Phương pháp điều trị chấn thương đứt dây chằng chéo sau

04-08-2024 09:50 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Dây chằng chéo sau và dây chằng chéo trước hợp với nhau tạo thành chữ X ở giữa đầu gối, giúp kết nối xương đùi với xương ống chân. Khi một trong hai dây chằng bị chấn thương sẽ ảnh hưởng đến khớp gối, do đó cần điều trị sớm.

Chấn thương dây chằng chéo sau cần điều trị như thế nào?

Để điều trị chấn thương đứt dây chằng chéo sau, cần phân loại cấp độ:

  • Độ 1: Dây chằng chéo bị rách một phần.
  • Độ 2: Dây chằng bị rách một phần và gối lỏng hơn độ I.
  • Độ 3: Dây chằng chéo bị đứt hoàn toàn gây mất vững khớp gối.
  • Độ 4: Dây chằng sau bị tổn thương cùng với một dây chằng khác ở đầu gối.

Tùy theo cấp độ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Chấn thương đứt dây chằng chéo sau thường không có biểu hiện rõ ràng như dây chằng chéo trước. Nhiều người không nhận biết được chấn thương hoặc chủ quan nghĩ đó là một sự cố nhỏ. Do đó thường để chấn thương tiến triển nặng hơn. Nếu không được điều trị đúng cách, dần dần sẽ dẫn tới viêm khớp gối. Điều đó làm tình trạng đau tồi tệ hơn và tình trạng mất vững đầu gối càng nghiêm trọng.

Phương pháp điều trị chấn thương đứt dây chằng chéo sau- Ảnh 1.

Hình ảnh đứt dây chằng chéo sau trên nội soi và hình ảnh dây chằng chéo sau sau khi được tái tạo.

Điều trị không cần phẫu thuật: Các trường hợp chấn thương dây chằng chéo sau cấp độ 1, cấp độ 2 và không có dây chằng đầu gối nào khác bị thương có thể không cần phẫu thuật. Điều trị ban đầu với chấn thương dây chằng chéo sau mức độ nhẹ có thể được thực hiện theo phương pháp sơ cứu chấn thương RICE (Rest - Ice - Compression - Elevation). Cách thực hiện như sau:

  • Rest: Bảo vệ đầu gối bằng cách nghỉ ngơi để tránh chấn thương nặng hơn.
  • Ice: Chườm lạnh đầu gối 15 phút, cách quãng rồi lại tiếp tục chườm.
  • Compression: Băng ép đầu gối nhẹ nhàng bằng băng thun chuyên dụng.
  • Elevation: Gác chân lên gối cao nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau thông thường.

Nếu sau 48 giờ thực hiện các biện pháp trên nhưng không cải thiện thì phải đến bệnh viện ngay.

Điều trị bằng phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp:

  • Chấn thương đứt dây chằng chéo sau độ 2, có biểu hiện lỏng, đau hoặc sưng nề khớp gối; chấn thương liên quan đến các dây chằng khác.
  • Tuổi thông thường từ 18 - 50.
  • Không có biến chứng thoái hóa khớp nặng, không hạn chế gấp duỗi gối, không nhiễm khuẩn khớp.

Phẫu thuật nhằm nối dây chằng, cố định xương cùng với dây chằng trở lại vị trí đúng. Tùy tình trạng chấn thương, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp can thiệp ít xâm lấn như mổ nội soi hoặc phương pháp mổ mở.

Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo sau kéo dài khoảng 60 - 90 phút. Dây chằng bị đứt có thể được thay thế bằng gân tự thân. Việc lấy gân hầu như không ảnh hưởng đến chức năng khớp gối của bệnh nhân. Trường hợp không lấy được gân tự thân, có thể sử dụng gân của người hiến.

Sau mổ, bệnh nhân cần nằm viện khoảng 5 ngày đến 1 tuần Có thể gặp một số triệu chứng sau mổ như:

- Sưng nề khớp gối: Là triệu chứng gặp ở hầu hết các bệnh nhân, sưng nhiều nhất trong tuần đầu sau mổ. Mức độ sưng khác nhau ở mỗi bệnh nhân và sẽ giảm dần và hết sau 4 - 6 tuần.

- Tê bì mặt trước trong cẳng chân, triệu chứng này thường tự hết trong khoảng vài tháng sau mổ.

