Hà Nội

Phương pháp can thiệp động mạch chủ: “Cứu tinh” của người bị phình tách động mạch chủ

14-11-2018 16:12 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Phình tách động mạch chủ là tình trạng bệnh lý của thành động mạch chủ khi thành mạch bị giãn và/hoặc tách ra dẫn đến tiến triển dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ vỡ do áp lực của mạch máu. Đây là bệnh lý nguy hiểm vì nguy cơ vỡ động mạch chủ gây chảy máu ồ ạt, trụy mạch, sốc và tử vong nhanh chóng.

Triệu chứng của bệnh

Với bệnh lý phình động mạch chủ (ĐMC) ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nên hầu hết chỉ được phát hiện khi túi phình đã lớn, bệnh nhân tự sờ thấy hoặc phát hiện vô tình qua siêu âm bụng khi thăm khám một bệnh lý khác. Đối với những túi phình có đường kính lớn hơn 5cm thì tỷ lệ tử vong do vỡ hoặc bóc tách ĐMC khoảng 15,6%/năm. Khi ĐMC vỡ, tỷ lệ tử vong lên đến 97 - 100% dù được can thiệp một cách tích cực. Do đó, người bệnh cần can thiệp ngoại khoa khi đường kính túi phình lớn hơn 5cm.

Với bệnh lý tách thành ĐMC, thường là hậu quả của tăng huyết áp, xơ vữa gây loét thành ĐMC hoặc chấn thương ĐMC. Khi mắc, người bệnh thường có triệu chứng đau dữ dội vùng ngực và lan xuống dọc sống lưng. Khi có thiếu máu các tổ chức nội tạng hoặc có dấu hiệu dọa vỡ hay vỡ thì bệnh nhân cần được can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu. Trong trường hợp đã vỡ, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 95-100% dù được xử trí kịp thời.

Một số hình ảnh trong lớp đào tạo can thiệp nội mạch bệnh lý động mạch chủ dành cho các bác sĩ đến từ Indonesia và Malaysia.

Một số hình ảnh trong lớp đào tạo can thiệp nội mạch bệnh lý động mạch chủ dành cho các bác sĩ đến từ Indonesia và Malaysia.

Nguyên nhân gây bệnh

Phình tách ĐMC là căn bệnh rất nguy hiểm, để lại biến chứng nặng, thậm chí có thể gây đột tử mà nguyên nhân hàng đầu là do tăng huyết áp không được kiểm soát tốt. Vì vậy, để phòng bệnh, cần theo dõi huyết áp, nhất là ở những người bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, tránh căng thẳng, bức xúc nhiều...

Phương pháp điều trị bệnh

Nếu bệnh nặng, ngay lập tức được chỉ định bằng phương pháp phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, phương pháp này có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột....

Hiện nay, Viện Tim mạch Việt Nam với kỹ thuật đặt stent graft vào ĐMC (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt) qua ống thông trong lòng mạch đi đến vị trí thành ĐMC bị yếu (nơi bị phình tách). Tại đây, stent graft sẽ như một hàng rào vững chắc bảo vệ thành ĐMC, giảm nguy cơ bị vỡ ĐMC mà không cần phẫu thuật giúp người bệnh tránh một cuộc mổ lớn, hồi phục nhanh, ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện và không cần sự trợ giúp của máy tuần hoàn ngoài cơ thể đối với phình tách ĐMC ở ngực.

So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft vào ĐMC đã mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến tim,  giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn. Kỹ thuật đặt stent graft mở ra triển vọng mới để điều trị cho các bệnh nhân bị phình tách ĐMC ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều (khoảng 150 - 400 triệu đồng) so với ra nước ngoài (khoảng 30.000 - 50.000 USD, chưa kể chi phí đi lại của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân). Mặt khác, đây là một bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao nếu phải di chuyển xa ra nước ngoài.

Kỹ thuật tiên tiến này đã được các thầy thuốc Viện Tim mạch Việt Nam áp dụng từ những năm 2010. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 100 bệnh nhân được can thiệp ĐMC bằng phương pháp này.

Viện Tim mạch Việt Nam không những là cơ sở đào tạo về tim mạch nội khoa và tim mạch can thiệp lớn nhất trong cả nước mà còn tổ chức đào tạo kỹ thuật cho các bác sĩ đang công tác tại các tỉnh thành trong cả nước và các bác sĩ nước ngoài trong khu vực.

Đầu tháng 11/2018 vừa qua, Viện Tim mạch đã tổ chức thành công một lớp đào tạo kỹ thuật can thiệp nội mạch bệnh lý ĐMC cho các bác sĩ đến từ Indonesia và Malaysia. Lớp được tiến hành trong 2 ngày 2-3/11/2018. Trong thời gian học, đã có 5 bệnh nhân bị bệnh lý phình và tách thành ĐMC được đưa ra thảo luận và tiến hành can thiệp thành công.

Can thiệp nội mạch mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh nhờ thời gian hậu phẫu ngắn, nhẹ nhàng, người bệnh hồi phục mau chóng. Kỹ thuật đặt ống ghép nội mạch đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao và sự tinh tế trong thực hiện thủ thuật, dưới sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.

Song song với việc ứng dụng cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới, Viện Tim mạch Việt Nam cũng đang triển khai hàng loạt các kỹ thuật can thiệp tiên tiến khác như: kẹp clip van hai lá cho các bệnh nhân hở van hai lá nhiều (Mitral Clip), thay van ĐMC qua da (TAVR) thay vì mổ mở như trước kia... Các kỹ thuật này không những giúp cho bệnh nhân nhanh hồi phục, rút ngắn thời gian nằm viện mà còn giúp giảm chi phí cho bảo hiểm xã hội...


PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn