Phun xăm thẩm mỹ - nhiều nguy cơ đáng ngại

23-09-2019 06:11 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Hiện nay, trào lưu phun xăm thẩm mỹ rất phổ biến không chỉ ở giới trẻ mà những người lớn tuổi cũng sử dụng phương pháp này để làm đẹp.

Có thể là xăm mày, xăm môi hoặc cũng có thể là những hình xăm rất đa dạng tạo mảng lớn tại các bộ phận trên cơ thể. Quá trình phun xăm cũng khiến mọi người phải đối diện với nhiều nguy cơ.

Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm môi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể liệt kê một số mối nguy cơ mà chị em có thể gặp phải khi thực hiện thủ thuật làm đẹp đơn giản này:

Ngộ độc và dị ứng thuốc tê

Trong phun xăm phải bôi thuốc tê để giảm đau cho người phun xăm. Khi phun xăm trên những mảng da lớn, nhiều người phải tiêm thuốc tê. Cũng có trường hợp yêu cầu được tiêm thuốc tê cho đỡ đau. Việc tiêm và bôi thuốc tê có thể gây ngộ độc hoặc dị ứng thuốc tê.

Ngộ độc thuốc tê xảy ra khi nồng độ thuốc tê trong máu người bệnh tăng quá mức cho phép. Mỗi loại thuốc tê có nồng độ cho phép nhất định. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc tê là do: Cho bệnh nhân dùng quá liều thuốc tê. Tiêm nhầm thuốc tê vào mạch máu. Gây tê ở vùng giàu mạch máu như: tầng sinh môn, cổ tử cung...

Biểu hiện ngộ độc thuốc tê sẽ thể hiện chủ yếu ở hai cơ quan là hệ thần kinh trung ương và tim mạch, cụ thể bao gồm: Nhức đầu, ù tai, rối loạn thị lực, lưỡi và môi bị tê. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể co giật, hôn mê, mất ý thức.

Dị ứng thuốc gây tê: Bệnh nhân bị dị ứng thuốc gây tê có thể biểu hiện tại chỗ như nổi ban đỏ, mề đay, bị phù, viêm da... Nặng hơn, bệnh nhân sẽ dị ứng toàn thân với các triệu chứng tương tự kể trên và co thắt phế quản, trụy tim mạch...

Thuốc tê có thể gây tổn thương tại chỗ gây tê trong những trường hợp sử dụng thuốc gây tê nồng độ cao, tiêm nhầm số lượng lớn thuốc gây tê hay có lẫn hóa chất trong thuốc gây tê.

Nên lựa chọn cở sở phun xăm thẩm mỹ uy tín, an toàn.

Nên lựa chọn cở sở phun xăm thẩm mỹ uy tín, an toàn.

Nhiễm khuẩn tại chỗ xăm: Thực chất các kỹ thuật phun, xăm, thêu hay điêu khắc đều là những phương cách mang tính chất xâm lấn vào trong bề mặt da, tùy độ nông sâu mà ít hay nhiều cũng gây chảy máu và có thể bị nhiễm khuẩn. Nguyên nhân của nhiễm khuẩn thường do vi khuẩn tụ cầu gây ra làm cho những vết xăm bị viêm và mưng mủ. Một số trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn sẽ là hoại tử, viêm quầng và máu bị nhiễm trùng. Sưng, tấy đỏ kéo dài, chảy máu, nổi mụn, môi bị tụ mủ là những hậu họa khó lường sau khi phun xăm, bên cạnh biểu hiện hay gặp như sưng nề trong vài ngày đầu tùy cơ địa của từng người. Thông thường, nếu vùng phun xăm sưng khoảng 2-3 ngày thì không cần phải lo lắng quá vì chỗ sưng sẽ tự lành, nhưng nếu chỗ xăm vẫn sưng tấy đỏ sau 5 - 6 ngày, thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.

Bị dị ứng với mực xăm: Đây là tình trạng rất thường gặp, nhất là những người có cơ địa dị ứng thì càng cần phải cân nhắc cẩn thận trước khi thực hiện phun xăm. Những chất tạo màu được đưa vào da để tạo ra các hình xăm có thể gây ra những phản ứng tại chỗ. Ví dụ chỗ xăm hình hoặc toàn thân có thể bị gây đỏ bởi lượng thủy ngân có trong màu xăm. Da bị chuyển sang màu xanh lá cây do crom gây ra. Cũng có một vài trường hợp có phản ứng với màu xanh gây ra những đám màu xanh nhạt và có người còn bị viêm màng bồ đào.

Phản ứng sưng phù, nổi mẩn đỏ, gây ngứa, bong vảy tại những vùng xăm. Những phản ứng này có thể xảy ra ngay sau khi xăm hoặc cũng có thể là sau đó vài tuần thậm chí là vài năm. Trường hợp này thường xảy ra rất phổ biến đối với những người xăm môi hoặc xăm màu đỏ lên da và rất khó chữa trị, có thể sẽ mất khoảng thời gian rất dài hoặc phải dùng đến những biện pháp y học để khắc phục.

Hầu hết những loại mực xăm hiện có trên thị trường đều chứa các thành phần hóa học độc hại. Những sản phẩm sản xuất ở Âu- Mỹ, hoặc chiết xuất từ thành phần thảo mộc thường ít gây tác dụng phụ hơn các loại mực xăm xuất xứ không rõ ràng, đặc biệt là các loại mực xăm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở phun xăm quy mô nhỏ lại hay chọn mực xăm trôi nổi, không nhãn mác. Do vậy rất dễ xảy ra tình trạng cơ thể phản ứng với mực xăm, đặc biệt là với những khách hàng có cơ địa dị ứng, nhạy cảm.

Lây các bệnh truyền nhiễm: Nếu không tiệt trùng đúng cách, vật dụng, máy móc dùng trong quá trình phun, xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B,C..., nhất là khi thực hiện tại các cơ sở nhỏ không hiểu tầm quan trọng của việc khử trùng hoặc không có điều kiện khử trùng dụng cụ đầy đủ.

Lạm dụng phun, xăm quá nhiều lần còn khiến chị em bị trơ da, da không ăn mực dẫn đến việc xăm màu lên mày, môi trở nên vô cùng khó khăn và không đạt hiệu quả thẩm mĩ như mong muốn.

Lời khuyên của bác sĩ

Trước khi phun xăm, chị em nên lựa chọn cơ sở làm đẹp có điều kiện vệ sinh an toàn, đúng cách trong phun xăm, dựa trên các tiêu chí như: Các kỹ thuật viên (KTV) phải được đeo bao tay tiệt trùng, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho khách hàng và chính bản thân KTV. Tất cả các dụng cụ liên quan như chum đựng mực, kim, xuyên kim, bông gòn, đồ lót khay, thuốc tê, máy móc, dao lam phải được hấp sạch và tiệt trùng trước khi làm, không chỉ kim mới mà tất cả dụng cụ liên quan đều phải mới, tiệt trùng và riêng biệt.

Khi có các phản ứng sau phun xăm thì cần đi khám ở chuyên khoa da liễu để được điều trị dứt điểm.


BS. Nguyễn Hồng Hà
Ý kiến của bạn