đó, phương pháp này thường chỉ được sử dụng trong trường hợp cần giảm cân nhanh để phục hồi sức khỏe cho những người béo phì có các bệnh liên quan đến cân nặng như bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.
Điều trị thuốc
Cục quản lý dược của Mỹ hiện nay cấp phép cho một số loại thuốc lưu hành trên thị trường: phentermine, orlistat, phentermine/topiramate, lorcaserin, naltrexone và liraglutide. Các loại thuốc giảm cân này đều có tác dụng lên thần kinh trung ương để giảm cảm giác đói và thèm ăn, giúp giảm cân
Điều trị béo phì bằng thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân không thể giảm cân bằng chế độ ăn uống và hoạt động thể lực một cách hiệu quả. Trong khi các loại thuốc có thể giúp giảm cân từ 3% đến 7% trọng lượng cơ thể tùy thuộc vào từng loại, các thuốc điều trị béo phì đều có tác dụng phụ nhất định và không phù hợp cho tất cả các bệnh nhân.
Hơn nữa, khi dừng sử dụng thuốc, có đến 80% các bệnh nhân tăng cân trở lại, vì vậy việc duy trì chế độ ăn uống và hoạt động thể lực là cần thiết để giảm thiểu tác dụng phụ và đảm bảo hiệu quả của việc giảm cân.
Vận động thể lực
Việc tập thể dục và hoạt động thể lực đều là phương pháp hiệu quả để giảm cân và cải thiện sức khỏe. Những bệnh nhân béo phì không hoạt động thể lực hay không tập thể dục tăng nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Hiệu quả giảm cân của việc hoạt động thể lực hay tập thể dục thay đổi tùy mức độ và thời gian tập luyện, mức độ giảm cân cũng thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân.
Điều trị bằng phẫu thuật
Các phẫu thuật điều trị béo phì hiện nay đã phát triển đáng kể và đa dạng hơn. Song hai phương pháp điều trị đang được sử dụng nhiều nhất là phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày và phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống.
Phẫu thuật nội soi đặt vòng thắt dạ dày là phương pháp giảm cân bằng cách đặt một vòng thắt dạ dày, giúp hạn chế lượng thức ăn được tiêu thụ. Vòng thắt này được đặt quanh phần trên của dạ dày bằng cách phẫu thuật nội soi, sau đó được điều chỉnh để đạt được mức độ giảm cân mong muốn.
Phẫu thuật nội soi cắt dạ dày hình ống là phương pháp giảm cân bằng cách loại bỏ khoảng 80% của dạ dày, chỉ để lại một hình ống hẹp. Phương pháp này đem lại hiệu quả giảm cân cao song có thể gây tác dụng phụ như chảy máu, nhiễm trùng hoặc thậm chí là tử vong trong một số trường hợp.
Mỗi phương pháp phẫu thuật béo phì đều có ưu nhược điểm riêng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể phẫu thuật viên sẽ tư vấn và lựa chọn phẫu thuật phù hợp.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị thừa cân, béo phì phù hợp với từng bệnh nhân cần được tư vấn và theo dõi bởi các chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Tự ý sử dụng thuốc điều trị béo phì có hại không?