1. Phương pháp điều trị đạm niệu theo từng nguyên nhân
1.1. Điều trị đạm niệu (protein niệu) do đái tháo đường:
Nếu đạm niệu có nguyên nhân do đái tháo đường, tùy mức độ ảnh hưởng mà bác sĩ sẽ đề ra một kế hoạch điều trị giúp kiểm soát bệnh và làm chậm quá trình tổn thương thận.
Các giải pháp bao gồm:
- Kiểm soát đường huyết: Đo lượng đường trong máu thường xuyên để điều chỉnh tốt lượng đường huyết ở mức an toàn. Tùy bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc dạng uống hoặc liệu pháp insulin để kiểm soát lượng đường huyết cao.
Đường huyết cần duy trì HbA1C ≤ 7,0. Khi đường huyết ổn định làm giảm albumin niệu vi lượng nhưng có thể không làm chậm tiến triển của bệnh nếu bệnh thận do đái tháo đường đã được hình thành.
- Dùng thuốc điều trị huyết áp ở bệnh nhân đạm niệu do đái tháo đường kèm tăng huyết áp: Kiểm soát huyết áp tích cực bắt đầu bằng thuốc ức chế thụ thể angiotensin. Thuốc làm giảm huyết áp và protein niệu cũng như làm chậm sự tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường. Nên dùng thuốc điều trị ngay khi phát hiện có microalbumin niệu bất kể có tăng huyết áp hay không. Mức huyết áp mục tiêu thường là 130/80, tùy theo đối tượng mà mục tiêu huyết áp có thể tăng hoặc giảm.
Ngoài thuốc ức chế angiotensin, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu để đạt được mức huyết áp mục tiêu.
Thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridin như diltiazem, verapamil... cũng là thuốc có tác dụng làm giảm protein niệu và bảo vệ thận. Thuốc có thể được sử dụng nếu protein niệu không giảm dù đã đạt được mức huyết áp mục tiêu.
Khi kết hợp thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridine có tác dụng làm giảm protein niệu và bảo vệ thận cao hơn. Hiệu quả giảm protein niệu được tăng cường nếu kết hợp chế độ điều trị hạn chế muối.
- Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đạm niệu do đái tháo đường có kèm rối loạn lipid máu: Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu rất cần thiết. Nhóm thuốc statin nên được sử dụng đầu tay cho bệnh nhân đái tháo đường bị rối loạn lipid máu. Thuốc có tác dụng làm giảm tỉ lệ tử vong do tim mạch và protein niệu.
- Chế độ ăn: Thực hiện chế độ ăn giảm đạm, tuy nhiên không nên kiêng một cách tuyệt đối. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo người mắc bệnh đái tháo đường và bệnh thận nên hạn chế ở mức 0,8-1,2g protein/kg/ngày. Ngoài ra, cần có chế độ ăn giảm muối, hàm lượng muối cần dưới 2g/ngày.
1.2. Điều trị đạm niệu do tăng huyết áp:
Đạm niệu do tăng huyết áp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để kiểm soát chỉ số và làm chậm quá trình tổn thương thận, bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Là nhóm thuốc có tác dụng giảm huyết áp, giảm áp lực lọc trong cầu thận do làm giãn tiểu động mạch. Từ đó có tác dụng giảm protein niệu và bảo vệ thận.
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): Nhóm thuốc này cũng có tác dụng như ACE.
Uống nước sẽ không điều trị được nguyên nhân gây ra protein trong nước tiểu trừ khi cơ thể bị mất nước. Nói cách khác, điều này chỉ có tác dụng làm loãng nước tiểu, không ngăn được nguyên nhân khiến thận rò rỉ protein. Do vậy, trong mọi trường hợp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.
1.3. Điều trị đạm niệu do viêm cầu thận nguyên phát:
Đối với đạm niệu do nguyên nhân này, việc điều trị tùy từng loại viêm cầu thận. Tùy theo mỗi nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể.
2. Biện pháp làm giảm đạm niệu bằng chế độ sinh hoạt
Cách tốt nhất để làm giảm đạm trong nước tiểu là bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp kèm theo:
- Xây dựng chế độ ăn ít chất đạm. Hạn chế ăn các loại thực phẩm quá giàu chất đạm.
- Hạn chế lượng muối trong thực đơn hàng ngày.
- Ăn nhiều chất xơ để làm giảm cholesterol và điều chỉnh lượng đường huyết.
- Tiêu thụ chất béo lành mạnh như dầu ô liu, chất béo omega - 3.
- Tập thể dục và vận động đều đặn, ít nhất hai giờ mỗi tuần.
- Ngưng hút thuốc lá, hạn chế tối đa hút thuốc thụ động.
- Không tự ý dùng các loại thuốc chống viêm không steroid.
- Hạn chế tối đa việc tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm, thuốc giảm đau mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Giữ huyết áp ổn định.
- Kiểm soát cân nặng ở mức độ hợp lý, không để tăng cân hoặc giảm cân quá mức bình thường.
- Kiểm soát tốt bệnh lý như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp.
- Định kỳ kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Mời độc giả xem thêm video:
Những thói quen tốt cho thận cần thực hiện ngay nếu muốn có thận khỏe | SKĐS