Hiện nay, hầu như chị em nào cũng phun xăm một bộ phận trên khuôn mặt. Điều đó cho thấy phun xăm chính là cách trang điểm lâu dài và tiện lợi mà chị em ưa chuộng. Chính vì vậy mà dịch vụ xăm phát triển rộng rãi, từ những cơ sở lớn cho đến quán cắt tóc gội đầu trong ngõ hay cả phun xăm “dạo” đều cung cấp dịch vụ này. Không thể phủ nhận những tiện lợi về thẩm mỹ sau khi phun xăm. Tuy nhiên, trước khi thực hiện phun xăm, bạn cần phải lưu ý thật kỹ, nhất là khi lựa chọn hình thức gọi thợ xăm đến làm tại nhà, bởi rất khó đạt chất lượng, dễ gặp phải những nguy cơ sức khỏe.
Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Mực xăm đưa vào dưới da sẽ tồn tại lâu dài trên môi, giúp nét mặt hồng hào, tươi tắn mà không cần trang điểm. Hiện nay phương thức thực hiện chủ yếu là phun xăm bằng máy, vì dễ thao tác, điều chỉnh lớp xăm nông sâu tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Nhiễm trùng do phun xăm.
Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể liệt kê một số nguy cơ mà chị em có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật làm đẹp đơn giản này:
Nhiễm trùng tại chỗ xăm: Sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi xăm, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người. Đây là biến chứng ngoài mong muốn đáng sợ nhất mà bạn có thể gặp phải khi phun xăm, nhất là phun xăm tại nhà. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do dụng cụ xăm môi chưa được vệ sinh sạch sẽ, không vô trùng và dùng nhiều lần. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc nhẹ hơn thì cũng làm chậm quá trình lành của chỗ phun xăm, tốc độ hồi phục chậm. Thông thường, nếu sưng khoảng 2-3 ngày thì không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu chỗ xăm vẫn sưng sau 5 - 6 ngày, thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
Bị dị ứng với mực xăm: Đây là tình trạng rất thường gặp. Không ít chị em dở khóc dở cười vì bị dị ứng sau phun xăm. Nơi dễ bị dị ứng nhất là môi và mắt. Dị ứng khi phun xăm môi thường biểu hiện bằng việc da bị viêm, sưng tấy, tróc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người đi phun xăm. Hầu hết những loại mực xăm hiện có trên thị trường đều chứa các thành phần hóa học độc hại. Những sản phẩm sản xuất ở Âu Mỹ, hoặc chiết xuất từ thành phần thảo mộc thường ít gây tác dụng phụ hơn các loại mực xăm xuất xứ không rõ ràng, đặc biệt là các loại mực xăm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở phun xăm quy mô nhỏ lại hay chọn mực xăm trôi nổi, không nhãn mác. Nếu mực phun kém chất lượng cùng với thiết bị phun xăm không vệ sinh thì nguy cơ bị dị ứng với mực xăm cao hơn nhiều, đặc biệt là với những người có cơ địa dị ứng, nhạy cảm.
Lây các bệnh truyền nhiễm: Nếu không tiệt trùng đúng cách, vật dụng, máy móc dùng trong quá trình phun xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, viêm gan B, C, giang mai..., nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ làm dạo, không hiểu tầm quan trọng của việc khử trùng hoặc không có điều kiện khử trùng dụng cụ đầy đủ.
Chưa kể các rủi ro có thể gặp phải như môi, mày không đều màu, viền môi bị lệch, màu xăm bị biến đổi không như màu mực gốc đã chọn trước đó... Việc mời thợ phun xăm dạo đến nhà làm thì khó ai có thể kiểm chứng được trình độ thực sự của họ, nên lỗi này sẽ dễ gặp. Khi đó chị em sẽ phải làm đi làm lại để cho đều. Lạm dụng phun xăm quá nhiều lần còn khiến chị em bị trơ da, da không ăn mực dẫn đến việc xăm màu lên mày, môi trở nên khó khăn và không đạt hiệu quả thẩm mỹ như mong muốn.
Lưu ý: Trước khi phun xăm, chị em nên lựa chọn cơ sở làm đẹp có điều kiện vệ sinh an toàn, đúng cách trong phun xăm, dựa trên các tiêu chí như: Các kỹ thuật viên (KTV) phải được đeo bao tay tiệt trùng, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho khách hàng và chính bản thân KTV. Tất cả các dụng cụ liên quan như chum đựng mực, kim, xuyên kim, bông gòn, đồ lót khay, thuốc tê, máy móc, dao lam phải được hấp sạch và tiệt trùng trước khi làm, không chỉ kim mới mà tất cả dụng cụ liên quan đều phải mới, tiệt trùng và riêng biệt.
Khi có các phản ứng sau phun xăm, cần đi khám ở chuyên khoa da liễu để được tư vấn điều trị phù hợp.