Phương pháp diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika

06-10-2016 10:04 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết và bệnh zika chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắcxin phòng bệnh. Do vậy, phải lấy việc phòng chống muỗi truyền bệnh là chính.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika là một trong những loài muỗi vằn (màu đen, có nhiều đốm trắng) sống gần người, tên khoa học là Aedes aegypti.

Ở nước ta, muỗi vằn phân bố toàn quốc, trong ba sinh cảnh: thành thị, đồng bằng ven biển và các làng bản gần đường giao thông thủy bộ. Đó là những nơi dân cư đông đúc, thiếu nước sinh hoạt và các phương tiện giao thông (tàu hỏa, ô tô, tàu, thuyền và máy bay; chúng mang muỗi đi theo) thường xuyên qua lại.

Để diệt muỗi Ae. aegypti phải dùng biện pháp tổng hợp, vừa diệt muỗi vừa diệt các pha trước trưởng thành, bao gồm trứng, bọ gậy và lăng quăng. Việc diệt các pha trước trưởng thành là rất quan trọng, chẳng những có tác dụng phòng dịch mà còn có tác dụng nâng cao và duy trì hiệu quả của công tác chống dịch. Bởi vì khi chống dịch người ta phải phun hóa chất diệt muỗi (thường là phun dạng hạt cực nhỏ ULV), mà biện pháp này chỉ có tác dụng tồn lưu trong thời gian ngắn mà thôi. Cũng cần kể đến là việc phun hóa chất diệt muỗi rất tốn kinh phí và muỗi Ae. aegypti đã kháng với nhiều loại hóa chất diệt côn trùng rồi.

diet muoiChum vại là nơi ổ bọ gậy muỗi vằn phát triển

Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng và diệt trứng muỗi

Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách thường xuyên đậy kín các dụng cụ chứa nước như: bể, phuy, chum, vại... hủy bỏ các dụng cụ phế thải; các lốp xe ô tô hỏng phải xếp thành chồng rồi lấy nilon che lại; còn các máng nước cần làm dốc, sao cho không đọng nước.

Để ngăn ngừa muỗi đẻ trứng vào lọ hoa, ta làm nút cho chúng. Nút lọ hoa làm bằng vải mềm (vải gạc, vải  xô...) hay giấy báo, có kích thước từ 30cm x 30cm trở lên, tùy theo kích thước của miệng bình. Sau khi đặt cành hoa hoặc cây hoa vào lọ, ta nhét miếng vải mềm hay mảnh giấy báo vào kẽ của các cành, các cây và thành bình. Làm như vậy, muỗi không thể chui vào đẻ trứng được nữa.

diet muoiLọ hoa có nút

Để diệt trứng muỗi, phải thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước ăn và nước rửa. Triệt để hơn, dùng nước sôi dội lên thành bên trong các dụng cụ chứa nước, nơi có trứng muỗi bám vào, bằng cách dùng ấm đựng nước vừa sôi dội từ từ tùy theo dụng cụ chứa nước to hay nhỏ, thành dụng cụ cao hay thấp mà ước lượng lượng nước sôi cần dùng, sao cho toàn bộ thành bên trong (kể từ trên miệng dụng cụ đến mặt nước) được tráng hết là được. Chúng tôi đã theo dõi ở thực địa, những dụng cụ chứa nước đã được xử lý theo phương pháp này thì trứng muỗi chết hết.

Xin nhấn mạnh rằng, việc diệt trứng muỗi Ae. aegypti là rất cần thiết. Nó góp phần làm giảm số lượng muỗi trưởng thành, trong số đó có những con đã mang sẵn mầm bệnh, bởi virus dengue (sốt xuất huyết) và virút Zika có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của muỗi là trung gian truyền bệnh qua giai đoạn trứng. Nói rõ hơn, có những con muỗi chưa hút máu người có bệnh đã mang mầm bệnh rồi.

Diệt bọ gậy và lăng quăng

Ở những dụng cụ chứa nước ăn nước rửa trong các gia đình như bể, phuy, chum, vại... bể cảnh, tốt nhất là thả cá. Các loài cá thường sử dụng là cárô phi, cá cờ, cá vàng, cá bảy màu...Chú ý, phải thả bổ sung ngay khi thấy cá bị mất hay bị chết.

Cho dầu hoặc bỏ muối ăn vào các bát chống kiến( kê chân chạn) và khay hứng nước dưới gầm tủ lạnh...Việc phòng chống chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika, trong đó việc diệt muỗi truyền bệnh là rất quan trọng. Việc này chỉ có thể thành công khi được tiến hành thường xuyên dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, tham gia của các đoàn thể, trường học và sự hưởng ứng, cùng làm của mọi người, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.


TS. VŨ ĐỨC HƯƠNG
Ý kiến của bạn