Hà Nội

“Phương án B” cho một thỏa thuận hạt nhân Iran mới

23-05-2018 09:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ngày 12/5 và khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt, Iran đã trở thành “từ khóa” khiến các diễn đàn chính trị quốc tế nóng lên từng giờ.

Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Mỹ sẽ không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là JCPOA, thay vào đó đưa ra 12 yêu cầu cơ bản cho một thỏa thuận hạt nhân mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chương trình hạt nhân Iran. Các yêu cầu chính bao gồm yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani, không tái chế plutoni, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel.

Ông Pompeo kêu gọi tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn cho vấn đề hạt nhân Iran.

Ông Pompeo kêu gọi tìm kiếm thỏa thuận tốt hơn cho vấn đề hạt nhân Iran.

Ông Pompeo kêu gọi tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn, cảnh báo Mỹ sẽ gây áp lực tài chính chưa từng có nhằm đưa Tehran trở lại bàn đàm phán. "Việc này sẽ kết thúc với những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử", ông Pompeo nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chỉ được thực hiện khi Washington chứng kiến những thay đổi rõ ràng trong chính sách của Tehran. Tân Ngoại trưởng Mỹ cho biết nếu thỏa thuận mới thỏa mãn chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế toàn diện với Iran.

Giới phân tích cho rằng tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pompeo là "phương án B" trong chiến lược của Mỹ đối với Iran trong bối cảnh các nước EU và Iran đang tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này. Iran hiện chưa có bình luận chính thức sau tuyên bố nêu trên của Ngoại trưởng Mỹ.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ và 12 biện pháp đe dọa phía Mỹ đưa ra đã làm tăng lo ngại về rủi ro tài chính cho các tổ chức châu Âu muốn đầu tư vào Iran. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo EU đang tìm kiếm giải pháp giảm bớt áp lực nhưng vẫn đảm bảo hợp tác kinh tế với Tehran. Ủy viên châu Âu Canete khẳng định JCPOA là “nền tảng của hòa bình”, đồng thời vạch ra các kế hoạch của EU nhằm tiếp tục mua dầu và khí đốt của Iran cũng như bảo vệ các công ty châu Âu, bất chấp việc Mỹ nối lại các lệnh trừng phạt EU trong 6 tháng tới. Theo ông, thông điệp của EU gửi tới Iran là châu Âu sẽ thực hiện các cam kết của mình chừng nào còn gắn liền với thỏa thuận này và sẽ nỗ lực tăng cường hoạt động thương mại vốn tiến triển rất tích cực với Iran. Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra các biện pháp chính thức nhằm kích hoạt một “Đạo luật” để hạn chế tác động của các lệnh cấm vận của Mỹ đối với các công ty châu Âu muốn đầu tư vào Iran. EU hy vọng “Đạo luật” mới này cho phép các công ty và tòa án châu Âu không tuân thủ luật về các biện pháp trừng phạt của bên thứ ba và không có phán quyết của tòa án nước ngoài được áp dụng trên cơ sở pháp luật đó trong EU. EU cũng đưa ra các biện pháp cho phép ngân hàng đầu tư châu Âu hỗ trợ đầu tư châu Âu tại Iran, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong một diễn biến mới nhất, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi hôm 19/5 cảnh báo Tehran có thể nối lại hoạt động làm giàu urani ở mức 20%, nếu các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), không duy trì được thỏa thuận này sau khi Mỹ rút lui. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng và khí hậu Miguel Arias Canete đang ở thăm Tehran, ông Saleki khẳng định nếu các bên giữ lời hứa, Tehran cũng sẽ thực hiện cam kết của mình. Theo ông, chính sách của Tehran hiện nay là kiên nhẫn và chờ đợi song sẽ chỉ trong vài tuần. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran nhấn mạnh mọi khả năng có thể xảy ra, trong đó có khả năng bắt đầu làm giàu urani ở mức 20%. Dự kiến, Ủy ban châu Âu và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, EU và Iran sẽ tổ chức một hội nghị về hợp tác hạt nhân tại Brussels vào tháng 11 tới.

Mặt khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi ngày 21/5 khẳng định quân đội Iran sẽ vẫn ở Syria nếu như mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố còn tiếp tục và chính phủ Syria vẫn mong muốn có sự giúp đỡ từ Iran. Giới phân tích cho rằng động thái trên sẽ trở thành thách thức lớn đối với Mỹ nếu Washington muốn kiểm soát tình hình Syria.


Ngọc Thạch
Ý kiến của bạn