- Đau tại khớp gối: Là triệu chứng thường gặp, nhưng chỉ sau 1 - 2 tuần triệu chứng đau sẽ hết.

Mặc dù kỹ thuật mổ khớp gối hiện nay an toàn, nhưng vẫn có thể xảy ra một số biến chứng:

- Nhiễm khuẩn khớp gối: Tỷ lệ khoảng 0,5%, với các triệu chứng đau nhức khớp liên tục, khớp nóng, nề, thường kèm theo sốt. Bệnh nhân cần thông báo ngay với bác sĩ để có chỉ định điều trị phù hợp.

- Nhiễm khuẩn tại vết mổ chỗ lấy gân: Có biểu hiện tấy đỏ, chảy dịch, sốt. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm ngay trong tuần đầu sau mổ, có thể nhiễm khuẩn muộn sau một vài tháng.

Nếu gặp tình trạng này, cần thông báo ngay với bác sĩ để được điều trị.

- Tràn dịch khớp gối: Tùy mức độ khác nhau, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định chọc hút dịch khớp nếu tràn dịch mức độ nhiều, gây căng tức khớp gối, ảnh hưởng đến vận động.

- Hạn chế gấp/duỗi gối, thậm chí có thể gây teo cơ tứ đầu đùi: Tình trạng này thường do bệnh nhân không tuân thủ tốt quá trình luyện tập sau phẫu thuật.

- Lỏng khớp gối: Sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có cảm giác khớp gối không vững chắc như trước khi chấn thương.

- Thoái hóa khớp: Bệnh nhân có biểu hiện đau khớp, đau tăng khi vận động, khi về đêm.

Phương pháp điều trị chấn thương đứt dây chằng chéo sau- Ảnh 3.

Đeo bó gối bảo vệ dây chằng nhằm hạn chế tổn thương gối và đứt dây chằng chéo.

Phương pháp phục hồi sau mổ chấn thương dây chằng chéo

Luyện tập: Để phục hồi khớp gối tốt, bệnh nhân cần luyện tập đúng quy trình, được chia thành 5 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Thực hiện tập ngay sau mổ cho đến hết 8 tuần dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Sau mổ bệnh nhân được mang nẹp gối, đi nạng đến 8 tuần, tỳ nén lên chân bệnh tăng dần. Sau 8 tuần có thể tỳ nén hoàn toàn.

Tập co cơ tĩnh các cơ đùi, cẳng chân, gấp gối thụ động tăng dần.

- Giai đoạn 2: Thực hiện nghiêm túc các bài tập cho giai đoạn từ tuần 9 - 12 sau mổ. Lúc này bệnh nhân sẽ được bỏ nẹp khóa, thay bằng bao gối. Sau đó tập bỏ nạng, tỳ chân hoàn toàn.

Có thể tập gấp gối tối đa kết hợp luyện tập như giai đoạn 1. Ngoài ra, cần tập thêm các động tác kiễng gót, khuỵu gối dựa tường, gấp, duỗi gối chủ động.

- Giai đoạn 3: Từ 3 - 9 tháng sau mổ. Tiếp tục thực hiện các bài tập như giai đoạn 2, tuy nhiên có kèm theo tải trọng như đeo bao cát hoặc tạ 3kg ở cổ chân.

Mục đích các bài tập của giai đoạn này là phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ đầu đùi. Có thể tập thêm các động tác như bơi, đạp xe, tập lên xuống cầu thang…

Giai đoạn 4: Từ 9 - 12 tháng sau mổ. Tiếp tục thực hiện các bài tập mềm dẻo và tăng cường sức mạnh. Giai đoạn này có thể tập các bài hỗ trợ các bài tập kỹ năng của môn thể thao yêu thích.

Giai đoạn 5: Bắt đầu sau 12 tháng có thể quay trở lại hoạt động, chơi thể thao bình thường như trước chấn thương.

Lưu ý nên mang bó gối trong 2 năm tiếp theo.

Mời độc giả xem thêm video:

Trụ cột U23 Việt Nam chấn thương cực nặng kèm nguy cơ phải nghỉ hết năm: Chuyên gia khuyên gì?


BS.Vũ Tuấn Anh
Ý kiến của bạn