Thế giới đang già dần, hiện nay 2/3 số người được coi là già khi tuổi đã trên 65 tuổi vẫn đang sống và mang trong mình khá nhiều loại bệnh tật. Đặc điểm nổi bật nhất ở người già là sự lão hóa của cơ thể, quá trình này bắt đầu từ tuổi 30 và tiến triển dần dần qua năm tháng. Tuy nhiên, quá trình lão hóa cũng khác nhau tùy theo mỗi cá thể. Trong một con người thì sự lão hóa của mỗi cơ quan cũng khác nhau, có những cơ quan suy giảm một cách đột ngột, độc lập với các cơ quan khác và chịu nhiều vào sự ảnh hưởng của dinh dưỡng, môi trường và lối sống của mỗi cá nhân. Lão hóa bình thường có thể gia tăng do các yếu tố nguy hại như: tăng huyết áp, nghiện thuốc lá và có lối sống quá tĩnh tại.
Bệnh cảnh lâm sàng thường luôn không điển hình
Bệnh của người già thường gây tổn thương ở những cơ quan xung yếu nhất của cơ thể như: não, tim, gan, hệ nội tiết… vì các cơ quan này thường khác nhau giữa các cá thể nên bệnh cảnh lâm sàng thường không điển hình. Ví dụ như chỉ có không đầy 1/4 số người già bị bệnh cường giáp có đầy đủ tam chứng kinh điển: bướu cổ, run tay, lồi mắt. Trong khi số còn lại dù bị bệnh cường giáp, nhưng lại có triệu chứng ở các cơ quan khác và không điển hình như: rung nhĩ, lú lẫn, trầm cảm, ngất hay suy nhược cơ thể. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào các triệu chứng kinh điển sẽ dẫn đến chẩn đoán sai, điều này đã có khá nhiều cơ sở y tế và nhiều thầy thuốc mắc phải. Do đó, với người già việc chẩn đoán phân biệt giữa các bệnh với nhau phải tương đối rộng, tránh bỏ sót bệnh dẫn đến những tác hại khôn lường và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh của người già thường bộc lộ ngay từ giai đoạn sớm
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế tự bù trừ của cơ thể bị giảm theo thời gian. Ví dụ như suy tim có thể xuất hiện sớm ngay khi mới bị chớm cường giáp, rối loạn về nhận thức cũng xuất hiện sớm ngay khi bệnh Alzheimer mới ở mức độ nhẹ, rối loạn đi tiểu đã có ngay khi u tuyến tiền liệt mới hơi to…Vì vậy, nghe như có nghịch lý là việc điều trị bệnh ở người lớn tuổi trong một số trường hợp có thể dễ hơn so với người trẻ tuổi. Nhưng với người lớn tuổi còn một vấn đề rất khó đó là sự đáp ứng với thuốc điều trị thường kém hơn so với người trẻ tuổi và gặp nhiều đáp ứng phụ hơn.
Nhiều dấu hiệu được coi là bình thường
Trong thực tế do quá trình lão hóa, cho nên có nhiều dấu hiệu có thể được coi là bệnh lý ở người trẻ nhưng lại là bình thường và tương đối phổ biến với người già như: Nước tiểu có vi trùng, ngoại tâm thu của tim, giảm canxi trong xương, giảm dung nạp đường huyết, tăng tần suất co bóp của bàng quang… và những biểu hiện đó chưa chắc đã phải do bệnh lý gây ra. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng các thầy thuốc và gia đình bệnh nhân cũng không được phép chủ quan. Một nhận định sai sẽ dẫn đến việc xử lý sai. Ví dụ như việc tìm thấy vi trùng trong nước tiểu của người bệnh có triệu chứng sốt đi kèm thì phải luôn nghĩ đến nhiễm trùng cấp tính của đường tiết niệu và cần có những điều trị cần thiết ngay.
Việc chẩn đoán không nên quá đơn giản
Đối với thầy thuốc, do các triệu chứng bệnh ở người già thường do nhiều nguyên nhân nên không được đơn giản hóa các chẩn đoán, ngay từ trong tiềm thức của mình. Ví dụ ở một bệnh nhân có các triệu chứng về tim mạch như: thiếu máu, tiếng thổi ở tim, tắc động mạch võng mạc…; ở người trẻ thì thầy thuốc có phản xạ chẩn đoán là bệnh viêm nội tâm mạc, tức là viêm màng trong của tim ngay. Nhưng với người già thì khác hẳn, việc thiếu máu có thể do sử dụng asprin để phòng nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tắc động mạch do xơ vữa động mạch và rối loạn chuyển hóa mỡ. Vì vậy, đối với người già không nên chỉ hướng độc nhất vào một bệnh, một chẩn đoán mà phải nghĩ đến nhiều khả năng và bệnh lý khác nữa. Điều này đòi hỏi phải có sự thăm khám tỉ mỉ, kỹ lưỡng, thầy thuốc có kiến thức rộng, có kinh nghiệm và có sự hợp tác tốt với gia đình bệnh nhân.
Hơn thế nữa, khi đã chẩn đoán đúng thì việc điều trị bệnh duy nhất ở người bệnh lớn tuổi nhiều khi cũng không có kết quả mà phải điều trị một cách tổng thể kể cả các bệnh đi kèm, tâm lý, dinh dưỡng, môi trường sống và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.