Mẹ tôi 65 tuổi, bị trượt ngã không đứng dậy được, kêu đau. Tôi đưa mẹ khám chụp Xquang, bác sĩ kết luận bị gãy cổ xương đùi. Tôi được biết có thể thay khớp háng nhân tạo do thoái hóa. Vậy trường hợp mẹ tôi có nên thay không?
Vũ Thị Lan (Nam Định)
Xương người cao tuổi thường giòn, dễ gãy do bị loãng xương. Vì thế chỉ cần 1 chấn thương nhẹ như trượt chân, ngã ngồi bệt xuống đất cũng có thể dẫn tới gãy xương. Một trong những loại xương gãy thường gặp chính là gãy cổ xương đùi vì loại xương này nặng, khó liền và khi gãy để lại nhiều biến chứng. Biểu hiện của cổ xương đùi gãy là sau khi ngã bệnh nhân thấy đau vùng háng, không thể đứng dậy được, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong do gãy xương gây đau đớn, bệnh nhân không thể cử động chân bị gãy, phải nằm yên một chỗ; từ đó sinh ra những biến chứng như loét da vùng lưng, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất với người cao tuổi là thay khớp háng nhân tạo, mục đích là loại bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo. Nhờ phương pháp thay khớp háng nhân tạo, bệnh nhân có thể cử động khớp háng mà không bị đau đớn, có thể đứng lên và đi sớm, tránh được các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
BS. Thanh Xuân