Phục mạch thang - thuốc quý trị thiếu máu

SKĐS - Theo Y học cổ truyền, thiếu máu thuộc phạm vi chứng huyết hư, hư lao.

Nguyên nhân là do sự rối loạn hoạt động của các tạng tâm, tỳ, thận ảnh hưởng đến khí huyết của cơ thể mà sinh bệnh. Triệu chứng chủ yếu của thiếu máu là khí huyết hư tâm mạch yếu.

Theo Y học hiện đại, thiếu máu là một triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh. Có nhiều nguyên nhân như thiếu máu cấp tính do chấn thương, do phẫu thuật, băng huyết sau đẻ… 

Ngoài ra, thiếu máu mạn tính do tủy xương hoạt động kém. Cơ thể bị thiếu hụt các thành phần để sản sinh ra hồng cầu và huyết sắc tố như sắt, vitamin B12, acid folic… do rối loạn cơ quan tạo máu.

Người bệnh có biểu hiện mạch kết hoặc mạch đại, tim đập nhanh khó thở, lưỡi bóng ít rêu hoặc chứng hư lao phế nuy với biểu hiện khó thở, ho, người gầy yếu, ra mồ hôi,  kèm theo người bệnh mất ngủ, họng khô, đại tiện táo, mạch sác nhược. Đông y có nhiều cổ phương trị thiếu máu (huyết hư).

Bài thuốc "Phục mạch thang" trị thiếu máu

Thành phần bài thuốc gia giảm: Chích cam thảo 16g, a giao 12g, mạch môn 12g, quế chi 12g, sinh khương 12g, đại táo 8 quả, nhân sâm 12g, thục địa 20g.

Cách dùng: Sắc nước uống. Theo sách cổ, cho thêm 1/2 rượu để sắc.

Tác dụng: Ích khí bổ huyết, tư âm phục mạch. Chữa thiếu máu khí huyết hư, biểu hiện mạch kết hoặc mạch đại, tim đập mạnh khó thở, lưỡi bóng ít rêu. Hoặc chứng hư lao phế nuy có triệu chứng khó thở, ho, cơ thể gầy yếu, ra mồ hôi. Kèm theo mất ngủ, họng khô, đại tiện táo, mạch sác nhược.

Bài thuốc còn được dùng chữa các chứng thấp tim, hẹp van tim, nhịp tim không đều, ngoại tâm thu, khó thở do suy tim.

photo-1628929306172

Chích thảo – vị thuốc chủ dược trong bài "Phục mạch thang" trị thiếu máu.

Dẫn giải phương thuốc: Chích thảo tính ngọt ôn, ích khí bổ trung, sinh khí huyết để hồi phục huyết mạch là chủ dược. Đảng sâm, đại táo bổ khí ích vị kiện tỳ để sinh khí huyết. Sinh địa, a giao, mạch môn, ma nhân bổ tâm huyết, dưỡng tâm âm để dưỡng đầy huyết mạch. Quế chi và chích thảo bổ tâm dương. Sinh khương thông huyết mạch. Rượu tăng tác dụng thông mạch.

Gia giảm: Nếu đại tiện lỏng, bỏ ma nhân, gia toan táo nhân để dưỡng tâm an thần. Nếu tim hồi hộp nhiều, gia long cốt, chu sa để dưỡng tâm an thần.

Các bài thuốc phối hợp với "Phục mạch thang" 

Trị khí huyết lưỡng hư

Bài "Phục mạch thang" kết hợp bài "Bổ tỳ ích thận phương": Thục địa 30g, hoài sơn 18g, bạch truật 12g, nhân sâm 12g, bạch thược 14g, phục linh 10g, táo nhân 12g, câu kỷ 14g, viễn chí 10g, thỏ ty tử 12g, ngũ vị 10g, mạch môn 12g, đỗ trọng 14g, chích thảo 4g, đại táo 12g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: bổ tỳ ích thận. Trị người mệt mỏi, ăn ngủ kém, huyết áp thấp, mắt nhìn mờ, tóc bạc sớm, sinh lý yếu.

photo-1628929307983

Đỗ trọng là vị thuốc trong bài "Bổ tỳ ích thận phương". Trị thiếu máu do khí huyết lưỡng hư.

Trị khí huyết hư, tâm mạch nhược

Bài "Phục mạch thang" phối hợp bài "Bát Trân thang gia giảm": Đẳng sâm 16g, bạch truật 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 16g, mộc hương 6g, viễn chí 8g, táo nhân 8g, long nhãn 12g, phục linh 8g, thục địa 12g, bạch thược 12g, kỷ tử 12g, đại táo 12g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang.

Mời độc giả xem thêm video:

Chán ăn tâm thần gặp ở nữ giới nhiều hơn nam. Bệnh gây suy dinh dưỡng. thiếu máu, trầm cảm...


BS. Nguyễn Phan Trúc Nguyên
Ý kiến của bạn